Cần xe buýt nhỏ để trung chuyển khách ra đường lớn

TP Hồ Chí Minh có tổng cộng 4.938 tuyến đường nhưng có đến 3.450 tuyến đường chỉ có bề rộng dưới 7m. Để bố trí xe buýt phù hợp, ngay từ năm 2007, UBND thành phố đã phân loại nhóm tuyến đường theo bề rộng đang có tuyến xe buýt chạy qua.

Theo đó, tại thành phố đang có 13 tuyến có bề rộng dưới 6m được bố trí cho xe buýt từ 17-38 ghế hoạt động; có 70 tuyến đường bề rộng từ 6-8m bố trí cho xe buýt nhỏ và trung hoạt động và 17 tuyến đường bố trí cho xe buýt lớn trên 38 ghế hoạt động.

PGS.TS Phạm Xuân Mai, đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật thành phố nhận xét, đường có bề rộng dưới 7m trên địa bàn chiếm khoảng 60% nên xe buýt loại lớn khó có thể lưu thông. Vì vậy, việc đề xuất cho xe buýt nhỏ chạy trên các tuyến đường rộng dưới 7m, đường nội bộ khu dân cư hay đường bàn cờ và nối kết trung chuyển cư dân từ các hẻm nhỏ ra hệ thống xe buýt lớn và metro là rất cần thiết.

Xe buýt lớn chắn ngang giao lộ khi lưu thông trên đường nhỏ.

Xe buýt lớn chắn ngang giao lộ khi lưu thông trên đường nhỏ.

Trong quá trình thực hiện khảo sát để xây dựng đề án đưa xe buýt nhỏ vào hạt động, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết quả là 85% dân số của thành phố đang sinh sống trong các khu vực dân cư có đường nhỏ 3m - 6m, tiếp cận với xe buýt rất khó khăn. Đồng thời có 86% người dân được khảo sát mong muốn khoảng cách từ chỗ ở đến trạm xe buýt, hệ thống xe buýt chỉ là 200m.

Để đáp ứng nhu cầu trên của người dân, PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng cần đưa loại xe buýt cỡ nhỏ vào hoạt động. Loại phương tiện được đề xuất là xe buýt 12 chỗ, chiếm diện tích mặt đường chỉ ở mức 1,5m2 và khi chạy trong các đường nhỏ sẽ chạy một chiều theo lộ trình nhất định. Loại xe này chỉ làm nhiệm vụ gom khách, trung chuyển khách từ các đường nhỏ ra các trạm xe buýt trên đường lớn.

Cách đây hơn 20 năm, TP Hồ Chí Minh đã cho phép 527 xe buýt nhỏ loại xe tải 12 chỗ ngồi vào hoạt động. Tuy vậy, chỉ sau khoảng 10 năm khai thác, toàn bộ số xe buýt nhỏ này đã bị loại khỏi hệ thống xe buýt của thành phố. Lý do là theo quy định của Bộ GTVT, xe buýt phải là loại xe từ 17 chỗ trở lên. Với quy định cứng nhắc này, Bộ GTVT đã từng bác đề xuất của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh về đề nghị đưa loại xe buýt có sức chứa dưới 17 chỗ, không bố trí chỗ đứng vào hoạt động do không phù hợp quy định pháp luật.

Trước thực trạng lượng khách đi xe buýt không tăng như mục tiêu đặt ra những năm qua, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho rằng, để đi xe buýt từ ngoại thành vào trung tâm thành phố phải mất hơn 1 giờ do kẹt xe. Vì vậy xe buýt không thu hút được cả những khách đi trên các chặng dài. Để tăng lượng khách đi xe buýt, Sở GTVT đã từng làm việc với các hãng vận tải công nghệ nhằm liên kết vận chuyển khách cho xe buýt nhưng việc hợp tác này cũng không hiệu quả.

Lý do, thay vì đi xe buýt, hành khách sẵn sàng trả thêm tiền để đi xe công nghệ cho tiện. Vì vậy, nhanh chóng triển khai buýt nhỏ từ 12-16 chỗ là việc làm cần thiết để tăng lượng khách đi xe buýt tại thành phố. Việc này cũng sẽ góp phần cung cấp, trung chuyển khách cho tuyến metro số 1 sẽ được đưa vào khai thác từ đầu năm tới.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/can-xe-buyt-nho-de-trung-chuyen-khach-ra-duong-lon-i692604/