Cần xem xét khi nâng trần nợ vay cho địa phương

Nhiều đại biểu băn khoăn khi Dự thảo Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi) quy định địa phương tự cân đối thu chi được vay tối đa 120% số thu ngân sách được hưởng.

Khẳng định mục tiêu này là hợp lý, song nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm, nâng ở mức gấp bốn lần như hiện nay thì cần xem xét. Bởi, điều này không những làm tăng áp lực trả nợ, mà còn làm giảm dư địa vay của Trung ương.

Đại biểu lấy ví dụ hai dự án là đường sắt cao tốc Bắc Nam dự kiến vay 1,7 triệu tỷ; cùng với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dự kiến vay hơn 300 nghìn tỷ. Như vậy, riêng tổng nhu cầu vay ngân sách của hai dự án này đã lên tới con số hai triệu tỷ đồng.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết: “Riêng hai dự án này đã chiếm 20% của tổng trần nợ công như hiện nay rồi. Con số này chắc chắn sẽ tạo áp lực lên tài chính vĩ mô, đồng thời làm giảm dư địa vay của Trung ương”.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết: “Các cụ ta vẫn nói là ''dễ vay thì dày nợ'', bây giờ nếu ‘tăng trần nợ công’ cho các địa phương như vậy tôi rất quan ngại vấn đề là sẽ có thể làm phân tán nguồn lực quốc gia vào nhiều dự án nhỏ ở các địa phương mà không còn room vay nợ để tập trung được nguồn lực cho các công trình, dự án lớn quốc gia đã và đang triển khai trong thời gian tới, do vậy cần thận trọng cân nhắc vấn đề này”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ tán thành với quy định này. Đại biểu cho rằng việc tăng mức dư nợ vay giúp các địa phương có nguồn tiền để đầu tư cho các dự án tại địa phương cũng như lo an sinh xã hội trên địa bàn. Đặc biệt với những đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP. HCM hiện đang có nhiều dự án lớn. Do đó, rất cần nới mức trần này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM cho biết: “Tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét thêm đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh thì đang có nhiều dự án lớn, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt đô thị. Do đó, chúng tôi đề nghị thay vì mức trần 120% phần ngân sách thu được hưởng thì chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét có thể nâng mức này từ 150% cho đến 200% mức thu ngân sách được hưởng theo phân cấp”.

Trước những ý kiến còn trái chiều về việc nâng trần nợ vay cho địa phương, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, đề xuất này đã được Bộ Tài chính tính toán rất kỹ.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Chúng tôi thấy hiện nay trần nợ công của chúng ta Quốc hội đang cho phép là 60% và thực tế đến hết năm 2024 chúng ta mới sử dụng có 34,7% GDP, cho nên việc điều chỉnh mức dư nợ của ngân sách địa phương cũng đã được đánh giá kỹ lưỡng và dựa trên cơ sở tương quan với chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn 2026-2030 Quốc hội dự kiến tại dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, bội chi ngân sách nhà nước sẽ ở mức 5% và ngân sách địa phương sẽ ở mức 0,7% GDP”.

Tuy vậy, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận, việc tăng dư nợ vay của đại phương phải được kiểm soát và đặc biệt là chất lượng vay cũng như chất lượng các dự án sử dụng tiền vay để đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm: "Chất lượng của các dự án mà các địa phương sử dụng nguồn tiền này để chi phải được sử dụng hợp lý, tránh trường hợp trước kia một số địa phương sử dụng nguồn thu ngân sách này không hiệu quả, dẫn đến gánh nặng cho ngân sách. Cho nên khoản vay của địa phương cũng như khoản vay ngân hàng, một là phải tính toán sao cho hiệu quả về kinh tế - xã hội, hai là phải đảm bảo hiệu quả tài chính".

Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến, đồng thời tính toán để quy định chặt chẽ hơn, nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Lệ Cẩm

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/can-xem-xet-khi-nang-tran-no-vay-cho-dia-phuong-334544.htm