Cần xem xét toàn diện ngưỡng chịu thuế
Nếu kết hợp giữa việc rút gọn bậc và nâng ngưỡng khởi điểm chịu thuế sẽ vừa hỗ trợ người lao động vừa bảo đảm nguồn thu ngân sách ổn định
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mới, trong đó đề xuất rút gọn biểu thuế lũy tiến từ 7 xuống 5 bậc. Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia và người dân quan tâm lại là ngưỡng thu nhập chịu thuế dù có điều chỉnh nhưng vẫn lạc hậu, chưa phù hợp mức giảm trừ gia cảnh và bối cảnh kinh tế hiện nay.
Bỏ hẳn thuế suất 35%?
GS-TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, nhấn mạnh việc giảm số bậc trong biểu thuế là rất cần thiết, góp phần đơn giản hóa hệ thống thuế. Song để có chính sách thuế phù hợp với thực tiễn, đúng với mục tiêu của thuế TNCN, cơ quan soạn thảo cần có cân nhắc, tính toán kỹ về khoảng cách thu nhập giữa các bậc, cũng như mức thuế áp cho từng bậc.

Các chuyên gia đều kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng như ngưỡng chịu thuế để phù hợp với đời sống kinh tế hiện nay .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo GS-TS Hoàng Văn Cường, trong lần xây dựng Luật Thuế TNCN thay thế này, cần có cách tiếp cận toàn diện, không chỉ dừng lại ở việc rút gọn số bậc mà phải xem xét đồng bộ nhiều yếu tố khác. Mục tiêu là để biểu thuế thực sự phản ánh khả năng nộp thuế của người dân, khuyến khích lao động, đặc biệt thu hút nhân lực chất lượng cao. Ông Cường cho rằng khi xây dựng các bậc thuế, mức thuế suất cho từng bậc, cần xem xét toàn diện về mức, tính toán đầy đủ các chi phí bảo đảm mức sống của người dân, từ đó đưa ra mức thuế suất phù hợp.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, thành viên Hội Tư vấn và Đại lý Thuế TP HCM, nhận định sau hơn một thập kỷ gần như "đóng băng", chính sách thuế TNCN hiện nay đã không còn phù hợp với thực tế đời sống người dân. Ông dẫn chứng lần điều chỉnh đáng kể gần nhất đối với mức giảm trừ gia cảnh là năm 2013, khi mức giảm trừ cho cá nhân tăng từ 4 lên 9 triệu đồng/tháng, sau đó lên 11 triệu đồng vào năm 2020. Kể từ đó, trong khi mức sống người lao động tăng nhanh, thì biểu thuế lại không có thay đổi tương ứng. Theo ông, chi phí thực tế cho các nhu cầu cơ bản như ăn uống, nhà ở, y tế, giáo dục đã tăng tối thiểu 50% so với năm 2020, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng khoảng 21%. Do đó, nếu dự thảo chỉ điều chỉnh bậc thuế cao nhất từ 80 triệu đồng lên 100 triệu đồng là quá thấp, chưa phản ánh đúng áp lực chi tiêu thực tế hiện nay.
Từ phân tích này, ông Nghĩa đề xuất nên nâng ngưỡng chịu thuế cao nhất (áp dụng thuế suất 35%) lên khoảng 120 triệu đồng/tháng để phù hợp với mức trượt giá đã xảy ra trong hơn 10 năm qua. Đồng thời, kiến nghị điều chỉnh đồng bộ các ngưỡng thu nhập chịu thuế từ bậc 2 đến bậc 5, với mức tăng tương đương 40% so với hiện nay, nhằm bảo đảm sự công bằng trong tính thuế theo nguyên tắc lũy tiến.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang, nhấn mạnh biểu thuế hiện hành quá dày, với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc quá sát nhau, khiến người nộp thuế dễ bị "nhảy bậc" dù thu nhập tăng không đáng kể. Việc rút gọn xuống 5 bậc như trong dự thảo là một bước đi tích cực nhưng theo ông vẫn chưa đủ.
Ông đề xuất nên rút còn 4 bậc thuế và bỏ hẳn mức thuế suất 35%, bởi đây là mức quá cao và gây áp lực lớn cho người làm công ăn lương. Cụ thể, bậc 1 áp dụng cho thu nhập từ mức khởi điểm đến 20 triệu đồng/tháng với thuế suất 5%; bậc 2 từ 20 - 40 triệu đồng là 10%; bậc 3 từ 40 - 80 triệu đồng là 20%; và bậc 4 trên 80 triệu đồng là 30%. Biểu thuế này, theo ông, đơn giản, dễ tính toán, giúp người nộp thuế dễ hiểu và có tâm lý tích cực hơn. Nếu kết hợp giữa việc rút gọn bậc và nâng ngưỡng khởi điểm chịu thuế, chính sách sẽ vừa hỗ trợ người lao động vừa bảo đảm nguồn thu ngân sách ổn định. "Giảm thuế TNCN cũng là một trong những giải pháp gián tiếp thúc đẩy chính sách khuyến sinh. Nếu người dân có thêm phần thu nhập dư ra, họ sẽ chủ động hơn trong kế hoạch chi tiêu, ổn định gia đình và sinh con" - luật sư Trần Xoa bày tỏ.
Mức giảm trừ chưa hợp lý
Trong khi đó, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cũng cho rằng mức tăng giảm trừ gia cảnh là chưa đủ để tạo tác động rõ rệt. Ông minh họa nếu một người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, hiện chỉ phải nộp 200.000 đồng tiền thuế; khi tăng mức giảm trừ lên 15,5 triệu đồng thì người này không còn nộp thuế nhưng cũng chỉ giảm được đúng 200.000 đồng. Trong khi đó, để bảo đảm công bằng và bắt kịp trượt giá, mức thu nhập chịu thuế cao nhất hiện nay phải tăng lên hơn 170 triệu đồng/tháng thay vì 80 triệu như hiện tại. Theo ông, mức này vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, những nơi cũng đang áp dụng thuế suất 35% nhưng ngưỡng thu nhập của họ rất cao, tính ra từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng mỗi tháng.
Cùng quan điểm, luật sư Trần Xoa nhận định việc Bộ Tài chính lấy CPI làm căn cứ điều chỉnh ngưỡng chịu thuế TNCN tuy đúng quy định pháp luật hiện hành nhưng lại chưa thực sự phù hợp với bối cảnh thực tế đời sống của người lao động hiện nay. Ông phân tích CPI được tính toán dựa trên bình quân giá của 752 mặt hàng, chủ yếu nhằm phục vụ điều hành kinh tế vĩ mô, nên không phản ánh chính xác chi tiêu thiết yếu của người dân. Trong khi đó, người lao động thường chỉ sử dụng một số lượng nhỏ các mặt hàng cơ bản như thực phẩm, nhu yếu phẩm, y tế, giáo dục..., vốn có mức tăng giá cao hơn CPI rất nhiều. Do đó, dù Quốc hội đã quy định lấy CPI làm cơ sở điều chỉnh ngưỡng khởi điểm chịu thuế nhưng theo ông, cách tiếp cận này đang trở nên lỗi thời trước áp lực chi phí sinh hoạt ngày một tăng.
Luật sư Xoa dẫn lại bối cảnh ban hành Luật Thuế TNCN vào năm 2007, khi CPI tăng hơn 10% mỗi năm, chỉ cần 2 năm đã đạt mức 20%. Ngày nay, dù CPI tăng chậm hơn nhờ kiểm soát lạm phát tốt nhưng chi phí thực tế của người dân lại leo thang mạnh mẽ. Vì vậy, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng mức giảm trừ từ 11 triệu đồng lên 13,3 triệu đồng/tháng là quá thấp, còn mức 15,5 triệu đồng dù gần sát thực tế hơn (vì dựa trên GDP) nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng mức sống tối thiểu và thiếu căn cứ pháp lý rõ ràng.
Từ thực tiễn đó, ông đề xuất mức giảm trừ hợp lý nên được điều chỉnh lên 18 - 20 triệu đồng/tháng, áp dụng ổn định trong giai đoạn 2026 - 2031 nhằm giúp người nộp thuế không chỉ đủ sống mà còn có khả năng chủ động tài chính lâu dài. Theo ông, lo ngại của Bộ Tài chính về nguy cơ thất thu ngân sách khi nâng ngưỡng chịu thuế là không có cơ sở. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại rằng trong các năm 2009, 2013 và 2020, khi các mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tăng, thu ngân sách không những không giảm mà còn tăng trưởng đều đặn qua từng năm.
TS Nguyễn Quốc Việt, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng cho rằng dù thu nhập bình quân đã tăng, các gia đình trẻ và hộ trung lưu vẫn chịu nhiều áp lực khi phần thu nhập bị đánh thuế chưa phản ánh đúng chi phí sống. Theo ông, cơ chế giảm trừ gia cảnh không nên chỉ căn cứ vào CPI, vì chỉ số này không thể hiện đầy đủ mức tăng của các chi phí thiết yếu như nhà ở, y tế, giáo dục vốn đã tăng mạnh trong những năm qua.
Theo TS Việt, đề xuất điều chỉnh khi CPI biến động 20% là quá chậm, mức này nên giảm còn khoảng 10% để phản ánh kịp thời biến động thực tế. Ngoài ra, Việt Nam có thể học tập các quốc gia trong khu vực khi tính thêm các khoản chi lớn, như vay mua nhà, thuê nhà, đầu tư cho sinh hoạt cơ bản... vào cơ chế giảm trừ để hỗ trợ đúng đối tượng, đặc biệt là các hộ trẻ đang gánh chi tiêu cao.
Về biểu thuế lũy tiến, ông nhận định 7 bậc hiện tại với khoảng cách thuế suất quá sát nhau đang gây tâm lý làm nhiều bị thiệt. Điều này làm giảm động lực tích lũy và đầu tư trở lại, nhất là với người lao động trẻ. Do đó, việc sửa đổi Luật TNCN cần toàn diện hơn, hướng đến công bằng thực chất, tạo động lực và hỗ trợ đúng đối tượng.
Tập trung vào thuế thương mại điện tử
Từ góc độ thu ngân sách, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý thêm rằng trong bối cảnh nhà nước cần huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư công, việc tập trung cải cách và mở rộng cơ sở thu thuế nên ưu tiên vào các lĩnh vực có tiềm năng lớn, như thương mại điện tử. Đây là mảng có quy mô giao dịch ngày càng lớn, đang phát triển nhanh nhưng vẫn còn nhiều dư địa để tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả hơn so với việc tiếp tục gia tăng gánh nặng cho người lao động có thu nhập cố định.
Giảm áp lực cho người nộp thuế
Trong quá trình góp ý sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên (trước đây) từng kiến nghị giảm thuế suất đối với 3 bậc đầu, nhằm giảm áp lực tài chính cho người nộp thuế có thu nhập thấp để giúp họ cải thiện chất lượng sống. Cụ thể, cơ quan này đề xuất thuế suất bậc 1 giảm một nửa, từ 5% xuống còn 2,5%; bậc 2 giảm từ 10% xuống 5%; bậc 3 từ 15% xuống còn 10%.
Tương tự, UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ) cũng từng đề xuất điều chỉnh khoảng cách thuế giữa các bậc để tránh "nhảy thuế" đột ngột khi thu nhập tăng nhẹ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-xem-xet-toan-dien-nguong-chiu-thue-196250723205604327.htm