Cần xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình vi phạm IUU
Tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác chống khai thác IUU, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh cần nắm chắc tình hình, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình vi phạm IUU.
Ngày 18/9, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đình Đức cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 437/437 tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 15 m lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Tuy nhiên, trên hệ thống chỉ hiển thị thiết bị giám sát hành trình 434/437 chiếc do có 3 tàu cá đã lắp hệ thống giám sát tàu cá (VMS), nhưng nằm bờ, hư hỏng chờ bán. Thông qua hệ thống VMS, các cơ quan quản lý thủy sản trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi, kêu gọi, cảnh báo nguy cơ các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đa số tàu cá của tỉnh sử dụng dịch vụ viễn thông Vinaphone hoặc số ít do sự cố kỹ thuật nguồn điện kết nối, do đó một số chủ tàu đã sử dụng máy thông tin VX-1700 có tích hợp định vị vệ tinh GPS để liên lạc về trạm bờ theo quy định.
Mặc dù vậy, vẫn có 50 lượt với 18 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển. Tất cả những trường hợp này đã được trạm bờ cảnh báo chủ tàu và thông báo đến các đơn vị liên quan, xác minh khi tàu về bờ. Vì vậy, chưa có tàu cá bị xử lý do vượt ranh giới cho phép trên biển.
Toàn tỉnh có 385 tàu cá chưa đăng ký; trong đó, tàu cá "3 không" (chiều dài lớn nhất từ 12-15 m) có 36 chiếc và tàu cá "2 không" (chiều dài dưới 12 m) có 349 chiếc thuộc diện thiếu hồ sơ theo quy định. Hầu hết các loại tàu này đều thuộc nhóm tàu cá cỡ nhỏ, chủ yếu ở bãi ngang ven bờ, sáng đi tối về (câu mực, vây cá nổi), phân bố nhiều nhất tại huyện Phú Lộc.
Đến nay, UBND các huyện đang hướng dẫn chủ tàu cá triển khai đăng ký theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2024 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh cho hay, trong thời gian tới, đối với tàu cá "3 không", "2 không" sẽ chỉ đạo hoàn thành đăng ký trước 30/10/2024 và xử lý dứt điểm trước thời hạn 31/12/2024.
Đối với tình trạng tàu cá hết hạn đăng kiểm, hiện nay đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn chủ tàu chấp hành thực hiện theo luật; xem xét thành lập cơ sở đăng kiểm tàu cá ngoài chức năng quản lý Nhà nước để thực hiện kịp thời cho tàu cá tại địa phương. Nhiệm vụ này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024.
Sau khi lắng nghe báo cáo, các ý kiến và thực tế kiểm tra trước đó, tại buổi làm việc, nhiều vấn đề đã được các thành viên trong Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT trao đổi, đánh giá, rút kinh nghiệm để công tác chống khai thác IUU tại Thừa Thiên Huế đạt kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh và Thứ trưởng Phạm Đức Tiến yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã phân tích, chỉ rõ.
Đồng thời khẳng định, tiếp tục lãnh, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác chống khai thác IUU tại Thừa Thiên Huế cụ thể, thiết thực hơn nữa trong thời gian tới. Tùy theo chức trách, nhiệm vụ của từng ngành để triển khai thực hiện công tác chống khai thác IUU đạt kết quả cao.
Khẳng định, chống khai thác IUU là nhiệm vụ hết sức cấp bách, quan trọng hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế cần nắm chắc tình hình, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình vi phạm IUU.
Tập trung lãnh, chỉ đạo thôi chưa đủ, mà cần phải triển khai công tác chống khai thác IUU tại Thừa Thiên Huế thực chất, cụ thể hơn; quản lý, giám sát chặt hơn hoạt động của các tàu cá khi vươn khơi, bám biển.