'Cần ý tưởng mới để hiện thực hóa các dự án tiềm năng kết nối kinh tế Việt Nam-Lào'

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm trong đầu tư đề xuất các ý tưởng mới để sớm hiện thực hóa các dự án tiềm năng trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Lào.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP

Hai "nút thắt" cần được ưu tiên tháo gỡ

Ngày 9/1, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào. Đây là sự kiện quan trọng để tổng kết, đánh giá kết quả hợp tác đầu tư năm 2024 và bàn giải pháp thực hiện Kế hoạch hợp tác năm 2025 được Chính phủ hai nước thông qua sáng cùng ngày.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đầu tư của Việt Nam tại Lào hiện nay đang gặp phải hai "nút thắt" cần được ưu tiên tháo gỡ.

Thứ nhất, tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư tại Lào, đặc biệt đối với các dự án đầu tư quy mô lớn. Nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang chờ các bộ, ngành, địa phương hai nước tháo gỡ, nhất là phía Lào.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp mới, chưa đầu tư vào Lào, Chính phủ Lào cần phải có định hướng mới, với các biện pháp mang tính đột phá, tạo thêm không gian và dư địa, đặc biệt Lào cần phải cải cách mạnh mẽ, đổi mới toàn diện và đồng bộ thể chế kinh tế và cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính chồng chéo, không cần thiết để giải phóng nguồn lực thúc đẩy đầu tư phát triển.

Kết nối hai nền kinh tế, giúp Lào có biển, có cảng

Nhận định năm 2025 là năm bứt phá để thực hiện thành công các nội dung trong hiệp định hợp tác song phương hai nước giai đoạn 2021-2025, năm xây dựng định hướng hợp tác mới cho giai đoạn phát triển mới, về lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị một số định hướng trọng tâm cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trước tiên, phải kiên định quan điểm nhất quán là càng khó khăn càng phải đoàn kết, gắn bó, bền chặt để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách,...

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại tập trung thu hút các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào. Đồng thời, thúc đẩy có hiệu quả cơ chế hợp tác đầu tư theo hình thức liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Lào.

"Phía Lào ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai các dự án hợp tác dọc biên giới Việt Nam-Lào. Tham vấn hai bên xem xét các dự án hợp tác dọc biên giới hai nước cho doanh nghiệp nước thứ ba," Bộ trưởng KH&ĐT đề xuất.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại với mục tiêu tăng từ 10-15%/năm. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối cho hàng hóa tại mỗi nước để đảm bảo sự hiện diện ổn định và đầu ra bền vững.

Điểm mấu chốt nữa là doanh nghiệp cần chủ động và tích cực tham gia kế hoạch kết nối hai nền kinh tế và tiến trình giúp Lào có biển, có cảng riêng, kết nội hệ thống đường bộ, đường sắt để mở cửa hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Chính phủ hai nước đang tập trung tháo gỡ khó khăn, để huy động mọi nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng kết nối trọng điểm, như: Dự án hợp tác đầu tư bến cảng 1,2,3 cảng Vũng Áng, dự án đường cao tốc Hà Nội-Vientiane, dự án đường sắt Vientiane - Vũng Áng.

"Về vấn đề này, bên cạnh nỗ lực của hai Chính phủ, rất cần sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp hai nước, với các hình thức, phương thức hợp tác đa dạng để huy nguồn lực đầu tư vào các dự án nêu trên," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư, các cơ quan của Lào cần ưu tiên có giải pháp đồng bộ ổn định kinh tế vĩ mô, điều kiện tiên quyết để thu để hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài.

Hoàn thiện các chính sách liên quan đến đầu tư, thuế, thương mại, tỷ lệ lao động, chính sách tín dụng…Quá trình thực thi chính sách như: tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu thiết bị, hàng hóa, kế toán kiểm toán, tô nhượng đất đai…

Đồng thời, sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện hình thành các vùng, khu vực phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Xem xét giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai hoạt động và mở rộng dự án.

Cần ý tưởng mới để hiện thực hóa các dự án tiềm năng

Nhằm tạo sự đột phá trong hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại có hiệu quả cao hơn giữa hai nước, tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm trong đầu tư đề xuất các ý tưởng mới để sớm hiện thực hóa các dự án tiềm năng trong hợp tác đầu tư giữa hai nước.

"Với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, cộng với tư duy hợp tác mới, với những biện pháp quyết liệt, mang tính đột phá của cả hai bên, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư lớn, hiệu quả cao giữa doanh nghiệp hai nước và đưa quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào lên tầm cao mới," Bộ trưởng tin tưởng.

Về phần mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào lĩnh hội các nội dung chỉ đạo của hai Thủ tướng và ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp để cùng các Bộ, ngành, địa phương hai nước tổ chức triển khai thực hiện, nhất là ưu tiên xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác đầu tư của doanh nghiệp hai nước ngày càng hiệu quả và thực chất.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/can-y-tuong-moi-de-hien-thuc-hoa-cac-du-an-tiem-nang-ket-noi-kinh-te-viet-nam-lao-37391.html