Canada sẽ giải bài toán trả đũa thuế quan từ ông Trump thế nào?
Canada sẽ dùng tới phương án nào để trả đũa thuế quan từ ông Trump nếu vị tổng thống Mỹ áp thuế lên hàng hóa Canada như đã cảnh báo?
Nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Canada tạm thời được ngăn chặn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý hoãn áp thuế 25% lên hàng hóa Canada nhập sang Mỹ trong 30 ngày. Tuy nhiên, làn sóng phẫn nộ đã bùng lên ở Canada, với việc nhiều người kêu gọi phải trả đũa thuế quan từ ông Trump bằng hình thức tẩy chay hàng hóa Mỹ, thậm chí có ý kiến đề xuất ngừng xuất khẩu dầu sang nước láng giềng.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng việc chặn dòng chảy dầu thô sang Mỹ có thể gây tổn thất kinh tế nặng nề cho Canada, quốc gia bơm gần như toàn bộ lượng dầu thô của mình sang Mỹ thông qua một mạng lưới đường ống.
Hơn nữa, sẽ mất thời gian để Canada đa dạng hóa xuất khẩu sau hàng thập niên gắn bó thương mại chặt chẽ với Mỹ dưới Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
![Canada sẽ giải bài toán trả đũa thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) thế nào? Ảnh: ABC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_114_51457269/7edabc6d8b23627d3b32.jpg)
Canada sẽ giải bài toán trả đũa thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) thế nào? Ảnh: ABC
Hệ thống đường ống dẫn dầu của Canada hoạt động như thế nào?
Theo kênh Al-Jazeera, cơ sở hạ tầng đường ống của Canada được thiết kế theo một cách đặc thù. Các đường ống bắt đầu từ miền tây Canada, nơi tập trung phần lớn sản lượng dầu, nhưng phải đi qua lãnh thổ Mỹ để đến miền đông Canada.
Về lý thuyết, Canada có thể ngừng cung cấp dầu cho Mỹ để trả đũa thuế quan từ ông Trump và như một đòn bẩy nhằm buộc ông Trump rút lại các đe dọa áp thuế. Tuy nhiên, điều này sẽ gây gián đoạn nguồn cung dầu thô cho các nhà máy lọc dầu ở miền đông Canada, do các đường ống đều đi qua lãnh thổ Mỹ. Hầu hết dầu thô được khai thác từ lưu vực trầm tích Tây Canada, bao gồm các tỉnh British Columbia, Alberta, Saskatchewan và Manitoba.
Dầu của Canada chảy sang một số khu vực của Mỹ, như vùng Trung Tây, nơi có các nhà máy lọc dầu. Thậm chí, một số nhà máy lọc dầu của Mỹ nằm gần các khu khai thác dầu của Canada hơn so với các tỉnh miền đông Canada. Chẳng hạn, khu vực khai thác dầu ở British Columbia gần bang California của Mỹ hơn là tỉnh Ontario của Canada.
Dầu thô được vận chuyển qua hệ thống đường ống chạy xuyên qua Mỹ để đến các tỉnh ven biển phía đông Canada để tinh chế. Một số đường ống trong mạng lưới này đã tồn tại từ những năm 1950, phục vụ cả các nhà máy lọc dầu của Mỹ và Canada.
“Canada và Mỹ đã có một quyết định có chủ đích trong việc tích hợp cơ sở hạ tầng năng lượng của họ. Mô hình này đã tồn tại từ rất lâu” - bà Gitane De Silva, cựu Giám đốc điều hành của Cơ quan Quản lý Năng lượng Canada (CER), nói với Al Jazeera.
Năm 1994, Mỹ, Canada và Mexico đã ký kết NAFTA, loại bỏ phần lớn các loại thuế giữa ba nước và bao gồm các điều khoản về hợp tác năng lượng.
“Khi hiệp định được phê chuẩn, Mỹ mong muốn Canada xuất khẩu càng nhiều năng lượng càng tốt” - bà De Silva nói. Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) dưới thời ông Trump vào năm 2020 để thay thế NAFTA vẫn giữ nguyên hầu hết các điều khoản về năng lượng của NAFTA.
Canada xuất khẩu bao nhiêu dầu sang Mỹ?
Gần như toàn bộ lượng dầu thô xuất khẩu của Canada – khoảng 97% – đã được xuất sang Mỹ vào năm 2023, theo CER. Năm 2022, 60% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ có nguồn gốc từ Canada, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Dầu khí Canada, năm 2024, Canada sản xuất 5,7 triệu thùng dầu/ngày. Trong đó, khoảng 4,3 triệu thùng sản phẩm dầu mỏ được xuất khẩu sang Mỹ mỗi ngày.
Canada có thể ngừng xuất khẩu dầu thô sang Mỹ không?
Về lý thuyết thì Canada có quyền ngừng xuất khẩu dầu thô sang Mỹ để trả đũa thuế quan từ ông Trump, nhưng chuyên gia cho rằng điều đó khó xảy ra.
Chính phủ Canada có thẩm quyền để dừng xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, bà De Silva cho biết điều này rất phức tạp vì Canada là một liên bang, đồng nghĩa với việc chính quyền trung ương và các tỉnh bang chia sẻ quyền lực. Sản xuất dầu thuộc thẩm quyền của các tỉnh.
“Có rất nhiều vấn đề pháp lý cần xem xét, vì Canada chưa từng làm điều này trước đây” - bà De Silva nhận định liên quan khả năng Canada ngừng xuất khẩu dầu thô sang Mỹ để trả đũa thuế quan từ ông Trump. Bà cảnh báo rằng những bất đồng có thể dẫn đến một “cuộc khủng hoảng hiến pháp trong nước”.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác là dầu sẽ được lưu trữ ở đâu nếu nguồn cung bị cắt đột ngột. “Khi các đường ống đã đầy, sẽ rất khó để tìm chỗ chứa thêm 4 triệu thùng dầu/ngày” - bà De Silva lưu ý.
Nếu chính phủ Canada quyết định ngừng cung cấp dầu cho Mỹ để trả đũa thuế quan từ ông Trump, điều này cũng đặt ra câu hỏi về cách các khu vực phía đông Canada – bao gồm Ontario, Quebec và New Brunswick – sẽ nhận được dầu. Nó cũng làm dấy lên lo ngại về việc Mỹ có thể đáp trả bằng cách chặn dòng chảy dầu qua lãnh thổ nước này đến miền đông Canada.
Theo thỏa thuận về đường ống trung chuyển giữa Mỹ và Canada năm 1977, không cơ quan công quyền nào ở cả hai nước được thực hiện các biện pháp “có mục đích hoặc có tác động cản trở, chuyển hướng, thay đổi hay can thiệp vào bất kỳ hình thức vận chuyển hydrocarbon nào đang trong quá trình trung chuyển”. Mặc dù vi phạm hiệp ước có thể bị kiện ra tòa, nhưng bà De Silva cho rằng “với chính quyền ông Trump, tôi không chắc họ có quan tâm đến các hiệp ước quốc tế đó hay không”.
Tháng trước, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), ông Trump tuyên bố: “Chúng tôi không cần dầu khí của họ [Canada]. Chúng tôi có nhiều hơn bất kỳ ai”. Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ đẩy mạnh khai thác dầu trong nước để bù đắp cho khả năng thiếu hụt dầu từ Canada.
Có một số phương án thay thế để vận chuyển dầu thô từ miền tây Canada sang miền đông, bao gồm đường sắt, xe tải, đường biển và tàu chở dầu. Tuy nhiên, bà De Silva nhấn mạnh: “Đường ống vẫn là phương thức vận chuyển dầu khí an toàn nhất. Chúng cũng hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất, vì vậy đây không phải là giải pháp hoàn hảo nhưng có thể là một lựa chọn nếu cần”.
Theo số liệu năm 2024 từ CER, 89,6% lượng dầu thô xuất khẩu của Canada được vận chuyển qua đường ống. Phần còn lại được vận chuyển bằng đường sắt và các phương thức khác.
“Canada đang tích cực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu dầu khác” - bà De Silva cho biết. Tuy nhiên, theo bà, không có giải pháp nào có thể thực hiện ngay lập tức.
Hãng Reuters đưa tin công ty vận hành đường ống Trans Mountain của Canada cho biết nếu ông Trump áp thuế, lượng dầu xuất khẩu sang châu Á có thể sẽ tăng lên. Một đường ống đã được mở rộng vào năm ngoái để vận chuyển dầu đến bờ biển Thái Bình Dương, từ đó xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc bằng tàu chở dầu.
Bà De Silva cũng nhấn mạnh rằng lệnh cấm xuất khẩu dầu sang Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến chính nền kinh tế Canada.
“Ngành dầu mỏ là động lực lớn nhất của nền kinh tế. Vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Canada, tôi tin rằng chính phủ liên bang sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định, vì tác động trong nước có thể gần bằng, nếu không muốn nói là ngang với tác động đối với Mỹ” - theo bà De Silva.
![Một tàu chở dầu đi qua điểm cuối của Hệ thống đường ống Trans Mountain tại tỉnh British Columbia (Canada). Ảnh: BLOOMBERG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_114_51457269/7452bfe588ab61f538ba.jpg)
Một tàu chở dầu đi qua điểm cuối của Hệ thống đường ống Trans Mountain tại tỉnh British Columbia (Canada). Ảnh: BLOOMBERG
Những gì đang gặp nguy?
Năm 2022, 79,2% lượng dầu tinh chế của Canada có nguồn gốc từ Mỹ, theo dữ liệu từ Tổ chức Quan sát Độ phức tạp Kinh tế (OEC).
Mỹ nhập khẩu dầu thô từ Canada, tinh chế chủ yếu tại khu vực Trung Tây nước này, sau đó bán lại cho Canada và các thị trường khác trên thế giới.
Bà De Silva cho biết một trong những lập luận mà Canada đưa ra để ngăn Mỹ áp thuế là: “Canada xuất khẩu năng lượng giá cả phải chăng, đáng tin cậy, an toàn, được sản xuất theo tiêu chuẩn môi trường cao và cam kết tôn trọng nhân quyền. Canada bán dầu cho Mỹ với mức giá ưu đãi. Sau đó, các nhà máy lọc dầu của Mỹ mua về, tinh chế và bán lại cho Canada cũng như các nước khác với mức giá bị đội lên đáng kể”.
Việc Mỹ áp thuế cao hơn có thể khiến giá nhiên liệu tăng vọt, làm gia tăng lạm phát. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu, kéo theo tình trạng mất việc làm – một yếu tố bất lợi đối với đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau trong bối cảnh Canada chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử cuối năm nay.