Cảng biển là nhóm cổ phiếu hưởng lợi lớn nhất khi quan hệ Mỹ - Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn?

Ngành cảng biển và logistics của Việt Nam sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ việc cải thiện mối quan hệ Việt-Mỹ, khi Mỹ hiện đang là khách hàng lớn nhất của hàng hóa Việt Nam', MAS kỳ vọng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mirae Asset trong báo cáo cập nhật triển vọng nhóm cảng biển nhấn mạnh nhờ mối quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng tốt đẹp, Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và logistics.

Ngoài ra, hai bên cam kết tạo điều kiện thuận lợi để tạo điều kiện mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của nhau, các chính sách kinh tế và thương mại hỗ trợ cũng như các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu này. Các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường đã được giải quyết thông qua Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư.

"Ngành cảng biển và logistics của Việt Nam sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ việc cải thiện mối quan hệ Việt-Mỹ, khi Mỹ hiện đang là khách hàng lớn nhất của hàng hóa Việt Nam", MAS kỳ vọng.

Sau chuyến thăm Việt Nam thành công của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Nhà Trắng ra tuyên bố công bố thỏa thuận hợp tác giữa Công ty điều hành cảng SSA Marine và Tập đoàn Gemadept (GMD) về phát triển cảng biển chiến lược tại khu vực phía Nam Việt Nam, trong đó có trung tâm logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD.

Ngoài ra, Chính quyền TP.HCM cũng đã đề xuất dự án cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ, vốn đầu tư ước tính 5,45 tỷ USD. Dự án này dự kiến gồm 7 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2027.

Một dự án lớn khác là cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, dự kiến sẽ trở thành cảng trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long. Với các khoản đầu tư lớn sắp triển khai, chúng tôi cho rằng sự cạnh tranh trong phân khúc cảng biển và lĩnh vực logistics sẽ ngày càng gay gắt khi các ông lớn tham gia và tăng cường cạnh tranh.

Niềm tin người tiêu dùng cũng tăng dần trong thời gian gần đây. Đến cuối T7, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cho thấy sự cải thiện dần dần so với đầu năm. Tăng trưởng chi tiêu thực ở Mỹ cũng duy trì ở mức tích cực dù còn ở mức thấp hơn so với đầu năm 2022. Kết hợp với dự phóng tăng trưởng GDP thực tế, MAS kỳ vọng mức tiêu dùng chung ở các thị trường đó sẽ duy trì ổn định trong thời gian còn lại của năm 2023.

Tuy nhiên, MAS chỉ đánh giá trung tính cho nhóm này do năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức. Bất chấp các tín hiệu phục hồi trong Q3/2023, công ty chứng khoán này không kỳ vọng giá trị hoặc khối lượng xuất nhập khẩu sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024. Tiết kiệm hộ gia đình ở Hoa Kỳ vẫn ở mức thấp, điều này báo hiệu không tốt cho hoạt động tiêu dùng trong tương lai.

Ngoài ra, Fed còn cho biết sẽ thực hiện ít nhất một đợt tăng lãi suất trong năm 2023 và sẽ duy trì lãi suất cao ít nhất cho đến T6 2024. Tiêu dùng thấp và chính sách tiền tệ thắt chặt đe dọa sự phục hồi tiêu dùng ở Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Rủi ro chính gồm địa chính trị, những bất ổn về lãi suất, sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và công suất cảng biển dư thừa trong ngắn hạn là những rủi ro chính đối với nhu cầu trong Q4 2023 và năm 2024.

Về xuất nhập khẩu, theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9 ( từ 1-15/9) đạt 14,29 tỷ USD, giảm 21,6% (tương ứng giảm 3,94 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 8/2023.

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 1 tháng 9 giảm so với kỳ 2 tháng 8/2023 ở một số nhóm hàng lớn như: hàng dệt may giảm 696 triệu USD, tương ứng giảm 36,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 365 triệu USD, tương ứng giảm 12,6%; giày dép các loại giảm 302 triệu USD, tương ứng giảm 33,9%; sắt thép các loại giảm 293 triệu USD, tương ứng giảm 61,7%...

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/9/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 242.04 tỷ USD, giảm 8,8%, tương ứng giảm 23,44 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Một số nhóm hàng giảm mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 6,06 tỷ USD, tương ứng giảm 14,3%; hàng dệt may giảm 3,8 tỷ USD, tương ứng giảm 13,8%; giày dép các loại giảm 3,18 tỷ USD, tương ứng giảm 18,6%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 2,95 tỷ USD, tương ứng giảm 9,3%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 2,66 tỷ USD, tương ứng giảm 22,8%...

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 59,69 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu 33,21 tỷ USD, nhập khẩu 26,48 tỷ USD, xuất siêu 6,73 tỷ USD, tăng 6,4%.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cang-bien-la-nhom-co-phieu-huong-loi-lon-nhat-khi-quan-he-my-viet-nam-ngay-cang-tot-dep-hon.htm