Càng chạy càng lỗ, Hanoi Metro vẫn báo lãi

Báo cáo tài chính năm 2024 của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) gây chú ý khi đơn vị vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội công bố lãi sau thuế 15,4 tỉ đồng, tăng 17,5% so với năm 2023. Tuy nhiên, đằng sau con số tích cực này là một thực trạng tài chính cần thận trọng.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, Hanoi Metro đạt doanh thu thuần 628,9 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023. Tuy nhiên, phần lớn nguồn thu đến từ ngân sách trợ giá, chiếm tới gần 86% tổng doanh thu, tương đương khoảng 540 tỷ đồng.

Doanh thu tăng, lãi sau thuế 15,4 tỷ đồng nhờ trợ giá và lãi tiền gửi

Theo phân tích, chi phí vận hành khổng lồ trong khi doanh thu bán vé chỉ đạt chưa đến 90 tỉ đồng, tương ứng 14% doanh thu, phần còn lại (86%) là trợ giá từ ngân sách Hà Nội. Cứ 1 đồng bán vé, doanh nghiệp được trợ thêm gần 6 đồng, một cơ cấu thu chưa bền vững nếu mục tiêu dài hạn là thương mại hóa hệ thống vận tải đô thị.

Mức hỗ trợ không đủ bù lỗ kinh doanh, dẫn tới lỗ lũy kế ngày càng lớn.

Mức hỗ trợ không đủ bù lỗ kinh doanh, dẫn tới lỗ lũy kế ngày càng lớn.

Lợi nhuận sau thuế đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 17,5% so với 13,1 tỷ đồng năm trước. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu nhờ doanh thu tài chính từ lãi tiền gửi (24,8 tỷ đồng), xuất phát từ khoản tiền hơn 890 tỷ đồng gửi ngân hàng. Hoạt động vận hành cốt lõi vẫn có biên lợi nhuận gộp rất thấp (chỉ 2,8%), cho thấy kinh doanh thực chất còn yếu.

Một điểm đáng chú ý là giá vốn hàng bán lên tới 610,9 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh, từ 18 tỷ lên 22,5 tỷ đồng. Với cấu trúc chi phí lớn, hiệu quả tích lũy vốn và khả năng tự đầu tư mở rộng của doanh nghiệp còn rất hạn chế.

Quan trọng hơn, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 187,6 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn so với con số dương 51 tỷ đồng năm trước. Điều này cho thấy lợi nhuận kế toán chưa chuyển hóa được thành dòng tiền thực, một chỉ dấu quan trọng cảnh báo rủi ro thanh khoản nếu không có hỗ trợ tài chính ổn định.

Dòng tiền đầu tư cũng âm gần 60 tỷ đồng, trong khi toàn bộ dòng tiền duy trì hoạt động đến từ dòng tiền tài trợ (368 tỷ đồng), cho thấy doanh nghiệp đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn tài trợ bên ngoài để tồn tại.

Tăng trưởng tài sản nhưng nợ ngắn hạn và lỗ lũy kế tiềm ẩn rủi ro

Tổng tài sản Hanoi Metro năm 2024 tăng mạnh lên 7.668 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm trước. Tuy nhiên, phần lớn đến từ tăng giá trị tài sản cố định hữu hình. Tài sản dài hạn tăng từ 2.227 tỷ lên 6.484 tỷ đồng, đi kèm là khấu hao lũy kế tăng mạnh từ 465 tỷ lên 834 tỷ đồng.

Nếu không được khai thác hiệu quả, chi phí khấu hao sẽ tiếp tục bào mòn lợi nhuận trong những năm tới.

Nợ phải trả cũng tăng đột biến, từ 346 tỷ lên gần 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn liên quan đến các khoản phải trả, trong đó có nhiều chi phí chờ quyết toán cho dự án Nhổn - ga Hà Nội. Vốn chủ sở hữu của công ty gần như không đổi, trong khi lỗ lũy kế vẫn chưa được xóa.

Một điểm đáng lưu ý khác là chi phí trả lương chuyên gia trích trước lên tới 70,3 tỷ đồng và thù lao cho lãnh đạo chủ chốt gần 1,9 tỷ đồng, tăng 56%, diễn ra trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh âm và hiệu quả hoạt động chưa cao.

Với tỷ lệ trợ giá chiếm tới 86% doanh thu, mô hình hoạt động của Hanoi Metro hiện tại rõ ràng chưa hướng đến thương mại hóa bền vững. Việc gia tăng bán vé trong năm 2024 (tăng 21%) nhờ vận hành thêm tuyến Nhổn - ga Hà Nội là tín hiệu tích cực, nhưng chưa đủ để bù đắp chi phí vận hành đang quá lớn.

Chi phí vận hành cao, dòng tiền âm, lỗ lũy kế, phụ thuộc ngân sách, những yếu tố này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả và khả năng tự chủ tài chính của Hanoi Metro trong dài hạn.

Lợi nhuận sau thuế tăng 17,5% là điểm sáng trên báo cáo, nhưng dưới góc nhìn nhà kinh doanh, Hanoi Metro vẫn là doanh nghiệp có rủi ro cao. Hoạt động cốt lõi chưa tạo ra lợi nhuận thực chất, dòng tiền âm sâu, và sự tồn tại phụ thuộc lớn vào ngân sách cùng hỗ trợ tài chính.

Nếu thành phố cắt giảm trợ giá hoặc nếu không kiểm soát tốt chi phí vận hành và khấu hao, hiệu quả kinh doanh sẽ sụt giảm đáng kể. Hanoi Metro cần có chiến lược tài chính bền vững hơn, thúc đẩy bán vé, kiểm soát chi phí và nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản để tránh trở thành gánh nặng ngân sách trong dài hạn.

Mỹ Châu

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/cang-chay-cang-lo-hanoi-metro-van-bao-lai-1106836.html