Cảng Liên Chiểu tổng lực thi công, nhiều tập đoàn lớn quan tâm đầu tư
Bốn mũi thi công tổng lực đang ngày đêm xây dựng hình hài cảng biển Liên Chiểu tại Đà Nẵng.
Ngày 16-6, ghi nhận của PV trên công trường dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), các mũi thi công đang tổng lực đẩy nhanh tiến độ dưới cái nắng như đổ lửa.
Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (chủ đầu tư, điều hành dự án) cho hay đơn vị phối hợp liên danh nhà thầu tổ chức đồng loạt bốn mũi thi công.
Mũi thứ nhất thi công khối phủ Rakuna với tổng cộng 10.000 khối các loại 25 tấn và 12 tấn. Trong năm 2023, nhà thầu thi công đảm bảo số lượng khối phủ để đưa ra bảo vệ khối lượng của đường và đê kè chắn sóng.
Mũi thi công thứ hai là đường giao thông chiều dài 1.229 m. Hiện tuyến đường này đã thi công đến 1.070 m, còn gần 200 m nữa là kết thúc đường giao thông kết nối ra cảng.
Mũi thứ ba thi công đê kè chắn sóng dài 100 m đào không xử lý nền. Đoạn tiếp theo cần nạo vét toàn bộ lớp bùn dưới đáy để thay bằng đá.
Mũi thi công cuối cùng triển khai nạo vét, xử lý nền của đường tuyến chính. Các tàu hút đã tập kết tại hiện trường để sẵn sàng thi công. Tất cả bốn mũi thi công nói trên đều làm việc liên tục ba ca để đáp ứng tiến độ.
Ông Hưng cho hay, dự án có tổng diện tích 450 ha. Toàn bộ đường bê tông sát bờ kè giáp với đường Nguyễn Văn Cừ sau này sẽ giải tỏa.
Theo quy hoạch ga đường sắt Kim Liên sẽ được mở rộng là ga hàng hóa lớn sau cảng. Tuyến đường sắt kết nối trực tiếp từ cảng đến ga Kim Liên và kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia.
“Một tuyến đường sắt chạy vào cảng kết nối với tuyến đường sắt quốc gia. Tức là tích hợp vận chuyển hàng hóa cả bằng đường sắt, đường thủy, đường bộ”, ông Hưng nói.
Ngoài ra, toàn bộ các nút giao thông từ cảng đi ra kết nối với đường tránh Nam Hải Vân và đường sắt đều là nút giao khác mức, tuân thủ một chiều và không giao cắt.
Ông Hưng cho hay, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã họp và thống nhất chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho kêu gọi đầu tư tổng thể đối với dự án cảng Liên Chiểu nhằm lựa chọn một nhà đầu tư có năng lực quản lý, khai thác cảng.
Trong quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam thì cảng Liên Chiểu được quy hoạch là cảng loại 1, sau này là cảng đặc biệt. Khi quy hoạch là cảng đặc biệt thì có thể tiếp cận được các “tàu mẹ” - tàu có trọng tải lớn nhất hiện nay là khoảng 24.000 Teus, khoảng 200.000 tấn.
Ông Hưng thông tin, dự án cảng Liên Chiểu đang nhận được sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Adani của Ấn Độ, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản, Công ty CP Cảng Đà Nẵng và các tập đoàn lớn trong cả nước. Đà Nẵng sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức đấu thầu.
Như PLO đã thông tin, ngày 14-12-2022, dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung chính thức khởi công với tổng mức đầu tư 3.426,3 tỉ đồng.
Cảng Liên Chiểu sẽ có khu bến container 114 ha, khu bến tổng hợp 58 ha tiếp nhận tàu container, tổng hợp có trọng tải 100.000 DWT (sức chở từ 6.000 - 8.000 Teus) lên đến 200.000 DWT (sức chở 18.000 Teus).
Ngoài ra còn có khu bến thủy nội địa 38 ha tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 DWT để tiếp chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa và ven biển, giảm ách tắc hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ.
Dự án cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung do Liên danh nhà thầu Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân – Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô – Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO – Công ty CP Xây dựng Xuân Quang thực hiện.