Căng mình giúp địa phương sơ tán dân đến nơi an toàn
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn kéo dài, tại tỉnh Quảng Bình đã xảy ra lũ lụt nghiêm trọng. Tính đến 17 giờ 30 phút ngày 20-10 đã có hơn 71.000 nhà dân bị ngập, gần 200 thôn, bản bị cô lập, chia cắt và hàng chục nghìn người dân phải di dời khẩn cấp trong đêm. Mưa lũ cũng gây sạt lở, ách tắc nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, nhiều tuyến bờ biển cũng bị sạt lở nghiêm trọng...
Trong ngày 20-10, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có mặt tại tỉnh Quảng Bình và theo chân các mũi cứu hộ, cứu nạn của Bộ CHQS tỉnh. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày trên địa bàn tỉnh vẫn có mưa trên diện rộng, lũ vẫn tiếp tục dâng cao. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đã huy động xuồng, thuyền tổ chức sơ tán người dân ở những vùng bị ngập sâu về trú chân tại các địa điểm cao hơn. Tại đây, dưới sự điều hành của ủy ban MTTQ xã, các tổ chức hội phụ nữ, đoàn thanh niên đã huy động nguồn lương thực, thực phẩm từ những gia đình chưa bị ngập và của các tổ chức, cá nhân ủng hộ để tổ chức nấu ăn tập trung.
Tại điểm Trường Tiểu học xã Sơn Thủy (Lệ Thủy), ông Võ Văn Thông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: "Khi lũ bất ngờ dâng cao vào ban đêm, thật may là có các anh bộ đội đến giúp sơ tán kịp thời nên xã không bị thiệt hại về người, còn tài sản của người dân thì phần lớn đã bị nước lũ nhấn chìm. Hiện tại, chúng tôi bảo đảm ăn 2 bữa/ngày cho hơn 1.230 người dân, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ".
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh Quảng Bình, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Đến 9 giờ 30 phút ngày 20-10, toàn bộ 26/26 xã, thị trấn của huyện bị ngập, trong đó có nhiều xã bị ngập hoàn toàn. Ngay trong đêm, UBND huyện đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ của Ban CHQS huyện, Công an huyện và lực lượng dân quân tại chỗ của các xã để kịp thời sơ tán nhân dân đến những điểm tránh trú. Tuy nhiên, mưa lũ vẫn khiến 2 người dân bị thiệt mạng và gần 30 người khác bị thương.
Trực tiếp chỉ huy cán bộ, chiến sĩ lái ca nô ứng cứu nhân dân trên địa bàn huyện Quảng Ninh, Thượng tá Trần Chí Hiếu, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cho biết, theo chỉ đạo của trên, nhằm kịp thời ứng cứu nhân dân, đơn vị đã huy động 100% lực lượng để tìm kiếm người dân còn kẹt trong vùng lũ. Đây là cơn lũ lịch sử, chưa từng xảy ra trên địa bàn, nên việc cứu dân phải là nhiệm vụ ưu tiên số một. Mỗi đội cứu hộ đã cứu được hàng trăm người dân mắc kẹt trong lũ.
Còn tại huyện Lệ Thủy, trực tiếp chỉ huy bộ đội điều khiển ca nô đi tìm kiếm người dân gặp nạn, Đại tá Phạm Việt Cường, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh luôn nhắc cán bộ, chiến sĩ tập trung cao độ để bảo đảm an toàn. Điện thoại của Đại tá Phạm Việt Cường reo liên tục. Anh vừa nhận chỉ đạo từ cấp trên, vừa nhận cuộc gọi từ những người dân nhờ ứng cứu. Cùng nhóm cứu hộ với Đại tá Phạm Việt Cường còn có hơn 20 cán bộ, chiến sĩ, các anh cũng tham gia chiến dịch giải cứu từ những ngày nước mới dâng cao. Suốt cả tuần nay anh em tham gia tìm kiếm liên tục cả ngày đêm...
Sáng 20-10, Đại tá Lê Văn Vỹ, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình trực tiếp đến kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ tại một số địa phương trong tỉnh bị thiệt hại lớn. Tại những nơi đến kiểm tra, Đại tá Lê Văn Vỹ đặc biệt lưu ý các địa phương, đơn vị không được chủ quan, lơ là trước tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp; đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai ngay các biện pháp ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai cao nhất; rà soát khu vực dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp đã bị ngập và có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất để di dời, sơ tán đến nơi an toàn. Trường hợp không chấp hành thì tham mưu cho địa phương tổ chức cưỡng chế; bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, có biện pháp đối với những người không chấp hành; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để giúp dân phòng, chống mưa lũ và khắc phục hậu quả.
Cũng theo Đại tá Lê Văn Vỹ, từ khi mưa lũ xảy ra, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình luôn duy trì nghiêm kíp trực cứu hộ, cứu nạn, cơ quan, đơn vị trực 100% quân số, sẵn sàng cơ động để ứng phó mưa lũ khi có lệnh... Bộ CHQS tỉnh cũng tổ chức các đoàn triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả mưa lũ, tập trung tại các địa bàn trọng điểm. Từ ngày 18-10, Bộ CHQS tỉnh đã hạ thủy 22 xuồng và biên chế 197 cán bộ, chiến sĩ tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả. Đồng thời, chỉ đạo ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương huy động gần 500 dân quân tại chỗ tổ chức sơ tán nhân dân đến khu vực an toàn. Mặt khác, để bảo đảm lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết trong quá trình ứng cứu, giúp đỡ nhân dân, Bộ CHQS tỉnh cũng đã chỉ đạo Phòng Hậu cần xuất kho 1 tấn mì tôm, 5 tạ lương khô, 300 thùng nước uống đóng chai đến hỗ trợ nhân dân hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy.