Căng mình phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Trong những ngày qua, tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đang căng mình thực hiện các biện pháp, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Cán bộ hỗ trợ người dân xã Ba Bể tiêu hủy lợn bệnh.
Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, tính đến ngày 20-7, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra ở 39 xã, phường; 200 hộ ở 99 thôn, xóm có lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy, số lượng 1.070 con, trọng lượng trên 52 tấn.
Hiện, 7 xã có quyết định công bố dịch đối với DTLCP gồm: Thượng Quan, Bằng Vân, Na Rì, Trần Phú, Cường Lợi, Côn Minh, Xuân Dương. Tại xã Tân Kỳ, ngày 15-7 xuất hiện 1 con lợn ốm tại hộ gia đình bà Hoàng Thị Lưu, thôn Tân Minh.
Ông Bùi Nguyên Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kỳ, cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo, UBND xã đã cử cán bộ thú y phối hợp với Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị bệnh và kiểm dịch động vật tỉnh, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, xác định lợn ốm dương tính với vi-rút DTLCP. Toàn bộ 4 con lợn của gia đình bà Lưu với trọng lượng trên 270kg đã được tiêu hủy đúng quy định. Địa phương cấp hóa chất thực hiện phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh, hướng dẫn gia đình sử dụng vôi bột để vệ sinh môi trường thường xuyên, nhằm khống chế dứt điểm ổ dịch.
Hiện nay, khu vực phía Bắc có 16 xã có DTLCP; khu vực phía nam có 23 xã. Riêng trong ngày 20-7, phát sinh lợn ốm, bị tiêu hủy tại 19 hộ, số lượng 225 con.
Ông Lê Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thông, chia sẻ: Từ đầu tháng 7 trở lại đây, Vĩnh Thông xã ghi nhận hiện tượng lợn chết, rải rác tại các thôn Pù Cà, Khuổi Đẳng, Bắc Sơn, Thanh Sơn, Nam Sơn.
Đến ngày 16-7, số lợn bị chết và tiêu hủy là 13 con, thuộc 08 thôn, tổng trọng lượng 758kg. Sau khi thực hiện các giải pháp khoanh vùng, dập dịch, cách ly triệt để, đến nay trên địa bàn xã chưa phát sinh ổ dịch mới. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc không chế dịch tại địa phương.
Nhận định tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, UBND tỉnh đã có Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 19/7/2025 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP.
Tổ công tác phòng chống dịch bệnh với 72 thành viên đang tích cực thực hiện hỗ trợ các xã, phường kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, lấy mẫu, xử lý ổ dịch theo quy định, vệ sinh phun khử trùng tiêu độc.
Các xã có dịch và nguy cơ cao đều triển khai vệ sinh, khử trùng tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, phun hóa chất định kỳ tại khu vực chuồng trại, số lượng hóa chất đã cấp khoảng 7.000 lít.
Bà Đinh Thị Hồng Chiêm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết: Đơn vị đang tích cực kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống DTLCP, đặc biệt là điều kiện để tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, kịp thời nắm bắt tình hình dịch tại các tỉnh giáp ranh để ứng phó kịp thời.

Người chăn nuôi phun tiêu độc khử trùng chuồng trại khi có dịch.
Cùng với đó là tập trung tuyên truyền sâu rộng cho người dân về nguyên tắc "5 không" trong phòng chống dịch: không giấu dịch, không mua bán lợn bệnh, không giết mổ lợn bệnh, không vứt xác lợn bừa bãi, không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Tỉnh Thái Nguyên cũng đề cao vai trò người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND các xã, phường phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh bùng phát do lơ là, chủ quan trong chỉ đạo. Việc báo cáo ổ dịch, công bố dịch và công bố hết dịch được phân cấp rõ ràng, đảm bảo phản ứng kịp thời trong mọi tình huống.