Căng thẳng địa chính trị khiến hợp tác khoa học 'lâm bệnh'
Hợp tác khoa học rất quan trọng để giải quyết vấn đề toàn cầu, song chủ nghĩa dân tộc gia tăng khiến các quốc gia thiếu tin tưởng lẫn nhau và khoa học trở thành nạn nhân.
Liên hợp quốc và nhiều nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác khoa học trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và đại dịch.
Sự nổi lên của các nước không phải phương Tây với tư cách là cường quốc khoa học đang giúp thúc đẩy việc nghiên cứu hợp tác toàn cầu này. Ví dụ, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã thành lập một mạng lưới nghiên cứu bệnh lao vào năm 2017 và đang có những tiến bộ đáng kể về nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về căn bệnh này.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, căng thẳng ngày càng tăng giữa các siêu cường, chủ nghĩa dân tộc gia tăng, đại dịch Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine đã góp phần khiến các quốc gia hành xử theo những cách thiếu tin tưởng nhau. Kết quả là các nhà nghiên cứu ngày càng khó hợp tác với học giả ở các quốc gia khác.
Sự ngừng hợp tác gần như toàn cầu với các học giả Nga sau cuộc chiến ở Ukraine - trong mọi lĩnh vực từ nghiên cứu nhân văn đến khoa học khí hậu ở Bắc Cực - là ví dụ về việc khoa học đang là nạn nhân và được sử dụng như một công cụ cho chính trị quốc tế.
Hợp tác khoa học giữa Trung Quốc và Mỹ cũng đang bị phá vỡ trong các lĩnh vực như vi điện tử và máy tính lượng tử vì những lo ngại về an ninh quốc gia của cả hai bên.
Ông Tommy Shih - Phó Giáo sư Quản trị kinh doanh tại Đại học Lund (Thụy Điển) viết trên CNA rằng sự giảm hoặc ngừng nghiên cứu quốc tế sẽ đi kèm với rủi ro. Điều này làm chậm quá trình sản xuất kiến thức cần thiết để giải quyết các vấn đề toàn cầu lâu dài và làm giảm tiềm năng hợp tác khoa học trong tương lai.
Sự nổi lên của giới khoa học ngoài phương Tây
Kể từ những năm 1990, sự hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực khoa học tăng lên đáng kể. Theo Phó Giáo sư Tommy, có một số lý do cho sự phát triển này.
Thứ nhất, sự biến động địa chính trị ở Đông Âu năm 1991 đã dẫn đến sự cởi mở ngày càng tăng trong trao đổi khoa học toàn cầu. Đặc biệt, có sự gia tăng về số lượng sinh viên từ các nước đang phát triển và không thuộc phương Tây đến các trường đại học ở phương Tây. Phong trào này hình thành mạng lưới nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia.
Thứ hai, các nỗ lực khoa học mang tính hợp tác rộng rãi - chẳng hạn như dự án Bộ gene người - cũng như tầm quan trọng ngày càng tăng của các phòng thí nghiệm và dụng cụ nghiên cứu lớn, đắt tiền đã thúc đẩy sự hợp tác quốc tế.
Cuối cùng, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã giúp việc giao tiếp và chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tất cả điều này đã dẫn đến sự hợp tác và nghiên cứu hiệu quả trong nhiều lĩnh vực bao gồm công nghệ gene, khoa học khí hậu và trí tuệ nhân tạo.
Trong nửa sau của thế kỷ XX, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ai Cập, Saudi Arabia và nhiều quốc gia khác đã cải thiện đáng kể khả năng khoa học của mình. Điều này đã đóng góp rất nhiều vào tri thức của nhân loại.
Khoa học bị xem như công cụ cho chính trị
Ngày nay đang có ba siêu cường toàn cầu cạnh tranh để giành vị trí dẫn đầu về khoa học và công nghệ. Đó là Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và phương Tây ngày càng khiến lĩnh vực khoa học bị sử dụng như một công cụ chính trị.
Tại Mỹ, Đạo luật Cải cách kiểm soát xuất khẩu năm 2018 được thiết kế để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các công nghệ nền tảng và mới nổi. Mỹ cũng thông qua chương trình chống gián điệp quy mô lớn mang tên Sáng kiến Trung Quốc.
EU gọi Trung Quốc đồng thời là đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ mang tính hệ thống. EU đã vạch ra các mục tiêu tăng cường quyền tự chủ về khoa học và công nghệ của châu Âu để giảm sự phụ thuộc vào các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc và bắt đầu thực hiện chiến lược này vào năm 2021.
Năm 2020, Australia đã thông qua luật cho phép chính phủ liên bang quyền phủ quyết đối với các thỏa thuận nước ngoài trong nghiên cứu.
Trung Quốc cũng đáp lại tuyên bố thành quả khoa học, công nghệ và nghiên cứu học thuật nói chung của các nhà khoa học trong nước là để phục vụ lợi ích quốc gia. Chính phủ đã thúc đẩy một cách rõ ràng ý tưởng rằng nghiên cứu sẽ chủ yếu phục vụ nhu cầu quốc gia, và các học giả Trung Quốc ngày càng bị kiểm soát về mặt chính trị.
Năm 2021, có 18 trung tâm nghiên cứu và thúc đẩy các ý tưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về các vấn đề như pháp quyền, kinh tế và phát triển xanh.
"Nguy cơ lớn" với toàn cầu
Nhiều nhà nghiên cứu ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại rằng các cuộc cạnh tranh địa chính trị đang hạn chế sự hợp tác nghiên cứu quốc tế vào thời điểm mà thế giới cần trao đổi thông tin nhất.
Phó Giáo sư Tommy Shih chỉ rõ "nguy cơ lớn" là những cản trở đối với sự hợp tác khoa học quốc tế sẽ ngày càng gia tăng, gây tổn hại hơn nữa đến việc chia sẻ dữ liệu, chất lượng nghiên cứu và khả năng phổ biến các kết quả góp phần giải quyết vấn đề.
Ông chia sẻ: “Tôi thường nghe các nhà nghiên cứu, lãnh đạo các trường đại học và các cơ quan tài trợ ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc bộc bạch nỗi thất vọng của họ với tình hình hiện tại. Nhiều người trong cộng đồng nghiên cứu muốn thấy một bối cảnh khoa học toàn cầu và cởi mở hơn”.
Khi các vấn đề như biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, theo chuyên gia Tommy Shih, điều quan trọng là các nhà nghiên cứu phải xây dựng các mối quan hệ quốc tế có trách nhiệm, có đi có lại, minh bạch và bình đẳng, hướng tới một tương lai nơi khoa học tách biệt hơn với sự thay đổi của chính trị.