Căng thẳng giữa Niger với tập đoàn Trung Quốc CNPC
Chính phủ Niger vừa ra tối hậu thư yêu cầu chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) tại nước này sa thải toàn bộ nhân sự nước ngoài đã làm việc từ 4 năm trở lên, hạn chót là ngày 31/5. Lý do được đưa ra là các vi phạm liên quan đến chính sách 'nội địa hóa' và bảo vệ chủ quyền kinh tế.

CNPC khởi công một cơ sở dầu khí ở Niger năm 2018. Ảnh AFP
Động thái trên nhắm vào công ty con China National Petroleum Corporation Niger Petroleum (CNPCNP), trong bối cảnh Chính phủ Niger muốn thúc đẩy việc chuyển giao kỹ năng, ưu tiên tuyển dụng lao động trong nước và tăng cường vai trò của người Niger trong ngành dầu khí.
Trong một văn bản ký ngày 21/5, Bộ trưởng Dầu khí Sahabi Oumarou yêu cầu CNPCNP chấm dứt ngay hợp đồng với các nhân sự không tuân thủ quy định, nhấn mạnh việc này là một phần trong chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn từ tháng 3/2025. Trước đó, 3 cán bộ người Trung Quốc đã bị trục xuất vì vi phạm quy định về “nội dung địa phương”.
Chính phủ Niger chỉ trích mạnh mẽ CNPCNP
Nhà chức trách Niger cáo buộc CNPCNP duy trì chuyên gia nước ngoài quá lâu mà không chuyển giao kỹ năng cho người bản địa, trả lương chênh lệch quá cao, và thậm chí vận hành nhà máy lọc dầu Zinder từ Trung Quốc thay vì tại chỗ. Theo Bộ Dầu khí, các hành vi này là vi phạm pháp luật và đi ngược lại các cam kết hợp tác.
Song song với yêu cầu trục xuất, Chính phủ Niger cũng đưa ra loạt biện pháp cải tổ mạnh tay: Rà soát bảng lương của CNPCNP; Yêu cầu WAPCO – đơn vị vận hành đường ống dẫn dầu Niger–Benin – chia sẻ quyền sở hữu với phía Niger; Bắt buộc sử dụng nhà thầu nội địa trong các hoạt động của CNPCNP; Bổ nhiệm người Niger vào các vị trí lãnh đạo trong công ty này.
Quyết liệt hơn trong bối cảnh địa chính trị thay đổi
Các biện pháp trên diễn ra khi chính quyền Niger đang đánh giá lại hàng loạt mối quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt là với Trung Quốc – nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực dầu khí và bất động sản tại quốc gia Tây Phi này.
Việc siết chặt quan hệ với Bắc Kinh được cho là mang tính chính trị rõ rệt. Trước đó, hồi tháng 3, Khách sạn Soluxe – thuộc sở hữu Trung Quốc – cũng bị đóng cửa với lý do phân biệt đối xử và trốn thuế, cho thấy chính quyền Niger đang phát đi thông điệp rõ ràng về việc bảo vệ lợi ích quốc gia.
CNPC hiện vẫn đang đàm phán với phía Niger, tuy nhiên Chính phủ nước này khẳng định: “Sẽ không có ngoại lệ nào trong vấn đề chủ quyền kinh tế”.
Với nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào, Niger đặt mục tiêu dùng ngành này làm đòn bẩy phát triển, bằng cách nắm quyền kiểm soát chuỗi khai thác – từ khai thác, lọc dầu đến vận chuyển – nhằm thúc đẩy tăng trưởng nội địa và nâng cao vị thế quốc gia.