Căng thẳng liên Triều và quân bài 'răn đe' của Bình Nhưỡng
Mới đây, Triều Tiên cho nổ sập văn phòng liên lạc với Hàn Quốc tại khu công nghiệp chung Keasong sau khi dọa đưa quân vào khu vực biên giới. Thất vọng vì lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ, Bình Nhưỡng tái khởi động leo thang căng thẳng với Seoul. Theo giới quan sát, thông điệp đưa ra còn nhắm đến chính quyền Washington, khi chỉ còn ít tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ.
Hai năm ngoại giao “tan thành mây khói”
Hành động của Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều đã phá hủy 2 năm nỗ lực ngoại giao giữa Seoul và Bình Nhưỡng, phá vỡ hoàn toàn quá trình hòa giải liên Triều. Bước đi mới này của Bình Nhưỡng nằm trong chuỗi những hành động khiêu khích liên tiếp trong thời gian gần đây: Đọ súng ở biên giới, cắt đứt đường dây liên lạc, đe dọa hành động quân sự và nhất là lời cảnh báo của Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, được hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đăng tải hôm 13-6 về việc phá sập “văn phòng liên lạc vô dụng Bắc-Nam.” Thời điểm quyết định cho nổ sập văn phòng liên lạc cũng không phải là một sự ngẫu nhiên.
Ngày 15-6-2020 lẽ ra đánh dấu đúng 20 năm thượng đỉnh liên Triều đầu tiên, giữa Chủ tịch Kim Jong-il (cha của Kim Jong-un) và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (1998-2003), từng mang lại hy vọng mở đường cho một kỷ nguyên mới hòa bình hơn trong khu vực.
Vì sao Triều Tiên bỗng nhiên đổi thái độ, có những hành động hung hăng như vậy? Trả lời câu hỏi này, chuyên gia nghiên cứu Olivier Guillard của trường ĐH Quebec (Montreal, Canada) cho rằng, có cảm giác Triều Tiên đang tức giận và thất vọng vì những nỗ lực để có sự nới lỏng các lệnh trừng phạt đã không được đáp lại… Những biện pháp trừng phạt quốc tế, được áp đặt sau hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng trong các năm 2016 và 2017, đã đè nặng lên nền kinh tế Triều Tiên vốn đã yếu kém giờ còn thêm trầm trọng do đại dịch Covid-19.
Hơn nữa, theo chuyên gia Guillard, “cũng có khả năng Triều Tiên cho rằng khi tỏ ra cứng rắn với Hàn Quốc, Bình Nhưỡng có nhiều cơ may gửi đi một thông điệp xa hơn, đến Washington: “Cho dù Mỹ đang gặp vấn đề chính trị trong nước và có những chính sách đối ngoại ưu tiên, nhưng cũng đừng quên Triều Tiên cũng là một hồ sơ quan trọng cần để ý”. Cuối cùng là để tái khởi động hay trong mọi trường hợp khẳng định một vị thế mới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay, Bình Nhưỡng theo thói quen lại gia tăng áp lực với Hàn Quốc để nước này phải tác động lên đồng minh chiến lược Mỹ.”
Quả thật, sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội tháng 2-2019, Triều Tiên gần như biến mất khỏi màn hình ra-đa của chính quyền Donald Trump. Trong hoàn cảnh bế tắc này, cùng với tác động của dịch covid-19 đối với nền kinh tế, Triều Tiên đành phải “bổn cũ soạn lại,” mở lại “luận điệu kẻ thù.” Nếu như nước Mỹ dưới thời Donald Trump không thể bị coi là “kẻ thù” như trong quá khứ, theo phân tích của Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), Hàn Quốc dường như là “kẻ thù lý tưởng” hơn cả cho Bình Nhưỡng, ít nhất vì 2 lý do: Thứ nhất, Bình Nhưỡng cho rằng Hàn Quốc giờ không còn hữu ích nữa, vì vai trò chính của nước này là trung gian hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên đã mất đi tầm quan trọng. Kim Jong-un đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao trực tiếp với Trump. Thứ hai, lãnh đạo Triều Tiên tin rằng người đồng cấp Hàn Quốc đã “dùng hết các lá bài” - sáng kiến du lịch giữa hai miền, sáng kiến trao đổi văn hóa, các hoạt động ngoại giao. Hơn nữa, do các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Triều Tiên, Tổng thống Moon Jae-in không thể làm được gì nhiều cho Bình Nhưỡng trên bình diện kinh tế.”
Liệu có đối đầu quân sự?
Việc cho nổ sập văn phòng liên lạc là một cú đánh truyền thông hay là một mối đe dọa leo thang căng thẳng thật sự? Giới quan sát lưu ý rằng trong quá khứ, nền ngoại giao Triều Tiên luôn dao động giữa 2 chu kỳ hòa giải và căng thẳng. Việc chu kỳ hòa giải lần này kết thúc có lẽ chẳng có gì là đáng ngạc nhiên. Khúc dạo đầu cho một giai đoạn căng thẳng mới đã được Bình Nhưỡng khởi động hôm 17-6 với thông báo tăng cường các hoạt động quân sự tại khu phi quân sự, khu công nghiệp Kaesong và khu du lịch núi Kumcang. Seoul đáp trả, tuyên bố tiến hành một chiến dịch quân sự, cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phải trả giá đắt.
Liệu xung đột vũ trang có quay trở lại trên bán đảo Triều Tiên hay không? Michel Liegois, Giáo sư ngành Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế trường UC Louvain, cho rằng điều này ít có khả năng xảy ra. Ông nói:“Không ai được lợi gì nếu xảy ra xung đột vũ trang và hơn nữa có một yếu tố đang làm thay đổi cục diện hiện nay, đó là Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Ở đây, chúng ta chứng kiến một trò chơi răn đe mà xung đột vũ trang thật sự không còn là một giải pháp cho các bên tham gia. Dĩ nhiên, người ta có thể chơi trò dọa dẫm, chiến lược gây căng thẳng cho đến một điểm nào đó. Tuy nhiên, ngoài nguy cơ xảy ra “tai nạn” mà chúng ta không thể hoàn toàn gạt bỏ, nguy cơ có một cuộc xung đột vũ trang trên thực tế là điều không thể giữa hai miền.”
Điểm đáng chú ý trong trò chơi khiêu khích lần này là sự xuất hiện của em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Yo-jong. Dominique Trinquand, cựu trưởng phái đoàn quân sự Pháp tại LHQ, nhận định: “Trong vụ việc này có 2 chủ đích. Thứ nhất là nhằm phản đối việc thả truyền đơn bằng bóng bay sang Triều Tiên. Do đó, cần phải tỏ thái độ cứng rắn nhưng không cần có những biện pháp kịch tính. Thứ hai, đây là lần đầu tiên chính em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên tiếng, chứ không phải ông ấy hoặc các quan chức chuyên trách quan hệ liên Triều. Điều này cho thấy quyền lực của Kim Yo-jong đang được củng cố, nhân vật này dường như chiếm giữ một vị trí ngày càng quan trọng.” Theo nhiều hãng truyền thông, đây cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên đã trở thành một người phụ nữ đầy quyền lực, có thể trở thành người kế nghiệp anh trai trong tương lai.