Căng thẳng năng lượng Moldova-Nga
Cuộc khủng hoảng khí đốt giữa Nga và Moldova diễn ra sau khi Nga tăng giá bán khí đốt trong bối cảnh giá cả nói chung trên toàn thế giới đều tăng. Moldova tố Moscow có 'ý đồ chính trị' trong quyết định tăng giá này hòng trừng phạt chính quyền Chisinau thân châu Âu nhưng Nga phủ nhận. Ủy ban châu Âu và một số nước bài Nga ngay lập tức tranh thủ chủ đề này.
Ngày 22-10, Moldova ban bố tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày để giải quyết tình trạng thiếu hụt khí đốt sau khi nhà cung cấp Nga quyết định tăng giá bán. Bằng tuyên bố tình trạng này, Moldova hy vọng có được khí đốt từ các nước châu Âu khác với giá rẻ hơn trong khi tránh được các thủ tục phiền hà.
“Chúng tôi đang đối mặt với một tình huống nguy cấp”, Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita nói trước Quốc hội Moldova. Các nhà chức trách nước này buộc phải chuyển “Ngọn lửa vĩnh cửu” khỏi tượng đài tưởng niệm những người lính Xôviết thiệt mạng trong Thế chiến II đặt tại thủ đô Chisinau. Bộ Quốc phòng Moldova giải thích rằng ngọn lửa đã bị tắt nhiều lần do mức áp suất thấp trong các đường ống khí đốt và gió giật mạnh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định không có tính chất chính trị trong cuộc khủng hoảng năng lượng Nga-Moldova.
Là một quốc gia nghèo với 2,6 triệu dân, nằm giữa Romania và Ukraine, Moldova nhận khí đốt từ Nga thông qua một công ty Nga-Moldova, có tên là Moldovagaz, được thành lập cùng với tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga. Vào ngày 30-9, thỏa thuận giữa Moldova với Gazprom hết hạn. Công ty Nga đã cam kết tiếp tục cung cấp khí đốt cho Moldova cho đến cuối tháng 10 với giá 790 USD/1.000 mét khối, thấp hơn giá trên TTF của Hà Lan, thị trường chuẩn ở châu Âu. Trong những ngày gần đây, giá khí đốt tại thị trường này luôn vượt quá 1.000 USD/1.000 mét khối. Phó Thủ tướng Moldova Andrei Spinu gọi việc tăng giá này là “không hợp lý và không thực tế” đối với quốc gia nghèo nhất châu Âu này.
Chưa hết, ngày 24-10, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho biết có thể ngừng cung cấp khí đốt cho Moldova nếu nước này không thanh toán cho những lần giao hàng trước đó hoặc không ký tiếp hợp đồng kể từ tháng 12-2021. Người phát ngôn của Gazprom, Sergey Kupriyanov thông báo Chisinau nợ công ty Nga 709 triệu USD. Hợp đồng của Moldova với Gazprom hết hạn vào tháng 9 nhưng ông Kupriyanov cho biết hai bên chỉ có thể gia hạn hợp đồng đến hết tháng 10.
“Nếu việc thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt không được thực hiện đầy đủ và hợp đồng không được gia hạn kể từ tháng 12 thì Gazprom sẽ ngừng giao khí đốt cho Moldova”, ông Kupriyanov nói với Interfax. Về phần mình, Thủ tướng Natalia Gavrilita, một thành viên của chính phủ thân châu Âu, nói rằng Gazprom không giữ lời và không giao đủ số lượng đã thỏa thuận.
Điện Kremlin ngày 25-10 thúc giục các cuộc đàm phán giữa Tập đoàn Gazprom và Moldova về việc ký kết hợp đồng khí đốt mới. Tuy nhiên, như người phát ngôn Điện Kremlin đã chỉ rõ, Tổng thống Vladimir Putin hiện không có kế hoạch liên lạc với Chính phủ Moldova về vấn đề này mà nên để Gazprom và Moldova làm việc với nhau.
“Tổng thống coi đây là vấn đề kinh tế thuần túy, cuộc đối thoại phải tiếp tục bằng cách này hay cách khác. Lập trường của phía Gazprom là cực kỳ rõ ràng và thẳng thắn. Không có chính trị ở đây”, ông Dmitry Peskov nói. “Không có chính trị ở đây, Gazprom là một công ty cổ phần, không thể hoạt động thua lỗ [...]. Sự kiên nhẫn có giới hạn. Moldova đang tự gây ra một cuộc khủng hoảng”, Sergei Kuprianov, người phát ngôn của Tập đoàn Gazprom, khẳng định.
Một thứ trưởng Moldova Andrei Spinu đã đến Saint-Pétersbourg ngày 27-10 để thảo luận với Chủ tịch Tập đoàn Gazprom về việc gia hạn hợp đồng dài hạn mua khí đốt. Các cuộc đàm phán rất phức tạp do khí đốt cung cấp cho Chisinau đi qua Transdniestria, lãnh thổ đã ly khai khỏi Moldova gần 30 năm trước sau một cuộc chiến. Theo bà Gavrilita, Chisinau và Tập đoàn Gazprom vẫn đang đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng này nhưng bà nói rằng “không tin tưởng” vào thành công của các cuộc đàm phán.
Các nước châu Âu đã nhân việc này để đưa ra cáo buộc Moscow làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí đốt hiện nay bằng cách từ chối cung cấp thêm lượng khí đốt, một cáo buộc mà Nga bác bỏ. Thực tế mà nói, có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng giá khí tại châu Âu tăng vọt. Đầu tiên, tình hình này là chung cho toàn thế giới. Hiện tượng tăng giá này do liên quan đến tình hình cung - cầu và nguồn dự trữ tại nhiều nước trên thế giới, trong khi nguồn năng lượng tái tạo lại không được bổ sung như mọi khi do thời tiết không thuận lợi.
Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Sau một thời gian dài gián đoạn vì đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới đột ngột khởi động mạnh mẽ trở lại, thúc đẩy tăng trưởng dẫn đến tình trạng tăng mức tiêu thụ năng lượng nhiều hơn trong năm nay so với năm 2020. Trong khi đó, một số nguồn cung ứng lại gặp khó khăn. Ví dụ, tại Mỹ, quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, sản lượng bị giảm, chưa thể hồi phục sau trận bão Ida tràn qua vịnh Mexico. Sau cùng là nguồn dự trữ tại châu Âu tương đối thấp do phải trải qua mùa đông 2020-2021 khá dài và lạnh. Nguồn dự trữ này phải được lấp đầy vào lúc mùa đông đang đến. Tuy nhiên, trong tình hình này, châu Âu đặc biệt bị tác động nhiều nhất.
Các nhà quan sát phương Tây cho rằng Moscow tăng giá khí đốt để trừng phạt Chisinau sau cuộc bầu cử vào năm 2020 của Tổng thống thân châu Âu Maia Sandu. Là nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Moldova đã bị chia rẽ kể từ khi giành được độc lập vào năm 1991 giữa những người ủng hộ quan hệ hợp tác với Moscow và những người muốn gia nhập Liên minh châu Âu.
Trước tình hình này, ngày 27-10, công ty tiện ích Moldova Energocom thông báo đã đạt được thỏa thuận với công ty nhà nước PGNiG của Ba Lan để mua 1 triệu mét khối khí đốt. Energocom cho biết trong một tuyên bố: “Đây là thương vụ mua từ các nguồn khác nhau đầu tiên trong lịch sử của Moldova”, đồng thời cho biết thêm việc mua lại này nhằm“ kiểm tra tính khả thi của việc nhập khẩu khí đốt thông qua các tuyến đường thay thế”.
Sang ngày 28-10, Hội đồng Hiệp hội EU-Moldova cho biết sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác. Cùng lúc đó, Ủy ban châu Âu thông báo “đang chuẩn bị sẵn 60 triệu euro để giúp Moldova giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại”, người đứng đầu cơ quan điều hành châu Âu thông báo trên Twitter, sau cuộc gặp với Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita.