Căng thẳng Nga-Ukraine: Phương Tây nhận đòn 'gậy ông đập lưng ông'?
Kích động căng thẳng Nga-Ukraine, chính cách thức tuyên truyền của phương Tây bị chuyên gia phân tích Mỹ đánh giá là phản tác dụng.
Nhà báo Walter Russell Mead của tờ Wall Street Journal mới đây đã có bài viết cho rằng, sự thổi phồng về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine trên các phương tiện truyền thông phương Tây lẽ ra nhắm vào mục đích làm suy yếu vị thế của chính quyền Moscow trên trường thế giới, nhưng thay vào đó lại đưa nước này trở thành tâm điểm chú ý.
Ông Walter Russell Mead là Giáo sư về đối ngoại và nhân văn tại Đại học Bard ở New York, một học giả có uy tín về lĩnh vực bình luận quốc tế.
Theo nhận xét của vị giáo sư này, chiến dịch thông tin chống Nga ở Hoa Kỳ và châu Âu đã phản tác dụng, vừa làm thế giới lãng quên những sự kiện do Mỹ tổ chức, đồng thời lại cho phép Moscow hưởng lợi từ “sự cuồng loạn của truyền thông phương Tây”.
Hiệu quả bất ngờ đầu tiên của cuộc tấn công thông tin là sự gắn kết toàn xã hội Nga chống lại phương Tây.
Theo ông Mead, người Nga quan tâm đến tình hình các vấn đề ở Ukraine nói riêng và không gian hậu Xô viết nói chung, hơn là người Trung Quốc chú ý đến tình hình xung quanh Đài Loan. Theo chuyên gia, vì vậy, đa số cư dân Nga ủng hộ lập trường của Điện Kremlin đối với Donbass.
Mặc dù giới học giả Mỹ đã nhiều lần chỉ ra rằng: Tổng thống Nga Vladimir Putin là người rất giỏi trong việc sử dụng hiệu ứng của “Chủ nghĩa Dân tộc” để nâng cao vị thế của mình và đoàn kết xã hội Nga chống Mỹ và NATO. Thế nhưng, truyền thông phương Tây vẫn mắc phải những sai lầm sơ đẳng như vậy.
Yếu tố quan trọng thứ hai là sự quan tâm ngày càng tăng đối với Moscow trên phạm vi toàn cầu.
Tác giả của ấn phẩm tin tưởng rằng, các phương tiện truyền thông phương Tây đã quá kích thích sự mong đợi của khán giả khi có bất kỳ đề cập nào tới vấn đề này trong luồng thông tin thế giới.
Walter Russell Mead cho biết, sự khiêu khích của cuộc khủng hoảng quốc tế ở Ukraine đã thu hút toàn bộ sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến Nga, đẩy “Hội nghị Thượng đỉnh G7” và “Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ” do Mỹ dẫn đầu xuống thành “tin trang hai”, trong khi Putin chiếm vị trí quan trọng nhất trong phần tin tức thế giới.
“Những động thái áp đảo của Nga”, “sức mạnh quân sự kinh hoàng của Nga” hay “số lượng quân khổng lồ trên biên giới Ukraine” mà phương Tây truyên truyền rõ ràng đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin giành phần thắng trong các cuộc đàm phán về khủng hoảng với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Những khẩu hiệu tuyên truyền đó cũng đã phản tác dụng đến nỗi nó đã gây ra hiệu ứng “tôn sùng sức mạnh của Nga”, tạo ra tâm lý hoảng loạn trong xã hội phương Tây, khiến người dân những nước này kịch liệt phản đối các động thái gây sức ép hoặc răn đe quân sự của chính phủ của họ.
Đồng thời, hoạt động của Moscow trong bối cảnh phương Tây tích cực tuyên truyền thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia có liên quan, điều này khiến Washington rơi vào tình thế khó khăn khi thực thi các chính sách đối ngoại riêng rẽ của mình.
Học giả Walter Russell Mead lấy ví dụ là cuộc đàm phán giữa Nga và Ấn Độ về việc mua các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph rõ ràng là đã gây khó khăn cho Mỹ trong quan hệ với đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cũng có động thái tương tự như Ấn Độ.
Chính một số đồng minh và giới truyền thông phương Tây đã khiến chính quyền của ông Joe Biden vô cùng khó xử và khó có thể lựa chọn phương án hữu hiệu trong hai kịch bản là áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với New Dehli hoặc cho phép Ấn Độ tiếp tục mua vũ khí của Nga.
Nếu áp lệnh trừng phạt với Ấn Độ thì đối tác quan trọng của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tức giận, còn nếu nhượng bộ Ấn Độ, sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phẫn nộ và “làm suy yếu đáng kể sự đoàn kết trong NATO” - giáo sư Mead kết luận.