Căng thẳng thuế quan Mỹ–EU: 'Ngoại lệ Pháp'

Cuộc chiến thuế quan do Tổng thống Donald Trump khởi xướng nhằm trừng phạt EU vì thặng dư thương mại với Mỹ không ảnh hưởng đến Pháp theo cách tương tự như với các đối tác khác trong khối.

Quang cảnh bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Pháp ở Paris. Ảnh: SIPA/TTXVN

Quang cảnh bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Pháp ở Paris. Ảnh: SIPA/TTXVN

Sự khác biệt về cơ cấu xuất khẩu giữa các nước châu Âu giải thích lý do vì sao một số quốc gia dễ bị tổn thương hơn trước các lệnh trừng phạt thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt. Đây chính là điều mà người ta gọi là “ngoại lệ Pháp”.
Cuộc chiến thuế quan do Tổng thống Donald Trump khởi xướng nhằm trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) vì thặng dư thương mại gần 200 tỷ euro với Mỹ – chính xác là 197 tỷ euro vào năm 2024 – không ảnh hưởng đến Pháp theo cách tương tự như với các đối tác khác trong khối. Một nghiên cứu được cơ quan thống kê hải quan Pháp công bố ngày 20/5 thậm chí còn cho thấy, Pháp có thể được xem là “nạn nhân gián tiếp” của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu thêm 25% đối với thép và ô tô, và 10% với các mặt hàng còn lại.
Nếu nhìn từ quan điểm của Tổng thống Trump, nước Pháp – đồng minh lâu đời nhất của Mỹ – không nên bị coi là một trong những “đối tượng xấu”, bởi không giống như phần lớn các nước EU, Pháp có cán cân thương mại thâm hụt với Mỹ kể từ năm 2021. Đến năm 2024, thâm hụt thương mại giữa Pháp và Mỹ là 4,2 tỷ euro. Trong năm 2024, Pháp xuất khẩu 48,5 tỷ euro hàng hóa sang Mỹ và nhập khẩu 52,7 tỷ euro. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ xung đột tại Ukraine, Pháp buộc phải đa dạng hóa nguồn cung và đã chuyển sang nhập khẩu một phần nhiên liệu từ Mỹ.

Cơ cấu xuất khẩu riêng biệt của PhápCác mặt hàng như dược phẩm, ô tô và máy móc – vốn tạo ra thặng dư thương mại cho châu Âu – lại chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ bởi các quốc gia như Đức, Ireland và Italy. Ngược lại, Pháp chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm khác: hàng không – vũ trụ (9,7 tỷ euro năm 2024), đồ uống (rượu vang, sâm panh, cognac...) đạt tổng cộng 4,1 tỷ euro, dược phẩm (3,8 tỷ euro), nước hoa, mỹ phẩm và sản phẩm tẩy rửa (2,9 tỷ euro).Phần lớn những mặt hàng này phải chịu thuế nhập khẩu 10% tại Mỹ (ngoại trừ dược phẩm được miễn thuế). Dựa trên số liệu năm 2024, hơn 80% giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Pháp sang Mỹ nằm trong nhóm này. Trong khi đó, chỉ có 1% là thép và nhôm, và 4% là ô tô cùng phụ tùng – những mặt hàng phải chịu mức thuế 25%, do đó tác động của thuế này đến Pháp gần như không đáng kể. Điều này có nghĩa là mức thuế trung bình đối với hàng xuất khẩu của Pháp vào Mỹ sẽ là 9,6%, gần với mức thuế trung bình của EU (9,5%).Đức – mục tiêu chính của Tổng thống TrumpPháp ít bị ảnh hưởng, nhưng các nước láng giềng thì không. Trong tổng số hàng hóa xuất khẩu từ EU sang Mỹ, chỉ có 54% nằm trong diện chịu mức thuế 10%, trong khi thép và nhôm chiếm 2% và ô tô cùng phụ tùng lên tới 14%. Với Đức, ô tô chiếm tới 27% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, tương đương 43,7 tỷ euro, và đang bị đánh thuế cao hơn rất nhiều. Hệ quả là mức thuế trung bình đối với hàng xuất khẩu của Đức lên tới 12,3%. Trên thực tế, có thể thấy rõ Đức là mục tiêu hàng đầu của các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump.Nghiên cứu của cơ quan hải quan cho thấy thặng dư thương mại của Đức với Mỹ là 93 tỷ euro – chiếm gần một nửa tổng thặng dư thương mại của toàn EU. Nhà kinh tế Thomas Grjebine thuộc CEPII phân tích: “Đức là một cường quốc xuất khẩu rất quan trọng, trong khi Pháp đã thâm hụt thương mại suốt 25 năm qua. Các chính sách thắt chặt tiêu dùng của Đức, đặc biệt trong thập niên 2000, đã làm tổn hại tới xuất khẩu của Pháp”.Nhà kinh tế Anthony Morlet-Lavidalie từ Rexecode bổ sung: “Nếu Đức không kìm hãm tiêu dùng trong những năm đó, EU sẽ không có mức thặng dư quá lớn như hiện tại với Mỹ, và có lẽ đã không phải gánh chịu cơn thịnh nộ của ông Donald Trump”.Tuy nhiên, việc các sản phẩm của Pháp ít phải chịu mức thuế 25% không nhất thiết là một cơ hội trong bối cảnh hỗn loạn do các chính sách của Tổng thống Trump. Ông Thomas Grjebine nhận xét: “Cơ cấu xuất khẩu khác biệt của Pháp so với phần còn lại của EU có thể gây bất lợi cho nước này trong các cuộc đàm phán”. Giám đốc điều hành LVMH Bernard Arnault cũng bày tỏ lo ngại rằng Ủy ban châu Âu có thể sẽ ưu tiên bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nhiều hơn.

Ngọc Hiệp/BNEWS/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cang-thang-thue-quan-my-eu-ngoai-le-phap/374442.html