Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt, giá dầu tăng hai tuần liên tiếp
Thị trường dầu thế giới vừa chứng kiến một tuần khởi sắc, với giá tăng tuần thứ hai liên tiếp.

Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Quezon, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN
Tâm lý của thị trường được cải thiện sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, áp lực từ khả năng Iran và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng nguồn cung đã kìm hãm phần nào đà tăng của giá dầu.
Chốt phiên ngày 16/5, dầu Brent Biển Bắc tăng 88 xu Mỹ, tương đương 1,4%, đạt 65,41 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 87 xu Mỹ, tương đương 1,4%, chạm ngưỡng 62,49 USD/thùng.
Sự lạc quan từ các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác đã giúp giá hai loại dầu trên phục hồi sau phiên giảm hơn 2% vào ngày 15/5, trước triển vọng dầu thô của Iran quay trở lại thị trường toàn cầu.
Theo Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng thương mại tại BOK Financial, Dennis Kissler, triển vọng tăng sản lượng từ OPEC và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, cùng khả năng Mỹ và Iran có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân, đang khiến thị trường nghiêng dần về hướng giá dầu sẽ đi xuống trong thời gian tới.
Ông Kissler nhấn mạnh, trong ngắn hạn, khi các căng thẳng địa chính trị giảm nhiệt, nhu cầu dầu mỏ theo mùa từ hoạt động du lịch sẽ cần tăng mạnh để có thể "ứng phó" với nguồn cung dự kiến mở rộng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/5 tuyên bố Mỹ đang tiến gần đến một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Mặc dù vậy, một nguồn tin thân cận cho biết vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo các nhà phân tích tại ngân hàng ING, nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran có thể bổ sung khoảng 400.000 thùng dầu/ngày vào thị trường toàn cầu.
Sự kiện nổi bật thúc đẩy giá dầu tuần này là thỏa thuận tạm ngừng leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý “đình chiến” 90 ngày, giảm mạnh các mức thuế quan áp lên hàng hóa của nhau, làm dịu đi lo ngại về nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ.
Các nhà phân tích tại chi nhánh BMI của Fitch Solutions nhận định, thỏa thuận này mở ra triển vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm các rào cản thương mại, nhưng sự bất định về chính sách thương mại dài hạn vẫn hạn chế tiềm năng tăng giá dầu.
Trên mặt trận địa chính trị, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine chưa đạt được bước đột phá. Trong khi đó, Israel tiếp tục chiến dịch quân sự tại Gaza, tấn công các cảng Hodeidah và Salif bên bờ Biển Đỏ nhằm làm suy yếu năng lực quân sự của Houthi. Những diễn biến này, dù chưa gây gián đoạn nguồn cung dầu trực tiếp, nhưng vẫn góp phần tạo ra sự bất định cho thị trường.
Về phía Mỹ, báo cáo từ công ty Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu giảm 1, xuống còn 473 giàn khoan trong tuần này, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2025.
Đồng USD tiếp tục tăng giá sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố, cho thấy giá hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến, trong khi tâm lý người tiêu dùng vẫn ở mức thấp. Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến dầu mỏ, vốn được định giá bằng đồng USD, trở nên đắt đỏ hơn với những người mua nắm giữ các đồng tiền khác, qua đó hạn chế nhu cầu dầu và làm giảm đà tăng của giá dầu.