Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Trung Quốc phản ứng thế nào trước làn sóng thuế quan mới?

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã bước vào giai đoạn mới khi chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump chính thức có hiệu lực, đẩy Trung Quốc vào vòng xoáy áp lực với mức thuế kỷ lục 125%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Theo trang Al Jazeera, dù Washington đã bắt đầu tiến hành đàm phán với một số quốc gia liên quan, các động thái áp thuế qua lại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng hai tháng. Đáp lại, Trung Quốc cũng đã nâng mức thuế đối với hàng hóa của Mỹ lên 84%.

Những diễn biến này đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, khi giới đầu tư lo ngại về hệ lụy kinh tế từ một cuộc chiến thương mại mở rộng.

Từ lâu, ông Trump đã bày tỏ quan điểm cho rằng Mỹ đang bị nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, lợi dụng về thương mại. Với lập trường bảo hộ, ông cho rằng cần áp dụng chính sách thuế để phục hồi sản xuất nội địa và tạo việc làm trong nước.

Diễn biến thuế quan qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc

Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc. Ảnh: IRNA/TTXVN

Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc. Ảnh: IRNA/TTXVN

Ngày 3/2, chỉ thời gian ngắn sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump ban hành mức thuế bổ sung 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là một phần trong chuỗi chính sách thương mại cứng rắn của ông, tiếp nối các biện pháp đã được triển khai trong nhiệm kỳ đầu (2017 - 2021) và được duy trì dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden (2021 - 2025).

Hơn 1 tháng sau, ngày 5/3, mức thuế này được nâng lên gấp đôi, đạt 20%. Đến ngày 2/4, ông Trump tiếp tục tăng thêm 34%, đưa tổng mức thuế áp dụng với hàng hóa Trung Quốc lên 54%.

Đáp lại, ngày 4/4, Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa ở mức 34% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Không dừng lại ở đó, ông Trump cảnh báo sẽ tiếp tục gia tăng áp lực nếu Bắc Kinh không nhượng bộ. Trên nền tảng Truth Social ngày 7/4, ông tuyên bố: “Nếu Trung Quốc không rút lại mức thuế 34% – vốn là phản ứng trước các hành vi mà chúng tôi cho là không công bằng về thương mại – vào ngày 8/4, Mỹ sẽ áp thêm 50% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 9/4”.

Tuy nhiên, thay vì lùi bước, Trung Quốc vào ngày 7/4 đã tiếp tục nâng thuế đối với hàng hóa từ Mỹ lên 84%. Động thái này được xem như một lời khẳng định rằng Bắc Kinh sẵn sàng phản ứng tương xứng trong căng thẳng thương mại kéo dài.

Và đúng như ông Trump cảnh báo, mức thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đã được nâng lên tới 104% vào ngày 9/4.

Chỉ vài giờ sau mức thuế này có hiệu lực, ông Trump một lần nữa gia tăng áp lực khi công bố mức thuế mới – nâng tổng thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125%.

Phản ứng của Trung Quốc

Trụ sở Cơ quan chứng khoán Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 8/2/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN

Trụ sở Cơ quan chứng khoán Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 8/2/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN

Khi công bố đợt áp thuế mới nhất đối với hàng xuất khẩu của Mỹ vào ngày 9/4, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định nước này “có ý chí kiên định và đủ năng lực để thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết, sẵn sàng ứng phó đến cùng”.

Trong tuyên bố chính sách, Bắc Kinh cho rằng lịch sử và thực tế đã chứng minh rằng việc Mỹ tăng thuế sẽ không giúp giải quyết những thách thức nội tại của nước này. Trái lại, hành động này có thể gây ra biến động trên thị trường tài chính, gia tăng áp lực lạm phát, làm suy yếu cơ sở công nghiệp và tăng nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ.

Trước đó, ngày 8/4, Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích các biện pháp của Washington là “vô căn cứ” và coi đây là một hình thức “bắt nạt kinh tế”. Trung Quốc tái khẳng định các biện pháp thuế quan của mình là hành động có đi có lại, nhằm bảo vệ “chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển” cũng như góp phần duy trì một trật tự thương mại quốc tế công bằng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lin Jian, cho biết: “Trung Quốc sẽ không lùi bước nếu bị thách thức”.

Tác động với nền kinh tế Trung Quốc

Dù căng thẳng thương mại gia tăng, Mỹ và Trung Quốc vẫn là những đối tác thương mại chủ chốt. Trong năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu khoảng 438,9 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc – tương đương gần 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)của Trung Quốc, vốn phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu.

Theo báo cáo của Goldman Sachs ngày 6/4, thuế quan mới có thể khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm tới 2,4 điểm phần trăm, kéo mức tăng trưởng trong năm nay xuống còn khoảng 4,5%, thấp hơn mục tiêu chính thức 5% do Bắc Kinh đề ra.

Ngân hàng UBS đưa ra dự báo thận trọng hơn, cho rằng GDP Trung Quốc có thể chỉ đạt 4% vào năm 2025, ngay cả khi chính phủ thực hiện các biện pháp kích thích quy mô lớn.

Cuộc chiến thương mại lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước, bao gồm tình trạng giảm phát, khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và gánh nặng nợ công gia tăng. Năm 2018, khi ông Trump phát động cuộc chiến thương mại đầu tiên chống lại Trung Quốc, GDP của Bắc Kinh đạt 6,6%.

Tuy vậy, theo Giáo sư Jayati Ghosh từ Đại học Massachusetts Amherst, Trung Quốc “được chuẩn bị tốt hơn nhiều quốc gia khác” để đối phó với các cú sốc từ bên ngoài, nhờ khả năng điều tiết và sự linh hoạt của chính sách kinh tế.

Biện pháp ứng phó: Ổn định thị trường và thúc đẩy nội lực

Quang cảnh cảng container ở Thiên Tân, Trung Quốc ngày 8/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh cảng container ở Thiên Tân, Trung Quốc ngày 8/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà chức trách Trung Quốc đã nhanh chóng hành động để giảm thiểu tác động tiêu cực đến thị trường tài chính. Ngày 6/4, Thủ tướng Lý Cường khẳng định Chính phủ Trung Quốc “hoàn toàn có khả năng kiểm soát các tác đôgj bất lợi từ bên ngoài”.

Cùng ngày, các tập đoàn đầu tư công như Chengtong và Huijin cam kết tăng cường mua vào cổ phiếu nhằm hỗ trợ thị trường và ngăn chặn tình trạng bán tháo. Nhờ đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc duy trì được sự ổn định: chỉ số SSE Composite của Thượng Hải tăng 1,1%, trong khi Shenzhen Composite tăng 2,2% vào ngày 7/4. Trong khi đó, các thị trường khác trong khu vực – như chỉ số Nikkei của Nhật Bản – lại giảm mạnh (3,9%).

Theo phóng viên Katrina Yu của Al Jazeera tại Bắc Kinh, mặc dù chính phủ đang can thiệp hiệu quả, tâm lý lo ngại vẫn hiện hữu trong giới đầu tư.

Triển vọng và chiến lược sắp tới của Trung Quốc

Để duy trì đà tăng trưởng, Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh các chính sách kích thích kinh tế nội địa và làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại với các đối tác khác. Giáo sư Ghosh dự báo Bắc Kinh sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, khuyến khích các chính quyền địa phương vay vốn để đầu tư công, đồng thời hỗ trợ các lao động trong ngành xuất khẩu.

Bà cũng cho rằng Trung Quốc có thể tiếp tục chiến lược “âm thầm” mở rộng ảnh hưởng thương mại bằng cách tăng cường hỗ trợ tài chính – như cho vay ưu đãi hoặc xóa nợ – đối với các đối tác quan trọng, đặc biệt ở khu vực châu Á.

Một biện pháp khác có thể được cân nhắc là cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá có kiểm soát, qua đó thúc đẩy xuất khẩu và bù đắp tổn thất từ thuế quan.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đối mặt với những thách thức dài hạn. Ngày 3/4, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã hạ bậc tín nhiệm quốc gia của Trung Quốc, dẫn lý do là nợ công tăng nhanh và rủi ro đối với ngân sách nhà nước – trong bối cảnh các chính sách bảo vệ nền kinh tế cần được mở rộng.

Dù vậy, bà Ghosh cảnh báo rằng phương Tây có thể đang đánh giá thấp khả năng chống chịu của nền kinh tế Trung Quốc:

“Có một xu hướng trong giới phân tích phương Tây là chờ đợi sự sụp đổ kinh tế của Trung Quốc. Nhưng cá nhân tôi, tôi lo ngại nhiều hơn về tình hình của nền kinh tế Mỹ”, bà lập luận.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cang-thang-thuong-mai-my-trung-trung-quoc-phan-ung-the-nao-truoc-lan-song-thue-quan-moi-20250410102435264.htm