Cảng Trần Đề, Sóc Trăng là cửa ngõ đưa ĐBSCL phát triển

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương cho rằng ĐBSCL chưa có cảng cửa ngõ.

Ngày 7-8, Bộ GTVT phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo qui hoạch phát triển cảng biển Trần Đề.

Theo Qui hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng có quy mô khoảng 540ha, năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng khoảng 100.000 DWT, tàu hàng rời 160.000 DWT. Dự án có nhu cầu vốn ở giai đoạn khởi động khoảng 50.000 tỉ đồng, công suất thiết kế 80-100 triệu tấn/năm.

Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng có quy mô khoảng 540ha: HN

Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng có quy mô khoảng 540ha: HN

Tại Hội nghị, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho rằng cần thiết phải đầu tư một cảng biển xanh cho vùng ĐBSCL với quy mô quốc tế, đó chính là Cảng biển nước sâu Trần Đề. Và để phục vụ cho Cảng biển Trần Đề cần xem xét các quy hoạch cảng và cơ chế giao cho nhà đầu tư khai thác các mỏ vật liệu ở ngoài khơi.

Đồng thời, cần phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đầu tư kết nối các tuyến đường bộ, đường thủy đến cảng Trần Đề để tạo động lực phát triển cho cảng.

Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương cho rằng ĐBSCL chưa có cảng cửa ngõ. Do đó, toàn bộ hàng hóa của vùng khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu phải trung chuyển qua TP.HCM, làm tăng chi phí vận chuyển.

Ông Thể cũng nhấn mạnh không có vị trí nào làm cảng biển tốt như cửa Trần Đề, vì cảng cách Cần Thơ khoảng 60km và gần các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau... Vì vậy, nếu không có cảng Trần Đề thì ĐBSCL rất khó bứt phá lên được.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng đưa ra kiến nghị cần có chính sách đặc thù cho tỉnh Sóc Trăng trong giai đoạn hiện tại. Cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu toàn diện để làm rõ vấn đề kết nối và nguồn hàng ổn định để phát triển cảng Trần Đề.

Ngoài ra, cần phát triển hạ tầng vận tải đa phương thức, mở rộng vùng, thu hút đầu tư nước ngoài, nghiên cứu ứng dụng cơ chế khu mậu dịch tự do để hấp dẫn thị trường tiềm năng của cảng Trần Đề.

“Cạnh đó, phát triển các nền tảng số và phù hợp với các yêu cầu của các hãng tàu. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách phát triển chuỗi các mặt hàng là điểm mạnh của ĐBSCL trên bình diện quốc gia và quốc tế” - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải. Hiện, hơn 70% hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP.HCM. Từ đó, làm mất nhiều thời gian, tăng chi phí vận chuyển và ảnh hưởng chất lượng hàng hóa.

 Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: HM

Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: HM

Người đứng đầu UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng việc đầu tư cao tốc trục dọc, trục ngang cùng với hệ thống cảng sẽ giải quyết điểm lâu nay của ĐBSCL. Khi hoàn thành tất cả là mảnh ghép hoàn hảo, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông và trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo để đưa ra những giải pháp tối ưu trong lộ trình quy hoạch chi tiết Cảng biển Trần Đề. Ông Sang cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét kiến nghị của Sóc Trăng về đầu tư cầu dẫn bằng ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho hay Sóc Trăng đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Do đó, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu tại Hội thảo, trong báo cáo cần đưa ra những đề xuất phù hợp, đặc biệt vấn đề ưu đãi về thuế, phí.

CHÂU ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cang-tran-de-soc-trang-la-cua-ngo-dua-dbscl-phat-trien-post745775.html