'Canh bạc lớn nhất cả thế hệ' - vui buồn lẫn lộn ở Anh khi rời EU
Đã có những phản ứng trái chiều, cả vui lẫn buồn, trước giờ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào 23h ngày 31/1.
Sau vài năm đấu tranh chính trị, hai cuộc tổng tuyển cử, những lời kêu gọi tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý, trì hoãn Brexit, cuối cùng Anh sẽ rời Liên minh châu Âu, chấm dứt gần nửa thế kỷ là thành viên.
Nhiều tờ báo Anh không giấu sự vui mừng. Tờ Daily Mail viết “bình minh mới cho nước Anh”, trong khi tờ Sun tuyên bố “thời đại của chúng ta đã tới”.
Tờ Guardian cầm chừng hơn, đăng lên trang nhất “sau 47 năm, Anh rời EU vào 23h đêm nay - canh bạc lớn nhất trong một thế hệ”, trên nền bức ảnh cờ Vương quốc Anh.
Những cảm xúc khác nhau sẽ hiện rõ trên khắp nước Anh trong ngày 31/1, với bài phát biểu buổi tối của thủ tướng, đồng hồ đếm ngược rời EU, biểu tình ủng hộ rời EU, biểu tình phản đối, đồng 50 xu kỷ niệm Brexit.
“Tôi sẽ ăn mừng... tôi sẽ cho mình một cốc champagne... nhưng tôi sẽ ăn mừng một cách kín đáo... tôn trọng những nỗi buồn thực sự mà một số người khác đang cảm thấy”, Steve Baker, một thành viên đảng Bảo thủ đã ủng hộ nhiệt thành việc rời EU, viết trên Twitter.
Nỗi buồn đó sẽ được thể hiện ở những buổi thắp nến cầu nguyện sẽ diễn ra ở khắp nước Anh, từ Oxford, Ely, Greenock, Dundee, tới Brighton, Glasgow, Islay, Jura... hay những cuộc biểu tình dọc các cộng đồng biên giới với Ireland.
Trái với một số báo ở Anh, các báo ở Scotland, nơi người dân bỏ phiếu ở lại EU trong cuộc trưng cầu năm 2016, lại đăng lên trang nhất những quan điểm khác. Chẳng hạn, tờ Daily Record tuyên bố Scotland đã bị “qua mặt”.
“Bị cô lập, nghèo hơn, yếu hơn, và đầy chia rẽ” là những từ được đăng trên trang nhất tờ báo, in lên một hình ảnh chế đồng xu Brexit.
Ngoại trưởng Đức Heiko Mass nói với truyền thông Đức: “Không có lời tạm biệt”. Ông nói thảo luận vẫn tiếp tục giữa Anh và EU, và sẽ “căng thẳng” và “có nhiều áp lực”.
Trong khi đó, trên khắp nước Đức, những người ủng hộ EU cũng tập trung để kỷ niệm kết thúc đánh dấu một kỷ nguyên. Cổng Brandenburg của Berlin sẽ có các ca sĩ ở thủ đô Đức tới biểu diễn bài Ode to Joy của Beethoven, “quốc ca” của EU, vào thời điểm nửa đêm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ ăn mừng bằng các tổ chức một bữa tiệc ở số 10 Downing, mời các quan chức chính phủ.
Nhưng chính phủ Anh chủ trương không ăn mừng quá lớn. Financial Times cho biết các đại sứ quán Anh được chỉ dẫn không có những sự kiện ăn mừng, vì điều đó sẽ không tốt trong mắt các nước khác.
“Đó là một bi kịch cá nhân khi tôi phải bỏ quốc tịch Anh”, Tom Parry, 43 tuổi, giảng viên ở Amsterdam, bày tỏ sự nuối tiếc khi phải bỏ quốc tịch Anh và nhập tịch Hà Lan vì gia đình.
“Tôi luôn muốn quay về (Anh) sống, nhưng bây giờ không biết còn làm được không”, ông viết cho Guardian.