Cảnh báo 24% số loài trong các ao hồ, sông suối đang bị đe dọa tuyệt chủng
Trong một thời gian quá dài, sự suy giảm đa dạng sinh học trong các con sông và hồ của chúng ta đã không được chú ý và quan tâm đúng mức.
Nhà sinh thái học nước ngọt Iwan Jones từ Đại học Queen Mary, London cho biết từ lâu ông đã cảm thấy thất vọng vì hoạt động bảo tồn và nghiên cứu hầu như chỉ chú trọng các loài trên cạn và dưới biển. Trong khi đó, các con sông suối, ao hồ và các vùng đất ngập nước khác trên Trái đất có một lượng lớn đa dạng sinh học dù diện tích của chúng tương đối nhỏ.
Đánh giá toàn diện đầu tiên về nguy cơ tuyệt chủng của các loài nước ngọt, hiện đã được công bố trên tạp chí Nature, sẽ thay đổi điều này. Các nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu mới đã sử dụng "danh sách đỏ" mới hoàn thành đối với các loài cá nước ngọt và cả danh sách đỏ đối với các loài liên quan môi trường sống này như chuồn chuồn...
Danh sách đỏ là danh mục chính thức về tình trạng bảo tồn do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) biên soạn. Các nhà khoa học đã kết hợp dữ liệu này với dữ liệu từ danh sách đỏ đã công bố trước đó đối với các loài cua, tôm càng và tôm nước ngọt. Tổng cộng, họ đã đánh giá hơn 23.000 loài.
Các tác giả kết luận rằng gần một phần tư (24%) các loài nước ngọt đang bị đe dọa tuyệt chủng. Tức là, chúng đã được chính thức đánh giá là dễ bị tổn thương, có nguy cơ tuyệt chủng, cực kỳ nguy cấp hoặc tuyệt chủng trong tự nhiên.
Có một số điều không chắc chắn trong các ước tính, do không có đủ dữ liệu để xác định nguy cơ tuyệt chủng đối với một số loài. Các tác giả sử dụng một phương pháp hiệu quả và được chấp nhận để giải quyết sự không chắc chắn này. Thế nhưng, cần lưu ý rằng việc thiếu dữ liệu này ảnh hưởng đến tỷ lệ lớn hơn đáng kể các loài nước ngọt so với các loài sống trên cạn. Do vậy, việc thiếu dữ liệu không làm thay đổi bản chất rằng các loài nước ngọt đang chịu nguy hiểm.
Trên thực tế, các nhà khoa học cũng rất thận trọng trong việc khoanh vùng dữ liệu. Mặc dù có dấu hiệu cho thấy tỷ lệ lớn các loài nhuyễn thể nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng, các tác giả không thể đưa động vật thân mềm vào phân tích của họ vì rất nhiều loài thiếu dữ liệu.
Hơn nữa, chúng ta chỉ có hiểu biết sơ bộ nhất về tình trạng của nhiều loài nước ngọt khác, đặc biệt là các loài động vật không xương sống như phù du, ruồi đá hoặc nhiều loài bọ cánh cứng, nhiều loài trong số đó rất nhạy cảm với ô nhiễm.
Các loài nước ngọt thường bị bỏ qua
Con số 24% các loài nước ngọt bị đe dọa tuyệt chủng này nghe có vẻ sốc nhưng thực ra cũng tương đương với ước tính đối với các loài lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú chủ yếu sống trên cạn. Các loài kể sau cũng có 23% đang bị đe dọa. Chỉ có điều, các đánh giá toàn diện về chim, lưỡng cư và động vật có vú đã có trong hơn 20 năm nhưng ít ai để ý con số 23%.
Danh sách đỏ của IUCN được sử dụng để ghi lại các xu hướng về đa dạng sinh học để từ đó, cung cấp thông tin cho chiến lược quốc gia và toàn cầu. Chỉ có điều, dữ liệu về động vật có xương sống trên cạn đã thống trị trong các báo cáo. Do đó, cho đến nay, quản lý môi trường trên toàn cầu thường tập trung vào các hệ sinh thái trên cạn và dưới biển mà không thấy rằng môi trường sinh thái nước ngọt cũng đòi hỏi các nhu cầu quản lý riêng biệt.
Từ kết quả đánh giá mới đây, chúng ta cần thiết phải xây dựng chính sách bảo vệ và cải thiện môi trường cho các loài nước ngọt. Nói cách khác, khi xây dựng kế hoạch sinh thái cho một khu vực cần nghĩ đến toàn bộ lưu vực sông, thay vì khu vực lân cận mà các loài sinh sống. Điều đó cũng có nghĩa là phải xem xét những thứ như cách sông và hồ được kết nối và mực nước thay đổi theo từng mùa.
Các vùng nước ngọt bị cách ly cũng giống như những hòn đảo trên biển. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển giữa các ao hồ có thể giúp bảo tồn các loài, đặc biệt là ở những nơi chúng biến mất theo mùa.
Hầu hết các loài phải đối mặt với nhiều mối đe dọa
Trong nghiên cứu mới, người ta nhận thấy tình trạng ô nhiễm, việc xây dựng đập, khai thác nước, thay đổi mục đích sử dụng đất, khai thác quá mức, các loài xâm lấn và bệnh tật là những mối đe dọa nổi bật với hầu hết các loài. Đặc biệt, môi trường nước ngọt ở các khu vực đá vôi và các loại đá xốp giàu canxi khác vốn là nơi trú ngụ của nhiều loài, bị đe dọa lớn hơn dự kiến.
Điều đó làm nổi bật tầm quan trọng của các dòng suối đang chịu áp lực do khai thác tài nguyên nước và ô nhiễm rất rõ rệt. Mặc dù những nỗ lực hiện tại ở châu Âu nhằm buộc các công ty nước phải chịu trách nhiệm giảm lượng nước thải đổ vào sông và hồ là đáng biểu dương, nhưng hiệu quả sử dụng nước và dòng chảy cần được xem xét trong suốt quá trình ra quyết định, từ thiết kế xây dựng và quy hoạch đô thị cho đến việc sử dụng nước hằng ngày của mỗi cá nhân.
Các giải pháp dựa trên thiên nhiên như trồng cây hoặc bảo vệ đất ngập nước mang lại tiến bộ lạc quan, đồng thời mang lại lợi ích cho đa dạng sinh học và môi trường thân thiện với con người.
Thiếu hiểu biết không còn có thể được sử dụng làm cái cớ cho việc không hành động. Như các tác giả của nghiên cứu mới chỉ ra, môi trường nước ngọt hỗ trợ điều kiện sống cho hơn 10% tất cả các loài đã biết, trong đó gồm khoảng một phần ba động vật có xương sống và một nửa số loài cá, dù chỉ bao phủ chưa đến 1% bề mặt Trái đất.
Nhiều loài nước ngọt được xem xét trong nghiên cứu này có tầm quan trọng về mặt xã hội và kinh tế. Thứ dễ thấy nhất là c
á nước ngọt cung cấp nguồn protein quan trọng cho nhiều cộng đồng. Một số loài khác, mặc dù bề ngoài không quan trọng đối với xã hội chúng ta, nhưng lại phát triển mạnh trong nước sạch. Sự suy giảm lớn của các loài này phản ánh tình trạng ô nhiễm nước ngọt ngày càng gia tăng. Điều này không tốt cho xã hội loài người khi chúng ta đối mặt với biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm nước.