Cảnh báo đạo đức kinh doanh nền tảng số

Kinh doanh trên nền tảng số ngày càng phát triển, tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích từ loại hình này, thực trạng vi phạm đạo đức kinh doanh, các hành vi gian lận thuế cũng 'nở rộ'.

Phanh phui nhiều vụ trốn thuế lớn

Trong tháng 6 và đầu tháng 7, Thuế Hà Nội đã phối hợp Công an TP Hà Nội phát hiện và xử lý 3 vụ việc liên quan 3 cá nhân có hành vi trốn thuế.

Mới đây nhất là vụ việc cơ quan Công an tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Thu Hường (Hycloset) gây xôn xao dư luận. Theo Công an TP Hà Nội, Nguyễn Thị Thu Hường kinh doanh, bán hàng quần áo, giầy dép, túi xách, phụ kiện của các thương hiệu nổi tiếng thông qua mạng xã hội Facebook, phát sinh doanh thu đặc biệt lớn (834 tỷ đồng từ năm 2020 đến nay), nhưng không kê khai, nộp thuế theo quy định.

Thương mại điện tử ngày càng phát triển mở ra nhiều cơ hội song cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề về đạo đức kinh doanh. Ảnh: M.H

Thương mại điện tử ngày càng phát triển mở ra nhiều cơ hội song cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề về đạo đức kinh doanh. Ảnh: M.H

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can đối với Vũ Nam Phương ( tức Vũ Hồng Phúc “Cún Bông”), Nguyễn Nam Thắng (chồng Phương) và Chu Thị Mỹ Nhung (kế toán) về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cơ quan chức năng, Vũ Nam Phương là một người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội, có hơn 300.000 người theo dõi trên Facebook, hơn 500.000 người theo dõi trên TikTok.

Qua công tác xác minh, Công an TP Hà Nội phát hiện Phương hoạt động kinh doanh các loại hoa quả, thực phẩm chức năng số lượng lớn tại cửa hàng VHP (ở số 29 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (cũ) và qua các kênh thuơng mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội, có nghi vấn vi phạm pháp luật.

Qua điều tra, cơ quan chức năng cáo buộc chồng của Phương thành lập Công ty cổ phần dược Hoa Kỳ từ năm 2017.

Sau đó, từ năm 2023 đến nay, vợ chồng Phương chỉ đạo Nhung chỉ kê khai doanh thu là hơn 5 tỷ đồng, trong khi doanh thu thực tế được cơ quan điều tra ghi nhận ban đầu là hơn 120 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 10 tỷ đồng tiền thuế...

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, để quản lý thuế TMĐT, cơ quan thuế đã có nhiều nỗ lực và có nhiều cải tiến rõ rệt khiến số thu thuế từ lĩnh vực này tăng cao qua từng năm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc quản lý thuế TMĐT vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tính thuân thủ của người nộp thuế chưa cao. Hơn nữa, có tình trạng nhiều người nộp thuế muốn tuân thủ nhưng lại chưa hiểu rõ về pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều hình thức bán hàng online đang thu tiền trực tiếp qua các bên giao nhận khiến cơ quan thuế khó quản lý được dòng tiền. “Chính vì vậy, công tác thông tin truyền thông để giúp nắm được chính sách, chế độ là rất quan trọng. Cơ quan thuế cũng cần phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để nắm được tất cả các thông tin liên quan đến đơn hàng, việc vận chuyển, giao nhận… để chống thất thu thuế” – bà Cúc nêu quan điểm.

Hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức kinh doanh

Theo Thuế TP Hà Nội, TMĐT đã và đang trở thành một xu hướng tất yếu. Các nền tảng TMĐT, mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube... không chỉ là kênh tiêu dùng phổ biến mà còn là môi trường kinh doanh sôi động.

Tuy nhiên, cùng với đó, các hành vi vi phạm luật pháp về thuế ngày càng tinh vi hơn như sử dụng nhiều tài khoản khác nhau chia nhỏ doanh thu, sử dụng nhiều hệ thống sổ sách kế toán, ẩn núp dưới các mô hình kinh doanh khác nhau giữa công ty và hộ, cá nhân kinh doanh nhằm mục đích che giấu doanh thu, trốn thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

“Việc cố tình trốn thuế sẽ để lại hậu quả pháp lý nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hoạt động kinh doanh lâu dài, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước” – đại diện Thuế TP Hà Nội khẳng định.

Giới chuyên gia nhấn mạnh, các cá nhân hay doanh nghiệp bán hàng và kiếm lợi nhuận nên có trách nhiệm với việc kinh doanh của mình. Nếu họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận và sử dụng thủ thuật để trốn thuế, đó không chỉ là hành động trái pháp luật, mà còn là vấn đề về đạo đức kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT và Công nghệ số (Bộ Công thương), sáng tạo là chìa khóa nhưng bền vững nằm ở đạo đức và tuân thủ pháp luật. Đạo đức kinh doanh là cam kết minh bạch với khách hàng. Tuân thủ pháp luật là trụ cột kiến tạo môi trường TMĐT công bằng, minh bạch. Việc hiểu đúng và đầy đủ về luật, nghĩa vụ thuế và quảng cáo trung thực là những yếu tố quyết định uy tín và phát triển dài hạn.

Ông Tuấn nhấn mạnh, các nhà bán hàng và sàn TMĐT cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật.

Theo ông Tuấn, các hành vi bị cấm và chế tài tương ứng gồm: Không thông báo/đăng ký website, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhái, quảng cáo sai sự thật, gian lận thuế, xâm phạm thông tin cá nhân hay tấn công mạng... đều bị nghiêm cấm.

Về chế tài, tùy theo mức độ vi phạm, chủ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền, tịch thu tang vật, đình chỉ hoạt động, tước giấy phép) theo các nghị định chuyên ngành. “Đối với trường hợp nghiêm trọng hơn, gây hậu quả lớn, hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, việc bồi thường thiệt hại dân sự cũng là một chế tài quan trọng để bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan” - ông Tuấn cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hòa - Trưởng phòng Quản lý thuế số 2 (phòng Quản lý thuế các sàn TMĐT) thuộc Chi cục Thuế TMĐT (Bộ Tài chính) cho hay, ngành thuế ưu tiên hoàn thiện khung khổ pháp lý thuế cho TMĐT, liên tục rà soát và bổ sung để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trước sự phát triển nhanh chóng của các sàn thương mại điện tử và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Mục tiêu là tạo sân chơi bình đẳng, chống thất thu thuế mà vẫn không cản trở sự phát triển của TMĐT.

Giới chuyên gia khẳng định, TMĐT không phải “vùng xám” tự do như nhiều người lầm tưởng. Khi hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, tuân thủ pháp luật là điều kiện tiên quyết để đảm bảo công bằng, minh bạch và phát triển bền vững. Người bán online, dù là cá nhân nhỏ lẻ cũng cần trang bị kiến thức pháp lý như một “lá chắn” cho chính mình.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam:

Cần tuân thủ chặt chẽ các nghĩa vụ thuế

Dù kinh doanh tại lĩnh vực nào, trong đó có lĩnh vực TMĐT, trước hết phải chú ý đến chất lượng hàng hóa, sản phẩm; tiếp đó là thực hiện nghĩa vụ thuế.

Cụ thể, đối với nhãn hàng phải kê khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thực tế chốt đơn hàng bán được. Nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ. Chúng ta cần tuân thủ chặt chẽ nghĩa vụ thuế, tránh trốn thuế vì việc này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, nhãn hàng, sàn TMĐT và còn ảnh hưởng tới cả số thu ngân sách nhà nước.

Thúy Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/canh-bao-dao-duc-kinh-doanh-nen-tang-so-10310401.html