Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Quản lý chặt hoạt động khai thác hải sản
Tỉnh Gia Lai đang thực hiện quyết liệt các giải pháp cấp bách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác hải sản của ngư dân.

Bộ đội Biên phòng cảng Quy Nhơn (Gia Lai) tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân. Ảnh: Đình Quân-TTXVN
Xác định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm góp phần cùng các cấp ngành, địa phương tháo gỡ thẻ vàng EC áp dụng đối với thủy sản của Việt Nam. Tỉnh Gia Lai đang thực hiện quyết liệt các giải pháp cấp bách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác hải sản của ngư dân.

Bộ đội Biên phòng cảng Quy Nhơn (Gia Lai) kiểm tra thiết bị Giám sát hành trình trước khi cho tàu cá xuất bến. Ảnh: Đình Quân-TTXVN
* Đẩy mạnh tuyên truyền về IUU
Xác định tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ ảnh hưởng lớn đến những nỗ lực chung trong công tác gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản. Do đó, bên cạnh việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ tàu thuyền ra vào, trước mỗi chuyến biển của ngư dân, cán bộ, chiến sĩ tại Trạm kiểm soát Biên phòng Mũi tấn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Quy Nhơn luôn dành thời gian để tuyên truyền bà con về các quy định cần phải thực hiện trong quá trình đánh bắt.
“Cán bộ, chiến sĩ tại Trạm duy trì trực 24/24, giám sát 100% tàu thuyền ra vào cảng cá Quy Nhơn. Thời gian rảnh, anh em thường nghiên cứu đổi mới nội dung tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng, nghề khai thác, phương tiện tàu cá. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phát hàng trăm tờ rơi tuyên truyền về IUU bằng mã QR, việc này tạo điều kiện thuận tiện cho cán bộ, nhân dân, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân tra cứu văn bản pháp luật và các quy định liên quan đến IUU mọi lúc, mọi nơi. Trạm cũng đã vận động thuyền trưởng, chủ tàu, ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, không vi phạm các quy định về cấm khai thác, đánh bắt IUU, hiện có hơn 3.200 lượt chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá đánh bắt xa bờ đã ký cam kết” Đại úy Lê Văn Hòa, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Mũi tấn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Quy Nhơn cho biết.
Chính nhờ việc kiểm soát chặt chẽ của lực lượng chức năng, hầu hết ngư dân ra vào cảng Quy Nhơn đã tự giác chấp hành các quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển. Tất cả tàu cá đều thực hiện nghiêm các thủ tục khai báo trước khi xuất nhập cảng, ghi nhật ký khai thác đầy đủ cũng như tuân thủ việc lắp đặt và duy trì thiết bị giám sát trong suốt quá trình đánh bắt.
Ngư dân Lê Văn Sơ, Chủ tàu cá BĐ 97081 Ts cho biết: "trước khi xuất bến phải bật máy giám sát hành trình và có tín hiệu thì các cơ quan chức năng mới cho mình làm các thủ tục đi biển, ra khơi phải mở máy 24/24h, nhà nước quy định như vậy ngư dân tụi tui cũng cố gắng thực hiện đúng để cùng các cấp, các ngành gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam".

Tàu cá neo đậu tại cảng cá ở phường Quy Nhơn (Gia Lai). Ảnh: Đình Quân-TTXVN

Tàu cá của ngư dân Gia Lai vươn khơi. Ảnh: Đình Quân-TTXVN
* Quyết tâm gỡ thẻ vàng
Theo thống kê toàn tỉnh Gia Lai hiện có 5.861 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được đăng ký; trong đó, có 3.183 chiếc có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đăng ký hoạt động khai thác ở vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Xác định đây là thời điểm quyết định để gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản, hiện Gia Lai đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, trong đó tập trung xử lý dứt điểm hai nhóm nguy cơ tồn tại lớn là tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài và tàu cá không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động khai thác trái phép.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Gia Lai cho biết: đơn vị đã lập danh sách 215 tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m, hành nghề câu mực, thường xuyên hoạt động và xuất nhập bến tại các tỉnh phía Nam, hàng năm không về địa phương, đây là nhóm tàu cá có nguy cơ rất cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ tháng 10/2023 đến nay, đã thành lập 08 Đoàn công tác làm việc với các tỉnh phía Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang) trực tiếp gặp gỡ, vận động ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đặc biệt vào tháng 5/2024, đoàn công tác của tỉnh đã vận động và yêu cầu nhóm tàu cá này lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, đã có 195/215 tàu cá chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động tại các tỉnh phía Nam lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (chiếm 90, 69%). Còn lại 20 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; trong đó, có 18 tàu nằm bờ, không hoạt động đang neo đậu ở các tỉnh phía Nam do Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn; 2 tàu về hoạt động ở vùng biển Bình Định.
Đối với 620 tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản (hết hạn Giấy phép khai thác thủy sản, hết hạn đăng kiểm, chưa lắp đặt hoặc chưa sang tên thiết bị giám sát hành trình), UBND tỉnh đã có văn bản giao các xã, phường thành lập ngay tổ công tác liên ngành tổ chức tập hợp, gom tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản về một khu vực neo đậu tại địa phương, giao trách nhiệm cho chính cơ sở phân công cán bộ, đảng viên phụ trách theo dõi từng tàu, giám sát chặt chẽ vị trí neo đậu của từng tàu cá; yêu cầu chủ tàu không lưu giữ ngư cụ, trang thiết bị, dụng cụ khai thác thủy sản trên tàu cá; không để tàu cá không đủ điều kiện hoạt động đi khai thác thủy sản trên biển.
Trung tá Nguyễn Tùng Giang, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Quy Nhơn cho biết, đơn vị bố trí lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá khi xuất, nhập bến tại cửa biển Quy Nhơn, kiên quyết xử lý và không giải quyết cho các phương tiện không đủ điều kiện, thủ tục xuất bến, nhất là các tàu từ 12 m đến 15 m và từ 15 m trở lên. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Thủy sản, chính quyền địa phương, đảm bảo thông tin thông suốt, thường xuyên giữa Trạm bờ, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng với cá nhân thuyền trưởng và thuyền viên đi trên phương tiện, để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo các phương tiện đang hoạt động ở vùng biển xa, phương tiện di chuyển ngư trường không vi phạm vùng biển nước ngoài và duy trì thường xuyên kết nối thiết bị giám sát hành trình”.
Để công tác chống khai thác chống khai thác IUU đạt hiệu quả, hiện các lực lượng chức năng tại Gia Lai đang phối hợp với các địa phương, nơi thường xuyên có tàu cá Gia Lai xuất nhập bến, neo đậu triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp trao đổi thông tin nhằm quản lý chặt chẽ tàu cá địa phương hoạt động ngoài tỉnh, ngăn chặn tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm khai thác IUU.