Cảnh báo đối với cáp biển

Việc hệ thống cáp biển dễ bị tổn hại đã được nêu bật lên trong năm nay, sau khi 4 trong số 15 đường cáp ngầm quan trọng dưới biển Đỏ bị cắt đứt giữa các cuộc tấn công của nhóm Houthi ở Yemen nhằm vào tàu thuyền trên vùng biển này.

Theo công ty nghiên cứu thị trường viễn thông TeleGeometry, dưới đáy biển khắp thế giới là hệ thống cáp viễn thông khổng lồ với tổng chiều dài lên đến gần 1,4 triệu km, trở thành xương sống của internet toàn cầu bởi chúng "tải" đến 99% lưu lượng dữ liệu liên lục địa.

Số lượng cáp biển toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng trong những năm tới, phản ánh nhu cầu của các dịch vụ streaming và đám mây. TeleGeometry cho biết tính đến đầu năm 2024, họ ghi nhận được 574 tuyến cáp biển đang và sắp hoạt động.

Tầm quan trọng của cáp biển thể hiện ở những ảnh hưởng mỗi khi xảy ra gián đoạn. Ông Joe Vaccaro, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty chuyên theo dõi internet ThousandEyes, trả lời phỏng vấn kênh CNBC gần đây: "Khi có tuyến cáp bị đứt, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ chuyển lưu lượng sang các tuyến khác và chắc chắn việc này sẽ gây ra tắc nghẽn ở mức độ nào đó".

Chưa hết, theo ông Vaccaro, sẽ có hiệu ứng domino ảnh hưởng đến mạng lưới cáp trên đất liền.

Một tàu của công ty nhà nước Trung Quốc S.B. Submarine Systems Ảnh: S.B. SUBMARINE SYSTEMS

Một tàu của công ty nhà nước Trung Quốc S.B. Submarine Systems Ảnh: S.B. SUBMARINE SYSTEMS

Cáp ngầm dưới biển thường do các hãng viễn thông sở hữu và vận hành. Gần đây, nhiều đại gia công nghệ của Mỹ, bao gồm Meta, Google, Microsoft và Amazon, đã đầu tư đáng kể để xây dựng mạng cáp riêng của họ.

Chẳng hạn, vào năm 2021, Meta và Google thông báo kế hoạch lắp đặt hai tuyến cáp biển khổng lồ nối bờ Tây nước Mỹ với Singapore và Indonesia. Hai tuyến xuyên Thái Bình Dương mang tên Echo và Bifrost này dự kiến tăng khả năng truyền tải dữ liệu giữa các khu vực nói trên thêm 70% cũng như cải thiện chất lượng internet.

Tuy nhiên, trong một bài báo hồi tháng 5, tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn các nguồn giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ giới chức nước này đã cảnh báo riêng với các công ty công nghệ rằng cáp biển ở Thái Bình Dương dễ bị các tàu sửa chữa của Trung Quốc do thám.

Theo WSJ, công ty nhà nước Trung Quốc S.B. Submarine Systems, chuyên về sửa chữa các tuyến cáp quốc tế, dường như ẩn vị trí các tàu của mình, không để các hệ thống theo dõi bằng vô tuyến và vệ tinh dò ra.

Trong khi đó, Estonia cho biết Trung Quốc vẫn chưa hồi đáp lời đề nghị từ 6 tháng trước về việc hỗ trợ điều tra việc một tàu Trung Quốc bị nghi cắt đứt 2 tuyến cáp biển của Estonia. Về phần mình, Trung Quốc cũng đã đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng hạ tầng cáp biển riêng nhằm cạnh tranh với Mỹ, theo CNBC.

Những diễn biến này cho thấy hệ thống cáp biển đã trở thành một nguồn tranh cãi mới về vấn đề an ninh quốc gia.

Hải Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/canh-bao-doi-voi-cap-bien-196240716201544788.htm