Cảnh báo dông, lốc, sét và mưa đá ở Bắc Trung Bộ

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay (5-3), không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Trung Bộ, một số nơi ở Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.

Người dân TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) dọn bùn đất sau trận mưa lớn. Ảnh: ANH TÚ

Người dân TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) dọn bùn đất sau trận mưa lớn. Ảnh: ANH TÚ

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay (5-3), không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Trung Bộ, một số nơi ở Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió lên đến 5.000 m cho nên Bắc Bộ đêm và sáng có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông; Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 15 đến 180C, vùng núi có nơi dưới 130C. Gió đông bắc trong đất liền cấp 2, cấp 3, vùng ven biển cấp 3, cấp 4. Ở vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động; khu vực bắc Biển Đông gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động.

* Theo báo cáo nhanh của bảy tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Sơn La, tình hình thiệt hại do dông, lốc, sét và mưa đá từ tối 2-3 đến 5 giờ ngày 4-3 đã khiến một người chết, 16 người bị thương (Yên Bái sáu người; Hà Giang 10 người), 351 nhà bị sập; 5.218 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 22 điểm trường và bảy công trình văn hóa, ba nhà xưởng bị tốc mái, hư hỏng, một cầu giao thông bị cuốn trôi, 34 cột điện bị gãy đổ và hàng trăm ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp bị thiệt hại.

* Dự báo trong thời gian tới có thể xảy ra các đợt dông, lốc, sét, mưa đá tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, rút kinh nghiệm những đợt mưa đá xảy ra gần đây, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đề nghị các địa phương tập trung huy động các nguồn lực để khắc phục hậu quả; tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Đối với việc khắc phục nhà bị hư hỏng do mưa đá và dông, lốc, đề nghị các địa phương huy động các nguồn lực để khắc phục theo hướng chuyển đổi từ mái lợp tấm prô-xi-măng sang mái tôn lạnh để ổn định lâu dài. Theo dõi chặt chẽ diễn biến về mưa lớn, dông, lốc, sét và mưa đá để thông tin kịp thời đến người dân và các cấp chính quyền chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp…

* Tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), chính quyền và người dân đang nỗ lực khắc phục hậu quả do gió lốc, mưa đá gây ra vào trưa 3-3 trên địa bàn huyện. Nhiều đợt gió lốc, kèm theo mưa đá nhỏ đã làm hư hỏng một số công trình phúc lợi xã hội và tài sản của nhân dân. Cụ thể, 64 nhà bị tốc mái. 73,2 ha hoa màu bị ảnh hưởng và nhiều công trình xây dựng bị hư hại… Ước tổng thiệt hại do gió lốc, mưa đá gây ra tại Hoàng Su Phì là hơn hai tỷ đồng.

* Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo chính quyền các huyện lập các đoàn công tác liên ngành xuống cơ sở, phối hợp chính quyền các xã triển khai khắc phục hậu quả và thống kê thiệt hại do trận mưa đá, lốc xoáy gây ra. Trong đó, đối với các hộ bị thiệt hại mái nhà hoàn toàn được các xã vận động, hỗ trợ di chuyển đồ đạc, tài sản đến nhà người thân ở nhờ, ở tạm. Trước đó, trong hai ngày từ 2 đến 3-3, mưa đá, gió lốc đã xuất hiện tại các huyện Tân Uyên, Phong Thổ và TP Lai Châu, gây nhiều thiệt hại về tài sản, nhà cửa của nhân dân.

* Vào lúc 4 giờ 28 phút ngày 4-3, một trận động đất 3,2 độ rích-te đã xảy ra tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Trạm quan sát địa chấn Điện Biên (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, trận động đất xảy ra tại vị trí có tọa độ 21.254 độ vĩ bắc, 103.023 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu 8,1 km; thời gian rung lắc khoảng hai giây. Trận động đất khó có thể gây hại đến các công trình xây dựng.

* Ngày 4-3, Đoàn khảo sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và công tác ứng phó của địa phương. Do ảnh hưởng của hạn mặn, toàn tỉnh hiện có khoảng 57.000 hộ với 205.000 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đoàn khảo sát đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre cần đúc kết kinh nghiệm phong trào “Đồng khởi” trữ nước mưa, nước ngọt trong nhân dân từ năm 2016 đến nay để tiếp tục vận động phong trào trữ nước trong mùa hạn mặn.

* Do ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn, mực nước trong hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo, huyện Tân Trụ (tỉnh Long An) khô cạn, dẫn tới sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng. Tính từ ngày 25-2 đến 3-3, địa bàn huyện Tân Trụ đã xảy ra bốn vụ sạt lở lớn, chia cắt hai tuyến đường giao thông nông thôn. UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải tỉnh, các ngành liên quan phối hợp địa phương tiến hành khắc phục ngay các điểm bị sạt lở; đồng thời, gấp rút khảo sát và thiết kế phương án gia cố, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

* Tại đồng bằng sông Cửu Long, nhờ tập trung xuống giống sớm, giúp né được hạn mặn, nhiều trà lúa phát triển tốt, năng suất cao hơn so với vụ trước. Hiện đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được khoảng 65% trong hơn 1,5 triệu ha lúa đông xuân. Do ưu tiên sản xuất lúa chất lượng cao, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, người dân không phải lo giá cả và đầu ra, không phải chờ đợi thương lái như những năm trước.

* Ngày 4-3, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, với cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn thuộc cấp độ 2. Các hoạt động, biện pháp công trình và phi công trình để thực hiện ứng phó, khắc phục trong thời gian diễn ra thiên tai xâm nhập mặn được thực hiện theo tình huống khẩn cấp. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân...

Cháy 6 ha rừng ở khu vực Núi Cấm (An Giang)

Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho biết, đến khoảng 10 giờ ngày 4-3, vụ cháy rừng xảy ra tại tiểu khu 10 khu vực Tà Lọt, Núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Các lực lượng chức năng đang thực hiện các biện pháp, đề phòng đám cháy bùng phát trở lại. Trước đó, khoảng giờ 9 giờ ngày 3-3, ngọn lửa bùng phát tại khu vực tiểu khu 10 khu vực Tà Lọt, Núi Cấm và nhanh chóng lan rộng. Tổng diện tích rừng bị cháy là 6 ha, trong đó có 1 ha rừng keo tràm, 2 ha xoài và điều, 3 ha cây le.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43487602-canh-bao-dong-loc-set-va-mua-da-o-bac-trung-bo.html