Cảnh báo mãi, vẫn sập bẫy nhân viên giao hàng giả
Sự trùng khớp về tên hàng, địa chỉ, số tiền khiến các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng đánh lừa nạn nhân một cách dễ dàng.
Trong thời đại bùng nổ mua sắm online, hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD) vẫn được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo khi giao hàng đang có dấu hiệu gia tăng với nhiều chiêu thức tinh vi.
Các đối tượng thường chọn thời điểm người mua không có mặt tại nhà, giả danh nhân viên giao hàng để yêu cầu chuyển khoản trước hoặc gửi nhờ hàng xóm. Sau đó, chúng dùng chiêu trò như “chuyển nhầm tài khoản”, “bị công ty phạt” hoặc kể chuyện khó khăn để đánh vào lòng thương khiến nạn nhân mất cảnh giác.
Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo có đầy đủ thông tin cá nhân của người mua, từ họ tên, số điện thoại, địa chỉ đến nội dung đơn hàng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ rò rỉ dữ liệu từ các nền tảng thương mại điện tử.
Chiêu thức quen thuộc: Nhầm tài khoản
Chị Phạm Anh (TP.HCM) chia sẻ vừa bị lừa mất tiền qua một chiêu trò giả danh shipper. Khi đang đi làm, chị nhận được cuộc gọi từ người tự xưng giao hàng, cung cấp đúng tên sản phẩm và số tiền đơn hàng. Người này đề nghị gửi hàng cho hàng xóm và yêu cầu chị chuyển khoản trước để thuận tiện giao nhận.
Ban đầu, chị từ chối. Tuy nhiên, người này liên tục gọi lại, than phiền rằng tiền công giao hàng chỉ vài ngàn đồng mà phải gọi nhiều lần khiến chị cảm thấy áy náy.
“Nghĩ người ta vất vả, tôi đã chuyển khoản. Một lúc sau, đối tượng tiếp tục gọi, nói đã gửi nhầm số tài khoản và đề nghị tôi chuyển lại vào tài khoản khác. Lúc này, tôi mới nhận ra mình bị lừa” - chị Anh bức xúc.
Tương tự, chị Hồ Thị Ngọc (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhận được cuộc gọi giao hàng vào ngày 1-5, lúc chị đang nghỉ lễ. Sau vài phút năn nỉ ỉ ôi, nào là ngày lễ cũng phải đi làm để kịp tiến độ đơn hàng của khách, vì gia đình đang gặp khó khăn nên phải ráng bươn chải…, cuối cùng “shipper giả” đã lấy được 138.000 đồng của chị Ngọc.
Sau đó “shipper giả” cũng bị lộ với chiêu thức quen thuộc nhắn nhầm số tài khoản công ty. Vì biết mình bị lừa nên chị Ngọc chủ động ngắt kết nối để khỏi phiền.

Các đối tượng thường chọn thời điểm người mua không có mặt tại nhà, giả danh nhân viên giao hàng để yêu cầu chuyển khoản trước. Ảnh: Al
Lừa không được thì chửi bới
Chị Lê Thị Thùy Trang (quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể lại mới đây chị suýt bị lừa bởi một người tự xưng là nhân viên giao hàng.
“Khi đó tôi đang đi làm, có người gọi điện nói đang giao đơn hàng tôi đặt. Họ bảo đã gửi nhờ gói hàng ở chỗ bảo vệ chung cư và đề nghị tôi chuyển khoản 30.000 đồng tiền ship để tiện xử lý. Người này nói giọng rất khẩn thiết, nói trời nắng, giao nhiều nơi mệt rồi, mong tôi thông cảm” - chị Trang nói.
Tuy nhiên, do thấy thái độ gấp gáp và nghi ngờ cách giao hàng bất thường, chị Trang đã từ chối chuyển khoản và hẹn sẽ kiểm tra lại sau. Tối về, chị xuống hỏi bảo vệ và đề nghị trích xuất camera khu vực sảnh nhưng hoàn toàn không có ai gửi hàng như lời người gọi.
Khi chị gọi lại cho số điện thoại kia để hỏi vì sao không thấy hàng, đối tượng lập tức thay đổi thái độ, dùng lời lẽ chửi bới, đe dọa rồi nhanh chóng tắt máy. “Lúc đó tôi biết chắc là bị lừa rồi. May mà cảnh giác, không thì cũng mất tiền như chơi” - chị Trang chia sẻ.
Hành vi gọi điện thoại giả danh người giao hàng để yêu cầu đối phương chuyển tiền có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS. Tuy nhiên, hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không thì tùy thuộc vào nhiều yếu tố như số tiền chiếm đoạt, tính chất, mức độ hành vi…
Nạn nhân có quyền gửi đơn tố giác tội phạm kèm các chứng cứ kèm theo như bản ghi âm cuộc gọi, tin nhắn chuyển tiền, tin nhắn trao đổi… đến cơ quan công an có thẩm quyền.
Luật sư LÊ THÀNH CÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM
Do đã đọc nhiều cảnh báo, chị Đỗ Trâm (TP.HCM) chia sẻ từng nhận được cuộc gọi từ một người xưng là shipper, thông báo đang giao đơn hàng giày dép, trùng với đơn hàng thật mà chị đã đặt trước đó. Khi chị hỏi người này đang ở đâu, đối tượng nói đang ở trước nhà chị và yêu cầu chị xuống nhận hàng gấp.
“Tôi vừa nói “để tôi xuống” thì bên kia cúp máy. Do lúc đó tôi có đặt một đơn giày thật nên vẫn đi xuống kiểm tra nhưng không thấy ai” - chị Trâm kể.
Gọi lại nhiều lần, điện thoại vẫn đổ chuông và có nhạc chờ nhưng không ai nghe máy. Đến lúc này, chị Trâm mới nhận ra mình suýt bị lừa.
Cuộc chiến giữa tiện lợi và an toàn
Việc xử lý một đơn hàng mua sắm trên môi trường số tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại liên quan đến rất nhiều bên - từ sàn thương mại điện tử, đơn vị vận chuyển, bộ phận thanh toán đến các hệ thống chăm sóc khách hàng. Mỗi khâu đều tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân nếu không được bảo mật đúng cách.
Nguyên nhân có thể đến từ ba nhóm chính: (1) Hệ thống có lỗ hổng, tài khoản quản trị bị đánh cắp; (2) nhân sự nội bộ truy cập và trích xuất dữ liệu trái phép; (3) hacker tấn công và xâm nhập hệ thống.
Trong bối cảnh đó, việc xác định chính xác thông tin bị lộ từ đâu là điều không dễ dàng. Để tăng cường hành lang pháp lý, dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã quy định rõ trách nhiệm của các bên xử lý dữ liệu, đồng thời dự thảo quy định mức phạt hành chính có thể lên đến 5% doanh thu năm trước của tổ chức, doanh nghiệp vi phạm. Đây được kỳ vọng là công cụ đủ mạnh để thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cấp hệ thống bảo mật.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, các tổ chức cũng cần chủ động rà soát, nâng cấp hạ tầng, kiểm soát nhân sự và chuẩn hóa quy trình xử lý dữ liệu, nhằm bảo vệ uy tín và niềm tin của người dùng.
Về phía cá nhân, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác: Chỉ sử dụng nền tảng uy tín, hạn chế cung cấp thông tin trên không gian mạng và tuyệt đối không chia sẻ mã OTP hay dữ liệu cá nhân cho bất kỳ ai, kể cả khi họ tự xưng là cán bộ cơ quan chức năng hay doanh nghiệp.
Ông VŨ NGỌC SƠN, Trưởng ban Công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia
Nguồn PLO: https://plo.vn/canh-bao-mai-van-sap-bay-nhan-vien-giao-hang-gia-post850582.html