Cảnh báo nguy cơ cháy nổ làng nghề xen lẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh
Trên địa bàn huyện Gia Lâm có nhiều làng nghề gồm: làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và làng nghề Gốm sứ truyền thống Kim Lan, có tính chất hoạt động chuyên kinh doanh, sản xuất các mặt hàng gốm sứ có sử dụng lượng khí gas lớn trong hoạt động sản xuất...
Ngoài ra, tại huyện Gia Lâm còn có các làng nghề chuyên kinh doanh thuốc bắc xã Ninh Hiệp; làng nghề xã Kiêu Kỵ chuyên sản xuất, kinh doanh cặp da, túi xách và vàng mã. Đây là những cơ sở có nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ rất cao.
Nguy cơ do khí gas ở làng nghề gốm sứ
Với khoảng trên 1.000 cơ sở kinh doanh, sản xuất tại các làng nghề ở huyện Gia Lâm, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp sản xuất tại làng nghề là xu thế chung. Tuy nhiên, việc phát triển, gia tăng các hộ sản xuất, doanh nghiệp tại các làng nghề một cách tự phát, thiếu đồng bộ giữa an toàn và sản xuất đang gia tăng. Cùng với đó, hoạt động làng nghề xen lẫn các khu dân cư còn gây ra những nguy hiểm về an toàn cháy, nổ, nhất là vào dịp cao điểm sản xuất hàng hóa.
Là một trong những làng nghề truyền thống có từ lâu đời, các làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan luôn dùng lượng khí gas rất lớn để phục vụ sản xuất. Nhu cầu này bỗng dưng biến ngôi làng thành những kho chứa gas khổng lồ, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.
Việc phát triển thiếu đồng bộ, mang tính tự phát cùng với mục tiêu tăng lợi nhuận là chính đã làm các chủ hộ sản xuất, kinh doanh ít chú ý đầu tư cải thiện môi trường làm việc, đặc biệt là công tác phòng, chống cháy nổ.
Theo chỉ huy Công an huyện Gia Lâm: “Qua kiểm tra công tác PCCC tại các làng nghề, hầu hết các cơ sở sản xuất đều vi phạm an toàn PCCC và các cơ sở này đều không được trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị an toàn PCCC. Nhiều gia đình kết hợp vừa ở, vừa kinh doanh nên hệ thống gas, dây điện chằng chịt, tập trung trong một diện tích nhỏ và chỉ cần một nguồn nhiệt nhỏ như tàn thuốc lá, tàn hương, hay tia lửa điện cũng có thể tạo nên một đám cháy lớn bất cứ lúc nào”.
Kết quả khảo sát điều tra của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - CAH Gia Lâm cho thấy, hầu hết các ngõ, ngách tại các khu dân cư đều không đảm bảo chiều rộng và chiều cao thông thủy cho xe chữa cháy và các phương tiện chuyên dụng có thể hoạt động khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Bên cạnh những khó khăn về giao thông, nguồn nước cũng là một vướng mắc lớn đối với công tác PCCC tại các khu dân cư. Hiện các trụ cấp nước chữa cháy chỉ đặt tập trung trên các tuyến đường giao thông chính và các nguồn nước tự nhiên như ao, hồ, đầm, sông, ngòi chưa có vị trí đảm bảo để xe chữa cháy có thể hút nước trực tiếp hoặc rất hạn chế. Đa số nguồn nước tự nhiên đều phải dùng máy bơm mới lấy được nước, nên mất nhiều thời gian triển khai lực lượng, phương tiện dẫn đến ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chữa cháy khi có sự cố cháy, nổ xảy ra tại làng nghề.
Tăng cường phát hiện, xử lý vi phạm
Trước thực trạng làng nghề Kim Lan, Bát Tràng, Ninh Hiệp, Kiêu Kỵ nguy cơ cháy, nổ cao, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - CAH Gia Lâm đã tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm. Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - CAH Gia Lâm đã chủ động mở các lớp tuyên truyền, tập huấn cho người dân làng nghề và chủ cơ sở kinh doanh nâng cao kỹ năng thoát nạn, chữa cháy, bồi dưỡng kiến thức PCCC cho các chủ cơ sở, các cơ sở kinh doanh trong làng nghề; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Để phát huy hiệu quả công tác phòng ngừa, với phương châm chữa cháy tại chỗ, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - CAH Gia Lâm đã thành lập các đội chữa cháy với nòng cốt là dân phòng và dân quân tự vệ. Chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, phúc tra về PCCC tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Về nguy cơ cháy, nổ tại làng nghề, Thượng tá Phạm Xuân Quang, Phó trưởng CAH Gia Lâm phân tích: “Việc sử dụng khí gas công nghiệp để nung gốm rất phổ biến ở làng nghề Bát Tràng và khí gas không chỉ được chứa trong bình, một số cơ sở còn liên kết với các công ty kinh doanh gas xây dựng đường ống dẫn khí gas lên lò nung. Bên cạnh đó, một số hộ dân do thấy tiền công lắp đặt đắt, đã tự trang bị đường ống, dẫn đến nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Cũng theo chỉ huy CAH Gia Lâm, qua công tác kiểm tra, lực lượng công an đã phát hiện tại một số hộ kinh doanh ở làng nghề tồn tại hệ thống đường ống dẫn khí gas bằng ống kẽm đã bị hoen rỉ, van an toàn không có và hệ thống điện tại khu vực có gas không phải là hệ thống điện an toàn. Đặc biệt, trang thiết bị PCCC rất ít, không đủ tiêu chuẩn và cá biệt còn các lò gas không có phương tiện PCCC, CNCH.