Cảnh báo nguy cơ ngộ độc ăn nấm rừng
Trong những ngày qua, trên địa bàn huyện Ba Bể và Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn xảy ra các vụ ngộ độc nghi do ăn nấm rừng, khiến nhiều người phải nhập viện. Ngành Y tế tỉnh khuyến cáo người dân cần thận trọng khi sử dụng các loại nấm mọc tự nhiên.
Ngày 16/5/2024, gia đình ông Mã Văn Thỏa, tiểu khu 1, thị trấn Chợ Rã (Ba Bể) có 03 người bị nghi ngộ độc, phải vào cấp cứu, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Bể. Ông Thỏa cho biết: Sau ăn cơm tối khoảng 2 giờ đồng hồ, có 03 người trong gia đình xuất hiện triệu chứng buồn nôn và nôn. Sau đó được người nhà đưa đến viện lúc 22 giờ cùng ngày để cấp cứu, điều trị.
Cũng trong ngày 16/5, tại gia đình ông Sùng A Lý, thôn Phiêng Luông, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, sau bữa trưa có món nấm rừng cả 03 người đều bị ngộ độc, trong đó 02 người phải nhập viện.
Đến ngày 19/5, tại xã Bằng Thành (Pác Nặm), gia đình ông Triệu Dào Phấu đi hái được khoảng 2kg nấm rừng về nấu canh ăn. Đây là loại nấm màu trắng, có cây màu hơi đỏ. Sau đó, 08 người cùng ăn trong bữa đó đã bị ngộ độc thực phẩm phải vào Trung tâm Y tế huyện cấp cứu.
Việc hái và ăn nấm rừng rất dễ lẫn phải nấm độc, gây ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: Kim Dung)
Như vậy, từ ngày 16 đến 19/5/2024, trên địa bàn các huyện Pác Nặm và Ba Bể đã liên tiếp xảy ra 03 vụ ngộ độc, khiến 14 người phải nhập viện, rất may không có người tử vong. Cụ thể, huyện Pác Nặm xảy ra 02 vụ tại xã Công Bằng và Bằng Thành, khiến 11 người bị ngộ độc; huyện Ba Bể xảy ra 01 vụ tại thị trấn Chợ Rã, khiến 03 người bị ngộ độc. Qua điều tra ban đầu, các vụ bị ngộ độc trên đều nghi do ăn canh nấm rừng.
Lãnh đạo Phòng Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm(Sở Y tế Bắc Kạn) nhận định về nguy cơ ngộ độc nấm.
Ông Nguyễn Thanh Cao, Trưởng phòng Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết: Trên địa bàn tỉnh đang bước vào đầu mùa mưa, nên các loại nấm sinh sôi nhiều. Người dân tuyệt đối không nên ăn nấm lạ, nấm hoang dại, nấm có màu sắc sặc sỡ. Đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc. Các loại nấm mọc ở rẫy, rừng cần được kiểm chứng rõ nguồn gốc, tránh trường hợp ăn nhầm dẫn đến ngộ độc hoặc tử vong.../.
Ngành Y tế khuyến cáo:
Khi ăn phải nấm độc, tùy theo loại nấm mà có các biểu hiện ngộ độc khác nhau. Biểu hiện ngộ độc nấm cụ thể xuất hiện rất nhanh ngay sau khi ăn 20-30 phút; còn bình thường biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau 2-4 giờ, thậm chí xuất hiện muộn sau khi ăn 20 giờ. Ngộ độc càng muộn thì càng khó chữa, ngộ độc do ăn phải nấm độc thường có các biểu hiện chung như sau:
- Đau bụng dữ dội thành từng cơn, đi ngoài ra nhiều nước tanh, thối, dính máu
- Buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu
- Toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn
- Hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái
- Đi tiểu ít hoặc không đi tiểu được
- Khó thở do co thắt phế quản, ứ máu ở phổi
Khi biết ăn phải nấm độc cần xử trí như sau: Ngay sau khi ăn nấm mà có các biểu hiện trên cần ngay lập tức gây nôn bằng các cách như: Móc họng, ngoáy họng Sau đó đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.
Để đề phòng ngộ độc nấm, chúng ta cần:
- Không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên khi không biết rõ ràng đó là nấm độc hay nấm không độc.
- Kiểm tra nấm thật kỹ trước khi nấu, tuyệt đối không dùng nấm lạ.
- Khi không phải tự tay hái nấm hoặc chưa có người phân loại thành thạo nấm độc kiểm tra, tuyệt đối không được ăn nấm.
- Không ăn thử hoặc cho động vật ăn thử, vì có loại nấm xuất hiện ngộ độc rất muộn (sau 20-24 giờ), không thể biết được loại nấm đó độc hay không; nên rất nguy hiểm, có thể chết người nếu thử phải nấm độc.
- Không hái nấm non để ăn (vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm nên không xác định rõ được loại nấm). Không ăn nấm quá già.
- Khi bị ngộ độc nấm cần phải đưa tất cả những người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến các cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa và theo dõi.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/canh-bao-nguy-co-ngo-doc-an-nam-rung-post63621.html