Cảnh báo nguy cơ ngộ độc rượu methanol

Sau khi uống rượu chứa độc chất methanol, các triệu chứng nhiễm độc thường xuất hiện trong vòng 30 phút nhưng có thể muộn hơn tùy thuộc vào liều lượng mà người bệnh uống

Tỉ lệ tử vong do ngộ độc methanol gần 30%

Ngộ độc rượu "nóng" trở lại sau vụ việc diễn ra mới đây khiến 5 người ở tỉnh Bắc Kạn phải nhập viện sau bữa ăn tại một quán lẩu. Kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, mẫu rượu trắng còn lại trong chén mà bệnh nhân đã uống có hàm lượng methanol cao hơn 30 lần mức cho phép.

Trước đó, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn) tiếp nhận 5 trường hợp (gồm: 3 nam và 2 nữ) nhập viện do ngộ độc sau khi ăn lẩu và uống rượu tại quán lẩu Chiêm Còi, đường Thanh Niên, tổ 8, phường Sông Cầu, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.

Cuối tháng 8-2023, một vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Kiên Giang khiến 2 công nhân tử vong. Những người này sau khi nhận tiền lương đã rủ nhau ăn và uống rượu trắng. Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Kiên Giang kết luận, đây là vụ ngộ độc rượu do hàm lượng methanol vượt mức giới hạn theo tiêu chuẩn trên 435 lần.

Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu methanol, trong đó có nhiều trường hợp nặng, thậm chí tử vong. Tỉ lệ tử vong của bệnh nhân ngộ độc methanol tại đây là xấp xỉ 30%. Còn ở các cơ sở y tế tuyến dưới, con số này thậm chí lên đến 50%. Trong trường hợp bệnh nhân được cứu sống thì cũng sẽ chịu những di chứng nặng nề. Tại TP HCM, các bệnh viện trên địa bàn cũng thường xuyên tiếp nhận cấp cứu những ca ngộ độc rượu chứa methanol trong các cuộc gặp gỡ, nhậu, liên hoan, tiệc tùng...

Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc methanol tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc methanol tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Qua phân tích từ các vụ ngộ độc rượu, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc, tiếp đến là rượu ngâm cỏ cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu, rượu ngâm động vật... Đáng lo ngại là tình trạng ngộ độc do uống rượu pha từ cồn công nghiệp methanol có xu hướng gia tăng. Đây là chất rất độc, thải trừ chậm, ôxy hóa thành formol (formaldehyde) và axit formic. Chỉ cần uống 5-15 ml có thể gây ngộ độc nặng; 15 ml trở lên gây mù lòa; 30 ml có thể gây tử vong.

Tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu

Bác sĩ Nguyên cho biết các triệu chứng ngộ độc methanol thường gặp là buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê và tử vong. Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng rượu mà người bệnh uống. Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị người bệnh chủ quan và bỏ qua.

Lo ngại tình trạng ngộ độc rượu methanol sẽ tiếp tục "nóng", nhất là vào dịp cuối năm, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị các cơ quan chức năng liên quan tại các tỉnh, thành phố cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methanol; qua đó cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời. Đặc biệt, ngành Y tế cần phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, nhất là các cơ sở nấu rượu thủ công. Từ đó, ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đưa ra lưu thông trên thị trường.

Trước sự nhầm lẫn của người dân về các sản phẩm chứa hóa chất methanol với cồn sát trùng hoặc sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế, Bộ Y tế nhấn mạnh methanol là hóa chất dùng với mục đích là chất đốt, rửa dụng cụ, làm dung môi hóa chất xét nghiệm. Methanol không phải là thuốc, nguyên liệu làm thuốc và không được sử dụng cho mục đích sát khuẩn trong y tế.

Theo các chuyên gia, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn không phải do các loại rượu nấu truyền thống, mà là tình trạng các tiểu thương mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu giả, trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi bất chính và gây ngộ độc.

Nguồn NLĐ: https://thitruong.nld.com.vn//tieu-dung/canh-bao-nguy-co-ngo-doc-ruou-methanol-20231106161141697.htm