Cảnh báo những 'biến tướng' quanh di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Sau gần 7 năm kể từ khi UNESCO ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (tín ngưỡng thờ Mẫu) vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, vấn đề bảo tồn, phát huy di sản này đang phát sinh nhiều 'biến tướng', ảnh hưởng tới tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân…

Trao đổi tại hội thảo - hội nghị - tập huấn “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26 - 27/8, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng đến từ Đền Nguyên Khiết Linh Từ (Hà Nội) cho rằng, có những giá trị của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đang bị bóp méo. Theo ông Hùng, đây là di sản tâm linh chứ không phải di sản nghệ thuật trình diễn và phải thực hiện trong đền đài điện phủ.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh từ năm 2016.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh từ năm 2016.

Các pháp khí, đạo cụ, lời ca tiếng hát... đều mang tính thiêng nên không thể đem ra các không gian ngoài đền đài điện phủ. Nếu đưa hầu đồng ra khỏi không gian linh thiêng trước ban thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tức là biểu diễn giá trị hầu đồng. Chính vì sự thiếu hiểu biết về di sản, sự thả lỏng trong quản lý, thiếu tôn trọng cộng đồng chủ thể thực hành di sản nên nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng việc sân khấu hóa nhằm nhiều mục đích khác nhau, trong đó có cả lợi dụng việc kiếm tiền, kinh doanh, đã làm ảnh hưởng rất xấu tới giá trị của di sản.

Tại tham luận về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng và tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định: Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ gắn với tín ngưỡng, với tính thiêng, sự phụng thờ.

Đó là một chỉnh thể sống động không chỉ có nghi lễ hầu đồng, mà còn bao gồm nhiều thực hành khác. Từ khi được UNESCO ghi danh, các sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển, thậm chí có dấu hiệu “bùng nổ”. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng các cơ sở thờ tự là xu hướng tùy tiện, xô bồ trong bài trí đền, điện, ban thờ. Số lượng các thanh đồng, cung văn tăng lên nhanh chóng, tỷ lệ nghịch với chất lượng của đội ngũ này.

Trước đây, thông thường các thanh đồng phải tuân thủ quy ước tu dưỡng 12 năm khó nhọc “thử đồng” trước khi được làm đồng thầy. Hiện nay, nhiều người chỉ sau 3 năm, thậm chí mới ra đồng một năm đã tự phong cho mình là đồng thầy, hoặc chi tiền thuê pháp sư viết bừa sắc phong mình là đồng thầy.

Một số đồng thầy lợi dụng lòng tin của tín chủ để hăm dọa, phán bừa, trục lợi, nặng về trách phạt, dọa nạt gây tâm lý lo sợ, hoang mang, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống, sinh hoạt, làm mất đoàn kết trong gia đình, xã hội. Việc ban phát lộc còn nặng về vật chất, có sự phân biệt về quan hệ, vị thế, làm mất đi tính chất vô tư của văn hóa thờ Mẫu. Âm nhạc chầu văn phục vụ nghi lễ ngày càng tốt hơn, nhạc cụ đa dạng hơn, nhưng cũng có hiện tượng “thêm văn”, “nới văn” khá tùy tiện.

Trang phục trong thực hành nghi lễ hiện nay có khá nhiều cách tân nhưng yếu tố tâm linh mờ dần và thay thế là các yếu tố mang màu sắc thời trang, thời thượng, đôi khi xuất hiện cả những bộ y phục dị hợm, kỳ quái không mang bản sắc Việt. Vàng mã được sử dụng ngày càng nhiều và phô trương, thậm chí có những hình tướng mã kỳ quặc không có trong nghi lễ cổ truyền…

Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có một số văn bản quản lý để chấn chỉnh, song vẫn có không ít biểu hiện tiêu cực như: Những biến tướng, lợi dụng di sản để trục lợi, kiếm tiền, làm sai lệch giá trị di sản, xu hướng “hoành tráng hóa”, trần tục hóa, thương mại hóa di sản.

Về vấn đề này, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là một nhu cầu cấp thiết. Nhà nước chỉ đóng vai trò đưa ra đường lối, chính sách nhằm quản lý, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy hoạt động này.

Các tổ chức xã hội, các cá nhân, nhóm xã hội, cộng đồng có vai trò to lớn trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản nhưng có hiện tượng một số hội, nhất là các trung tâm, viện nghiên cứu trực thuộc hội ứng xử không nhất quán với các hoạt động của các đền, phủ đã tạo ra hiện tượng cạnh tranh và truyền thông của các ông bà đồng cũng như cơ sở thờ tự của họ gây ra những bức xúc không cần thiết.

Hiện tượng các tổ chức thuộc hội tiến hành phong tặng các danh hiệu khác nhau cho các cá nhân, cơ sở thờ Mẫu và nhóm nghệ nhân, thủ nhang rồi thu lệ phí in bằng, danh hiệu đã gây tai tiếng. Trong khi đó, không phải người làm nghề đều biết thực chất về các danh hiệu nên luôn sẵn sàng tham gia, đôi khi dùng chính những danh hiệu được phong tặng đó để hành nghề hoặc quảng bá cho danh hiệu đó một cách vô thức, gây mất uy tín.

Chưa kể, những danh hiệu không thực ấy có khi bị hiểu nhầm, được các cơ sở tín ngưỡng sử dụng như một chứng chỉ hành nghề còn tạo ra sự khó khăn cho chính quyền địa phương vì do các hội ở Trung ương cấp, vô tình tạo điều kiện cho những hoạt động bất hợp pháp và khuyến khích mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh…

Việc khai thác quá mức sự tham gia đóng góp của các thủ nhang, chủ đền, chủ điện, từ một số hội và những đơn vị trực thuộc các hội đó tạo ra một tâm lý lợi dụng để xin tiền, khiến một số chủ đền, điện và thủ nhang nhìn vào các hội với con mắt không thiện cảm.

Sự xô bồ của những danh hiệu, giấy chứng nhận, kỉ niệm chương, ghi danh và các tọa đàm, hội thảo, liên hoan, gặp gỡ, trong chừng mực nào đó không còn có ý nghĩa bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu, mà làm cho di sản cũng như danh hiệu bị nhàm chán, trần tục hóa, mất đi tính thiêng liêng và giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật của di sản.

GS.TS Lê Hồng Lý cũng khuyến cáo, sự tham gia của các tổ chức hội, thông qua các đơn vị thực nghiệm, nghiên cứu, khuyến khích các hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với các hình thức nghệ thuật như đưa lên sân khấu như một tiết mục nghệ thuật, hay tại các cuộc khai mạc hội nghị, hội chợ hay sự kiện văn hóa cần được hết sức lưu ý. Bởi vì giữa việc thực hành tâm linh và khai thác khía cạnh nghệ thuật của tín ngưỡng là hai việc khác nhau, nếu không sẽ làm mất đi những giá trị chân thực của nó.

N.Hoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/canh-bao-nhung-bien-tuong-quanh-di-san-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-i705191/