Cảnh báo 'nóng' sau vụ tai nạn thảm khốc làm 10 người tử vong ở Quảng Nam

Vụ tai nạn thảm khốc làm 10 người tử vong ở Quảng Nam một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc lái xe trong 'khung giờ đen' dễ mệt mỏi, buồn ngủ.

Ngày 15/2, Công an huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giữa ô tô khách và xe đầu kéo khiến 10 người tử vong, 11 người bị thương xảy ra trên địa bàn.

Theo công an, tài xế điều khiển xe container là ông Trần Minh Nhật (SN 1982) khai, rạng sáng 14/2, trong quá trình điều khiển xe trên đường Hậu cần cảng Tam Hiệp bất ngờ nghe tiếng rầm lớn.

Sau đó, tài xế đạp thắng dừng xe. Theo ông Nhật, trước khi xảy va chạm không phát hiện xe khách chạy trên đường Võ Chí Công vuông góc với xe của mình.

Làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban QTGT Quốc gia cho biết: Trên cơ sở dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam, thời điểm xảy ra tai nạn, xe khách chạy với tốc độ 69km/h, tốc độ xe container là 35km/h. Tuyến đường xảy ra vụ tai nạn cấm xe khách và xe tải lưu thông.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia ở hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ TNGT ở Quảng Nam. Ảnh: Ủy ban ATGTQG

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia ở hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ TNGT ở Quảng Nam. Ảnh: Ủy ban ATGTQG

"Biển báo cho phép 60km/h, xe khách lúc đó chạy 69km/h thì rõ ràng vượt quá tốc độ. Dù nguyên nhân, đúng sai chưa kết luận, nhưng xe khách chạy vào đường cấm, quá tốc độ cho phép", ông Hùng nói.

Trước đó, 1h45 đêm 16/1, tại đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cũng xảy ra vụ TNGT giữa hai xe khách BKS 36B-023.90 và 99B-017.96 di chuyển ngược chiều nhau khiến 1 người chết và 26 người bị thương.

Tiếp đến, hơn 2h sáng ngày 18/1, xe khách BKS 26F-001.34 do tài xế Nguyễn Đình Lực (SN 1981, trú tại tỉnh Hưng Yên) điều khiển theo hướng Hà Nội - Sơn La, đến Km130+500, Quốc lộ 6 (địa phận huyện Mai Châu) bất ngờ mất phanh rồi va chạm với 2 xe mô tô, khiến 4 người tử vong.

Cùng ngày, khoảng 3h45, tại Km 1543+900 quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận cũng xảy ra vụ TNGT giữa xe khách BKS 77B - 016.20 do anh Đặng Văn Bình (trú tỉnh Bình Định) điều khiển từ Khánh Hòa đi Ninh Thuận và xe container BKS 51D-105.02 kéo theo rơ moóc 51R-009.81 chạy cùng chiều phía trước. Cú đâm mạnh khiến 2 người tử vong và 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu.

Đầu năm 2023 liên tiếp xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng vào ban đêm, trong khoảng thời gian từ 0-6h sáng. Ảnh: Ủy ban ATGTQG

Đầu năm 2023 liên tiếp xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng vào ban đêm, trong khoảng thời gian từ 0-6h sáng. Ảnh: Ủy ban ATGTQG

Các vụ TNGT trên đều xảy ra trong khoảng thời gian 0-6h sáng. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm nghỉ ngơi theo nhịp sinh học của con người nên lái xe thường mệt mỏi và buồn ngủ.

Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận: Các vụ TNGT xảy ra vào ban đêm gần đây đa số liên quan đến xe khách hợp đồng, đi tuyến lạ trong khoảng thời gian từ quá nửa đêm đến rạng sáng, tâm lý chủ quan thường dẫn đến vi phạm tốc độ.

Ngoài ra, đối với vụ tai nạn ở Quảng Nam khiến 10 người chết, tài xế đi vào đường cấm có thể do đi vào ban đêm, khả năng nhận biết về tổ chức giao thông gặp khó khăn, là hành vi không cố tình.

Nhưng cũng không loại trừ khả năng cố tình đi vào với suy nghĩ chủ quan cho rằng mật độ phương tiện di chuyển ít có thể rút ngắn hành trình, tiết kiệm thời gian.

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần siết chặt các quy định khi vận chuyển trong thời gian ban đêm, quy định rõ lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ và quy định cụ thể người chịu trách nhiệm giám sát.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT về đêm là do sự chủ quan và thiếu tỉnh táo của người điều khiển phương tiện. Ảnh: Ủy ban ATGTQG

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT về đêm là do sự chủ quan và thiếu tỉnh táo của người điều khiển phương tiện. Ảnh: Ủy ban ATGTQG

Hiện đã có quy định các phương tiện vận tải phải lắp đặt camera giám sát hành trình, camera giám sát người lái để doanh nghiệp chủ động theo dõi, quản lý. Đồng thời truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay, chưa có công nghệ để khi tài xế có dấu hiệu lạ (ngủ gật, mệt mỏi, ốm đau bất ngờ) có thể đưa ra cảnh báo tức thời giúp doanh nghiệp kịp thời can thiệp.

Trên thực tế, việc khai thác triệt để nguồn dữ liệu này nhằm phục vụ mục đích đảm bảo an toàn khi lưu thông, nhất là mang tính dự báo, cảnh báo chưa được thực hiện đầy đủ.

"Trước mắt, để hạn chế TNGT vào ban đêm, cần tăng cường hệ thống ánh sáng, cảnh báo trên đường nhằm hỗ trợ quá trình di chuyển, nhận biết đường của tài xế. Dù trong kế hoạch TTKS của lực lượng CSGT đã đưa lỗi vi phạm tốc độ và yêu cầu tăng cường TTKS vào khung giờ ban đêm thường xảy ra TNGT nhưng cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa để nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB của người dân", Thượng tá Phạm Việt Công nhấn mạnh.

Cần quản lý chặt chẽ dữ liệu giám sát hành trình xe khách

"Trong vụ tai nạn ở Quảng Nam, xe khách được xác định xe hợp đồng trá hình, gom khách lẻ để chở, thậm chí chở quá số người quy định. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Sở GTVT các địa phương, có thực hiện và nắm được lịch trình, luồng tuyến, hợp đồng vận chuyển của xe khách này hay không. Để làm được và ngăn chặn các tai nạn tương tự, cần khai thác dữ liệu giám sát hành trình một cách triệt để và quản lý chặt chẽ hợp đồng vận chuyển của các xe", Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh.

Nhóm PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-bao-nong-sau-vu-tai-nan-tham-khoc-lam-10-nguoi-tu-vong-o-quang-nam-169230215152246335.htm