Cảnh báo rủi ro mà các doanh nghiệp gỗ Việt Nam gặp phải khi tiếp cận thị trường Trung Quốc

Dù là thị trường tiêu thụ lớn và là nguồn cung quan trọng cho ngành chế biến gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, nhưng các thông tin về thực trạng và động lực của thị trường Trung Quốc trong ngành gỗ của Việt Nam còn rất hạn chế.

Báo cáo “Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam - Trung Quốc” do nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) và Tổ chức Forest Trends công bố mới đây đã chỉ ra những hạn chế và rủi ro mà các doanh nghiệp gỗ Việt Nam gặp phải khi tiếp cận thị trường Trung Quốc. Theo đó, dù là thị trường tiêu thụ lớn và là nguồn cung quan trọng cho ngành chế biến gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, nhưng các thông tin về thực trạng và động lực của thị trường Trung Quốc trong ngành gỗ của Việt Nam còn rất hạn chế.

Trung Quốc hiện là một trong 3 thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam (cùng với Mỹ và Nhật Bản), luôn chiếm từ 10 - 12% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ.

Trung Quốc là một trong 3 thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam, luôn đạt tỷ trọng từ 10 - 12% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ (Ảnh: Int)

Trung Quốc là một trong 3 thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam, luôn đạt tỷ trọng từ 10 - 12% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ (Ảnh: Int)

Trong số khoảng 30 mặt hàng gỗ và sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, hơn 20 mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu và 10 mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm gỗ.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Trung Quốc. Trong giai đoạn 2015 - 2021, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng gỗ nguyên liệu đạt kim ngạch từ 843 triệu USD đến 1,4 tỷ USD/năm. Trong đó, dăm gỗ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt trội so với các mặt hàng gỗ khác vào thị trường Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu dăm dao động từ 553 triệu USD đến hơn 1,1 tỷ USD/năm, tương đương 54 - 77% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào ngành gỗ lớn nhất của Việt Nam. Trong giai đoạn 2019 - 2021, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu từ 661 triệu USD đến hơn 1 tỷ USD các mặt hàng này từ Trung Quốc, chiếm 25 - 37% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ hàng năm của Việt Nam từ tất cả các thị trường.

Báo cáo chỉ rõ, nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ Trung Quốc đang có xu hướng liên tục tăng mạnh qua các năm. Thặng dư thương mại trong xuất khẩu gỗ của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc đang giảm mạnh khi cán cân dần nghiêng sang nhập khẩu gỗ nguyên liệu nhiều hơn.

Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu cao hơn giá trị nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm gỗ khác từ 2,2 - 7,3 lần tùy theo từng năm. Cụ thể, trong khi kim ngạch nhập khẩu sản phẩm gỗ chỉ đạt từ 37 - 314 triệu USD/năm, thì gỗ nguyên liệu lên tới 220 - 704 triệu USD/năm.

Hai mặt hàng gỗ nguyên liệu Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc là ván bóc, ván lạng và gỗ dán. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu ván bóc, ván lạng có xu hướng tăng rất mạnh từ năm 2018. Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ván bóc, ván lạng đã đạt 108 triệu USD, tương đương 46% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả năm 2021.

Phương Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-thuong/canh-bao-rui-ro-ma-cac-doanh-nghiep-go-viet-nam-gap-phai-khi-tiep-can-thi-truong-trung-quoc-1087081.html