Cảnh báo số trẻ mắc COVID-19 gia tăng khi đi học trở lại
Theo các chuyên gia, nguy cơ trẻ mắc COVID-19 có khả năng gia tăng khi trẻ bắt đầu vào năm học mới, đi học trở lại.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại, ghi nhận nhiều bệnh nhân phải nhập viện và nhiều ca bệnh chuyển nặng.
Đặc biệt trong 7 ngày qua, số ca tử vong ghi nhận trung bình 1 ca/ngày. Các chuyên gia tiếp tục nhấn mạnh, tiêm vaccine vẫn là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 22/8, tổng số mũi tiêm vaccine COVID-19 triển khai ở nước ta là 254.786.196 liều.
Trong đó, trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, có tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại đạt 48%. Các địa phương có tỉ lệ tiêm thấp gồm Phú Yên (12,8%), Bình Thuận (24,6%), Bà Rịa-Vũng Tàu (14,4%), Đồng Nai (23,5), Bình Dương (22,7%).
Nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có tỉ lệ tiêm mũi 1 trên cả nước đạt 80,6%; mũi 2 đạt 51,2%. Trong đó, các địa phương có tỉ lệ tiêm thấp mũi nhắc lại ở đối tượng này gồm: Đà Nẵng (20,3%), Quảng Nam (17,2%), Khánh Hòa (29,4%), Bình Dương (27,2%).
Lý do tiến độ tiêm chủng cho nhóm trẻ thực hiện chậm được chỉ ra rằng, thời điểm nghỉ hè, trẻ cùng gia đình di chuyển nhiều nơi nên khó huy động trẻ đến tiêm. Bên cạnh đó, có hàng triệu trẻ các lứa tuổi đã mắc COVID-19 nhưng tình trạng bệnh nhẹ và phụ huynh không muốn cho con đi tiêm chủng vì cho rằng trẻ đã có miễn dịch tự nhiên hoặc trẻ chưa đủ thời gian tiêm vaccine sau khi mắc bệnh. Một số phụ huynh cũng có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, e ngại ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của trẻ nên không tích cực đưa trẻ đi tiêm.
Hiện, trong nước đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron (như BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc.
Khi thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, các chuyên gia cảnh báo, số trẻ mắc COVID-19 có thể gia tăng nhanh.
Nhiều trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc COVID-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí tử vong.
Nhiều trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu COVID-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi, gây hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường và đang gia tăng trở lại ở nước ta và trên thế giới. Nguyên nhân khiến số ca mắc tăng trở lại là do các chủng mới của SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh, đặc biệt là BA.4, BA.5
Hiện các địa phương đang tích cực đẩy mạnh tiêm vaccine cho trẻ.
Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa có chỉ đạo, trước ngày 25/8, có 100% trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19 và 80% trẻ được tiêm mũi hai. Trước ngày 5/9, có 100% trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vaccine.
Đây là yêu cầu quan trọng để giữ vững thành quả của tỉnh Quảng Ninh trong linh hoạt, chủ động thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là để học sinh Quảng Ninh bước vào năm học mới an toàn, không để học sinh phải học trực tuyến, không để dịch bùng phát trong trường học.
Tính đến 17h ngày 21/8, Quảng Ninh đã thực hiện được trên 4 triệu mũi tiêm; trong đó, người trên 18 tuổi tiêm mũi 1, mũi 2 đạt gần 100%, mũi 3 đạt trên 97% và mũi 4 cũng đã trên 80%.
Tại Hà Nội, Sở Y tế yêu cầu CDC Hà Nội đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của tiêm chủng, hiệu quả và sự cần thiết của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bằng những thông tin khoa học, thuyết phục, tập trung vào tiêm chủng liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, các mũi tiếp theo cho người từ 12 tuổi trở lên theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt cho các đối tượng nguy cơ cao, bệnh lý nền (bao gồm cả trẻ em) và các đối tượng khác.
Đến ngày 23/8, Bình Dương đã triển khai tiêm được hơn 7,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em từ 5-12 tuổi tiêm vaccine mũi 2 đạt khá thấp.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19, ưu tiên cho học sinh chuẩn bị vào năm học mới; đề nghị ngành y tế sẵn sàng các phương án ứng phó với biến thể mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiêm chủng...