Cảnh báo sớm: Hàng Việt vượt 'sóng' phòng vệ thương mại
Các vụ điều tra phòng vệ thương mại đang gia tăng, vì vậy cảnh báo sớm sẽ tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt trên thị trường xuất khẩu.
Nguy cơ suy giảm sức cạnh tranh
Việt Nam là một nền kinh tế đang có độ mở lớn, do đó xu hướng điều tra phòng vệ thương mại gia tăng không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện chuỗi cung ứng và thích ứng với luật chơi toàn cầu.
Theo ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), các chính sách bảo hộ đang xuất hiện trở lại dưới nhiều hình thức mới. Đặc biệt, các nước phát triển ngày càng siết chặt quy định liên quan đến chuỗi cung ứng, xuất xứ, lao động, môi trường, phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. Những hàng rào phi thuế quan này đang gây áp lực không nhỏ lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Doanh nghiệp gỗ đã chủ động hơn trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN
Thực tế cho thấy, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam không ngừng tăng trong những năm gần đây.
Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại, tính đến nay đã có 278 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trải dài từ những mặt hàng có kim ngạch lớn như thép, tôm, gỗ, dệt may… cho đến các sản phẩm ngách như đĩa giấy, khay đúc, máy cắt cỏ hay giấy bọc thuốc lá.
Ngay từ đầu năm 2025, nhiều thị trường đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp đối với một loạt mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Như, Canada khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với dây thép carbon và hợp kim thép nhập khẩu từ Việt Nam; Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sợi Elastomeric Filament Yarn...
Đánh giá về các vụ điều tra, theo Cục Phòng vệ thương mại những vụ việc gần đây có tính chất ngày càng phức tạp, quy mô điều tra mở rộng và thời gian xử lý kéo dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Việc rơi vào tầm ngắm điều tra của thị trường, theo ông Chu Thắng Trung sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu khi bị áp thuế. Trong trường hợp bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, giá thành sản phẩm tại thị trường xuất khẩu sẽ gia tăng. Đặc biệt, các nhà nhập khẩu sẽ e ngại hơn khi mua hàng từ các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước không bị áp thuế, dẫn đến suy giảm khả năng cạnh tranh so với các đối thủ từ quốc gia khác.
Ứng phó linh hoạt, hiệu quả
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, ông Chu Thắng Trung cho hay, Cục Phòng vệ thương mại đã có nhiều giải pháp linh hoạt và hiệu quả nhằm bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp. “Cục Phòng vệ thương mại luôn theo dõi chặt chẽ toàn bộ quá trình điều tra của nước ngoài để đảm bảo việc tuân thủ các cam kết quốc tế, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, pháp lý và chiến lược cho doanh nghiệp trong từng vụ việc cụ thể”- ông Trung cho hay.
Đặc biệt, trước sự biến đổi phức tạp không ngừng của thương mại không biên giới, một số nước mặc dù đã công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường song vẫn quy định và áp dụng những biến thể của kinh tế thị trường, như: Tình trạng thị trường đặc biệt hoặc các quốc gia buộc phải tuân thủ trong điều tra phòng vệ thương mại để áp đặt, đối xử với một số ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam thuộc quốc gia có nền kinh tế phi thị trường.
Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại đã liên tục đấu tranh, hỗ trợ các ngành sản xuất, xuất khẩu phản bác việc áp dụng các biến thể kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và trợ cấp của nước ngoài, giữ vững thị trường xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các địa phương kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, phát hiện sớm các dấu hiệu lẩn tránh, gian lận xuất xứ một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến các cuộc điều tra bất lợi từ nước ngoài.
Đáng chú ý, công tác cảnh sớm đang được đẩy mạnh. Cục Phòng vệ thương mại đã xây dựng và cập nhật thường xuyên danh sách các mặt hàng cảnh báo sớm gồm hơn 10 mặt hàng trong tổng số 36 mặt hàng có nguy cơ cao gửi tới các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp để có kế hoạch ứng phó từ sớm. “Các hoạt động cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp đã thu được một số kết quả tích cực, ấn tượng”- ông Trung cho hay.
Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp lý, tập huấn cho doanh nghiệp cũng được triển khai mạnh mẽ. Cục Phòng vệ thương mại thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương địa phương, các hiệp hội ngành hàng để tổ chức hội thảo, tư vấn trực tiếp, cung cấp thông tin cập nhật và tư vấn quy trình, chiến lược ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại.
Chủ động biến nguy thành cơ
Xu hướng bảo hộ thương mại chưa có dấu hiệu chững lại trong thời gian tới. Vì vậy, ông Chu Thắng Trung nhấn mạnh, doanh nghiệp phải chủ động trang bị kiến thức, xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, minh bạch nguồn gốc xuất xứ và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Song song đó, các hiệp hội ngành hàng cần làm tốt vai trò kết nối, cảnh báo và đại diện tiếng nói chung cho cộng đồng doanh nghiệp khi có rủi ro xảy ra. Về phía cơ quan quản lý, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cập nhật thông tin, mở rộng hệ thống cảnh báo sớm, hỗ trợ pháp lý và đào tạo chuyên sâu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn là lực lượng dễ tổn thương nhất khi xảy ra điều tra phòng vệ thương mại.
Cục Phòng vệ thương mại cũng sẽ tiếp tục tăng cường cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội ngành hàng.
Bên cạnh đó, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng đang nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp trước các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, thương vụ sẽ tiếp tục hỗ trợ thông tin đến các doanh nghiệp thông qua việc thường xuyên phân tích, tổng hợp, đánh giá tình hình của địa bàn, các quy định mới và cập nhật trên trang web của Thương vụ để các doanh nghiệp có thêm cơ sở thông tin để quyết định kinh doanh.
“Thương vụ thường xuyên cập nhật tình hình các vụ việc phòng vệ thương mại mà Canada tiến hành với các nước và các thay đổi chính sách trong lĩnh vực phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp và hiệp hội kịp thời điều chỉnh chiến lược đối phó”- bà Quỳnh cho biết.
Cảnh báo sớm các cuộc điều tra phòng vệ thương mại đã giúp cho nhiều doanh nghiệp tránh được rủi ro và tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại mà thị trường xuất khẩu áp dụng.
Từ đó giúp các doanh nghiệp giữ được thị trường, tăng tính cạnh tranh, ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.