Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới qua ứng dụng giả mạo 'Cổng dịch vụ công quốc gia'
Công an TP Đà Nẵng vừa phát đi cảnh báo về một thủ đoạn lừa đảo tinh vi, khi các đối tượng giả danh cán bộ Nhà nước để dụ dỗ người dân cài đặt ứng dụng độc hại, từ đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài sản.
Theo thông tin từ Công an TP Đà Nẵng, thời gian gần đây, các nhóm tội phạm công nghệ cao đang sử dụng thủ đoạn giả danh công an, cán bộ tòa án, ngân hàng hoặc cơ quan Nhà nước để thực hiện hành vi lừa đảo.
Chúng chủ động liên hệ với người dân qua điện thoại, yêu cầu xác minh thông tin cá nhân, đồng thời cung cấp đường link tải một ứng dụng có tên "Cổng dịch vụ công quốc gia".
Tuy nhiên, đây không phải là ứng dụng chính thống do cơ quan Nhà nước phát hành, mà là phần mềm giả mạo do các đối tượng tội phạm thiết kế nhằm chiếm quyền điều khiển thiết bị của nạn nhân.
Sau khi được cài đặt, ứng dụng sẽ âm thầm xâm nhập điện thoại, đánh cắp thông tin cá nhân, đặc biệt là dữ liệu tài khoản ngân hàng, từ đó thực hiện các giao dịch chuyển tiền trái phép.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới qua ứng dụng giả mạo "Cổng dịch vụ công quốc gia"
Đơn cử như mới đây, Công an phường An Khê (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vừa tiếp nhận đơn trình báo của chị T.T.T. (33 tuổi, trú tại phường An Khê) về việc bị lừa đảo mất hơn 130 triệu đồng.
Theo chị T., một đối tượng đã gọi điện thoại, tự xưng là cán bộ Nhà nước và thông báo cần xác minh một số thông tin liên quan đến hồ sơ cá nhân. Sau đó, người này hướng dẫn chị T. cài đặt ứng dụng "Cổng dịch vụ công quốc gia" để hoàn tất quy trình xác thực.
Tưởng là thật, chị T. làm theo hướng dẫn. Ngay sau khi ứng dụng được cài đặt, đối tượng đã chiếm quyền kiểm soát thiết bị từ xa, truy cập vào ứng dụng ngân hàng trên điện thoại của chị và thực hiện lệnh chuyển tiền ra khỏi tài khoản mà chị không hề hay biết.
Lực lượng chức năng cho biết, đây là một trong những hình thức lừa đảo ngày càng phổ biến trong thời đại số, khi người dân chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng nhận diện nguy cơ tội phạm mạng.
Các đối tượng thường đánh vào tâm lý hoang mang, sợ hãi của nạn nhân, sử dụng các từ ngữ mang tính chất cảnh báo pháp lý như "xác minh điều tra", "liên quan đến vụ án", "phong tỏa tài khoản"… để ép buộc người dân làm theo hướng dẫn.
Nhà chức trách cho biết, không có bất kỳ cơ quan Nhà nước nào yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, mật khẩu ngân hàng qua điện thoại, tin nhắn hoặc yêu cầu cài đặt ứng dụng từ đường link lạ.
Để phòng tránh bị lừa đảo, lực lượng công an khuyến cáo người dân cần ghi nhớ các nguyên tắc sau: Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng từ các đường link không rõ nguồn gốc, đặc biệt khi được gửi bởi người lạ hoặc qua các cuộc gọi xưng danh cơ quan chức năng.
Không cung cấp mã OTP, mật khẩu tài khoản ngân hàng hoặc thông tin cá nhân qua điện thoại, tin nhắn, email cho bất kỳ ai.
Luôn kiểm tra kỹ thông tin người gọi, liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng qua số điện thoại chính thống để xác minh.
Cảnh giác với các cuộc gọi yêu cầu phong tỏa tài khoản, điều tra hình sự hoặc xác minh thông tin khẩn cấp – đây có thể là dấu hiệu của lừa đảo.
Cơ quan chức năng đề nghị người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ hành vi lừa đảo tương tự, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất hoặc gọi đường dây nóng 113 để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.