Cảnh báo tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp chiếm đoạt tiền thuế
Cơ quan thuế cảnh báo, thời gian qua, một số đối tượng đã có hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, gian lận khi sử dụng hóa đơn nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.
Thủ đoạn lập "công ty ma", mua bán hóa đơn khống
Thời gian vừa qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, triệt phá đường dây in, phát hành, mua bán hóa đơn khống. Các đối tượng liên quan khai nhận từ năm 2018 đến nay đã dùng chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người thân và mua ở các tiệm cầm đồ để thành lập 49 “công ty ma” tại thành phố Hồ Chí Minh, 10 công ty khác tại Đồng Nai.
Sau khi lập công ty, các đối tượng tìm khách hàng, chào bán hóa đơn giá trị gia tăng ghi khống nội dung với mức giá thỏa thuận là 1,5 - 2% trị giá hóa đơn chưa thuế.
Riêng tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng đã lập 31 “công ty ma”, xuất khống hơn 20.000 tờ hóa đơn giá trị gia tăng cho gần 4.000 công ty khác nhau trên 35 tỉnh thành, trị giá ghi trên hóa đơn khoảng 4.000 tỉ đồng.
Cuối tháng 4/2023, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu đã phát hiện, triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với thủ đoạn tương tự. Một số đối tượng đã thành lập và mua lại một số "công ty ma", liên hệ với kế toán hoặc giám đốc các công ty có nhu cầu mua hóa đơn giá trị gia tăng với tỉ lệ từ 1,5% đến 2,5% giá trị hàng hóa trước thuế.
Tính đến thời điểm bị phát hiện, các đối tượng đã xuất bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép cho khoảng 20 công ty trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Nội..., ước tính giá trị hàng hóa trên 700 tỉ đồng.
Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý hóa đơn, chứng từ
Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo, người nộp thuế cần lưu ý những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ thường gặp như: sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn điện tử không đăng ký với cơ quan thuế; sử dụng hóa đơn chứng từ khống, hóa đơn không phản ánh đúng giá trị thực tế phát sinh…
Người mua hàng hóa, dịch vụ cần cảnh giác và chỉ nhận hàng và kê khai đúng với thông tin trên đơn đặt hàng. Đồng thời, người mua nên thường xuyên truy cập vào Hệ thống hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và ứng dụng di động “Tra cứu hóa đơn” của Tổng cục Thuế để tra cứu, đối soát hóa đơn, kịp thời phát hiện hóa đơn không hợp pháp.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế được quy định tại Điều 6 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 bao gồm:
Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan Thuế để chuyển giá, trốn thuế;
Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế;
Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế;
Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp;
Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ...;
Bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
Đối với hóa đơn, chứng từ, các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 5 Nghị định số 123/NĐ-CP ngày 19/10/2020:
Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn;
Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ;
Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.
Hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng (quy định tại Điều 28 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ). Hành vi trốn thuế còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, đã được sửa đổi bổ sung bởi điểm a, điểm b khoản 47 Điều 1 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017).