Cảnh báo về nạn đói trên thế giới do xung đột bạo lực
Một thực tế đầy nghịch lý và đau buồn đang diễn ra trong một thế giới hiện đại mà công nghệ phát triển như vũ bão, trí tuệ nhân tạo đang đi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội, đó là gần 300 triệu người trên khắp hành tinh đang sống trong cảnh thiếu đói nghiêm trọng.
Những con số biết nói về nạn đói
“Mạng thông tin an ninh lương thực” (FSIN) vừa thực hiện và công bố “Báo cáo về khủng hoảng lương thực toàn cầu 2025” (2025 Global Report on Food Crises) nhấn mạnh, gần 300 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng trong năm 2024. Con số này là mức cao nhất về nạn đói kể từ khi các cơ quan quốc tế bắt đầu thống kê về mất an ninh lương thực toàn cầu, trong đó đáng báo động hơn là phần lớn trong số này là nạn nhân trực tiếp của xung đột vũ trang và những cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài.

Người dân Palestine ở Dải Gaza không chỉ là nạn nhân của bom đạn trong xung đột vũ trang mà còn là nạn nhân của nạn đói nghiêm trọng
Theo báo cáo của FSIN, trong năm 2024, có khoảng 295,3 triệu người tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực ở “mức độ nghiêm trọng cao”. Đây là năm thứ sáu liên tiếp con số này tăng cao so với năm trước, 281,6 triệu người vào năm 2023, và không có dấu hiệu dừng lại. Những con số lạnh lùng ấy không đơn thuần là thống kê, mà là lời kêu cứu của hàng triệu người mẹ không thể cho con ăn no, của những đứa trẻ suy dinh dưỡng nặng đang gầy mòn từng ngày, của những gia đình bị đẩy ra khỏi nơi ở vì chiến tranh, nay còn phải vật lộn để sống sót vì không có đủ thức ăn.
FSIN - một nền tảng hợp tác quốc tế được đồng tài trợ bởi Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) - đã đưa ra đánh giá đáng báo động về tình trạng an ninh lương thực toàn cầu. Theo đó, tình hình chưa bao giờ nghiêm trọng như hiện tại và viễn cảnh trong tương lai gần cũng không hề sáng sủa.
Theo FSIN, xung đột và bạo lực được xác định là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nạn đói nghiêm trọng tại ít nhất 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, ảnh hưởng trực tiếp đến 140 triệu người. Khi bom đạn nổ ra, không chỉ có con người thương vong, mà cả hệ thống sản xuất, cung ứng và phân phối lương thực cũng bị phá hủy theo. Các vùng nông nghiệp bị cày nát bởi xe tăng, chợ búa không còn hoạt động, viện trợ không thể tiếp cận… tất cả hợp thành vòng xoáy hủy diệt sự sống.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định trong báo cáo: “Từ Dải Gaza, Sudan, Yemen đến Mali, nạn đói thảm khốc do xung đột và các yếu tố khác gây ra đang chạm mức kỷ lục, đẩy các hộ gia đình đến bờ vực của nạn đói”. Người đứng đầu tổ chức hòa bình, an ninh và phát triển lớn nhất hành tinh cảnh báo rằng, nạn đói và suy dinh dưỡng đang lan rộng nhanh hơn khả năng ứng phó của cộng đồng quốc tế.
Những gì diễn ra ở Dải Gaza là minh chứng điển hình nhất của thực trạng này. Trong xung đột với Phong trào Hồi giáo Hamas, Israel đã phong tỏa toàn diện, chặn mọi con đường đưa thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu vào vùng lãnh thổ này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn bộ 2,1 triệu người dân Dải Gaza đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, trong đó gần nửa triệu người đang đối mặt với mức độ thảm khốc của nạn đói. Trẻ em gầy gò ốm yếu, bệnh viện quá tải, bếp ăn khan hiếm thực phẩm… phác họa lên một thảm họa nhân đạo chưa từng thấy trong thế kỷ XXI. Tổng giám đốc WHO Tedros
Adhanom Ghebreyesus vì thế không giấu được sự phẫn nộ thốt lên: “Chúng ta không cần phải đợi tuyên bố nạn đói ở Dải Gaza để biết rằng người dân tại đây đang chết đói, ốm đau và chết dần chết mòn... Nếu không được tiếp cận ngay với thực phẩm và nhu yếu phẩm, tình hình sẽ tiếp tục xấu đi, gây ra nhiều ca tử vong hơn và nạn đói là điều không thể tránh khỏi”.
Từ nghịch lý đau lòng tới thôi thúc hành động của lương tri
Có nghịch lý đau lòng và khó chấp nhận là trong bối cảnh hàng trăm triệu người đang đói ăn thì 1/3 lượng thực phẩm sản xuất toàn cầu bị thất thoát hoặc lãng phí. Trong đó có cả những kho dự trữ viện trợ quốc tế đang “đắp chiếu” do thiếu nguồn lực triển khai và rút cắt ngân sách viện trợ. Hãng tin Reuters mới đây đưa tin, hơn 60.000 tấn thực phẩm viện trợ, tương đương khoảng 98 triệu USD, đang bị tồn kho ở Djibouti, Nam Phi, Dubai và Mỹ, có nguy cơ hết hạn và bị tiêu hủy. Số lượng này có thể nuôi sống hơn 1 triệu người trong 3 tháng, hoặc toàn bộ dân số Dải Gaza trong hơn một tháng. Vậy mà chỉ vì những trục trặc về tài chính, chính trị và vận hành, chúng bị bỏ mặc. Khoảng 500 tấn lương khô tại Dubai sẽ hết hạn vào tháng 7 tới, có thể bị tiêu hủy hoặc dùng làm thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, người dân tại nhiều vùng chiến sự đang cầu cứu từng mẩu bánh mì, từng viên thuốc kháng sinh để vượt qua cơn hấp hối.
Một phần nguyên nhân đến từ việc chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã cắt giảm mạnh chi tiêu cho viện trợ nhân đạo, làm tê liệt các chương trình hỗ trợ vốn phụ thuộc phần lớn vào đóng góp của Mỹ, quốc gia chiếm 38% tổng viện trợ toàn cầu. Nhiều tổ chức quốc tế cho biết, các hợp đồng đã bị hủy bỏ, dòng tiền thanh toán bị đóng băng, khiến thực phẩm bị mắc kẹt trong kho mà không thể đến tay người cần.
Báo cáo FSIN nhấn mạnh rằng, triển vọng năm 2025 không mấy khả quan trong việc giảm thiểu nạn đói đang hoành hành trên thế giới. Việc nhiều quốc gia tài trợ cắt giảm ngân sách khiến các hoạt động cứu trợ bị gián đoạn tại Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Haiti, Nam Sudan, Sudan và Yemen… là những điểm nóng đang phải gánh chịu nhiều cuộc khủng hoảng chồng chéo. Dự báo, nguồn tài trợ cho lĩnh vực lương thực nhân đạo sẽ giảm tới 45%, đồng nghĩa với việc hàng chục triệu người có nguy cơ chết đói trong im lặng. Tình trạng này không đơn thuần là thất bại về mặt hệ thống, mà là thất bại của nhân loại. Trong thời đại mà con người chuẩn bị xây dựng các công trình trên sao Hỏa, nạn đói lại đang giết chết trẻ em ở châu Phi, người già và trẻ em ở Dải Gaza, nông dân ở Yemen và người tị nạn ở Sudan. “Chúng ta không thể xử lý những chiếc bụng đói với đôi bàn tay trắng và sự thờ ơ” - báo cáo của FSIN lột tả đầy đủ sự bức xúc và bất lực của cộng đồng nhân đạo quốc tế hiện nay.
Để có thể giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn nạn đói, cộng đồng quốc tế cần khôi phục hoạt động và tăng cường viện trợ nhân đạo ngay lập tức. Lương thực, thực phẩm cứu trợ không phải không có mà điều cần thiết nhất lúc này là ý chí chính trị và nguồn lực vận hành. Viện trợ nhân đạo cần được ưu tiên chuyển đến những vùng đang ở trong tình trạng khẩn cấp như Dải Gaza, Sudan, Haiti, Nam châu Phi, nơi mà từng ngày trôi qua là thêm nhiều sinh mạng bị cướp đi vì đói.
Để đối phó với khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay, điều cấp thiết nhất là khôi phục và tăng cường nguồn viện trợ nhân đạo, đặc biệt cho những điểm nóng như Dải Gaza, vùng Sừng châu Phi, Afghanistan hay Haiti. Các chương trình phân phối lương thực phải được ưu tiên hàng đầu, với cam kết tài chính cụ thể và dài hạn từ các quốc gia giàu có. Nạn đói hiện nay không phải là vấn đề của riêng một quốc gia hay khu vực nào. Đó là thách thức toàn cầu đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, lương tri và sự hành động chung. Chấm dứt nạn đói toàn cầu không chỉ là mục tiêu đạo đức, mà còn là trách nhiệm và phép thử của lòng nhân đạo trong một thế giới còn những cuộc xung đột, bạo lực.