Cảnh báo về sai phạm trong sản xuất, công bố và quảng cáo mỹ phẩm
Trước thực trạng nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm vi phạm quy định trong quá trình công bố, ghi nhãn và quảng cáo sản phẩm, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan chấn chỉnh, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm trên địa bàn.
Theo Công văn số 3588/SYT-NVD do Sở Y tế Hà Nội ban hành, các cơ sở sản xuất, công bố và kinh doanh mỹ phẩm cần nghiêm túc rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất và hồ sơ công bố sản phẩm.

Trước ma trận mỹ phẩm hiện nay, người dân cũng cần nâng cao nhận thức khi lựa chọn sản phẩm làm đẹp.
Trước đó, trong quá trình hậu kiểm một số cơ sở theo Kế hoạch số 1660/KH-SYT và Quyết định số 631/QĐ-SYT, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm đáng lo ngại.
Các lỗi phổ biến bao gồm hồ sơ công bố sản phẩm không đầy đủ (thiếu mẫu nhãn, phiếu kiểm nghiệm, hồ sơ chất lượng, thông tin nguyên liệu...), công thức sản xuất không khớp với hồ sơ đã đăng ký, ghi nhãn sai quy định, gây hiểu lầm sản phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có công dụng phòng bệnh.
Ngoài ra, hoạt động quảng cáo mỹ phẩm trên internet, các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội cũng đang bị buông lỏng, với nhiều nội dung quảng cáo vượt quá tính năng thực tế, không đúng với bản chất mỹ phẩm hoặc khiến người tiêu dùng hiểu lầm là thuốc.
Điều này không chỉ vi phạm các quy định pháp luật về quảng cáo, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân nếu sản phẩm được tin dùng một cách mù quáng.
Để khắc phục tình trạng trên, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt các nội dung đã công bố, đảm bảo công thức sản phẩm đúng với hồ sơ được phê duyệt, lưu trữ đầy đủ và chính xác thông tin kỹ thuật để phục vụ kiểm tra khi cần thiết.
Đặc biệt, việc ghi nhãn sản phẩm phải thống nhất với hồ sơ công bố, không được sử dụng ngôn ngữ hoặc hình ảnh gây hiểu lầm mỹ phẩm là thuốc hoặc có tác dụng điều trị bệnh lý.
Đối với hoạt động quảng cáo, các đơn vị phải rà soát và điều chỉnh toàn bộ nội dung quảng cáo đang hiển thị trên mạng xã hội, website, nền tảng số, đảm bảo không vượt quá phạm vi công dụng đã được xác nhận. Sở Y tế cảnh báo sẽ xử lý nghiêm những trường hợp quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gây hiểu nhầm hoặc không đúng nội dung đã được cấp phép.
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, thị trường mỹ phẩm hiện nay đang phát triển bùng nổ nhưng thiếu kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt ở kênh trực tuyến.
Người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu làm đẹp, song chính vì thế lại dễ bị cuốn vào các sản phẩm “tự xưng” thiên nhiên, lành tính, trị mụn, trị nám, làm trắng da… mà không rõ nguồn gốc, thành phần hoặc không được kiểm định. Nếu sử dụng các sản phẩm này trong thời gian dài, nguy cơ dị ứng, viêm da, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe toàn thân là rất cao.
Sở Y tế nhấn mạnh rằng sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực mỹ phẩm, kể cả các cơ sở lớn nếu phát hiện sai phạm. Mục tiêu là thiết lập lại kỷ cương trong hoạt động sản xuất - kinh doanh mỹ phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước ma trận mỹ phẩm hiện nay, người dân cũng cần nâng cao nhận thức khi lựa chọn sản phẩm làm đẹp. Nên ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã được công bố hợp pháp, có kiểm nghiệm và được bán tại những kênh phân phối chính thống. Đồng thời, cần tỉnh táo với các lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội, không sử dụng sản phẩm không rõ thành phần hoặc không được cấp phép.
Quản lý mỹ phẩm không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng, mà còn là bài toán cảnh tỉnh cho doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh và cam kết vì sức khỏe cộng đồng. Làm đẹp là nhu cầu chính đáng, nhưng phải được đặt trong khuôn khổ an toàn, minh bạch và tuân thủ pháp luật.
Mỹ phẩm giả đang là vấn đề nhức nhối, thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận. Nhiều sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo trên mạng xã hội với những lời hứa hẹn như “trắng da nhanh chóng”, “trị nám tận gốc”, hay “tái tạo làn da như da em bé”… khiến người tiêu dùng dễ dàng bị lôi kéo, dù các quảng cáo thiếu bằng chứng khoa học.
Một ví dụ điển hình là kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body, do công ty của chồng ca sĩ Đoàn Di Băng phân phối. Sản phẩm này từng được quảng cáo rầm rộ với chỉ số SPF lên đến 50, mức bảo vệ tối ưu chống tia UV, nhưng khi kiểm nghiệm, chỉ số SPF thực tế chỉ đạt 2,4. Sản phẩm đã bị thu hồi và tiêu hủy trên diện rộng.
Không riêng kem chống nắng, trên thị trường còn nhiều sản phẩm mỹ phẩm quảng cáo sai sự thật, nội dung quảng cáo về sản phẩm vượt quá thực tế, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Trước thực trạng báo động này, Bộ Y tế đã nhanh chóng vào cuộc quyết liệt. Cục Quản lý dược phối hợp với các sở y tế địa phương trên cả nước tiến hành rà soát, kiểm tra chất lượng các loại mỹ phẩm, đặc biệt là kem chống nắng. Những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn về chỉ số SPF, không đúng hồ sơ công bố đã bị thu hồi, tiêu hủy và xử phạt nghiêm khắc.
Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, công tác kiểm tra không chỉ dừng lại ở giấy tờ, mà còn bao gồm lấy mẫu kiểm nghiệm thực tế để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Các vi phạm được phát hiện đều được xử lý kịp thời, minh bạch, góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực trên thị trường mỹ phẩm.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý trên môi trường số. Thời gian qua, nhiều nền tảng mạng xã hội trở thành “điểm nóng” của hoạt động quảng cáo sai sự thật, phóng đại công dụng, thậm chí lừa đảo người dùng.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định về quản lý mỹ phẩm, thay thế Nghị định số 93/2016/NĐ-CP. Theo Dự thảo, các sản phẩm mỹ phẩm lưu hành trên thị trường phải bảo đảm không gây hại cho sức khỏe con người khi sử dụng đúng theo hướng dẫn, thông tin ghi nhãn, dạng bào chế. Chủ sở hữu hoặc cơ sở sản xuất phải đánh giá tính an toàn của từng sản phẩm theo Hướng dẫn đánh giá tính an toàn mỹ phẩm của ASEAN.
Ngoài ra, mỹ phẩm phải đáp ứng các yêu cầu về giới hạn kim loại nặng, vi sinh vật và tạp chất dạng vết theo quy định tại các phụ lục cập nhật từ Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN (ACC). Bộ Y tế cũng sẽ công khai danh mục các thành phần bị cấm hoặc bị giới hạn nồng độ, hàm lượng, phạm vi sử dụng để các doanh nghiệp và địa phương nắm rõ.
Một điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo là các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung quảng cáo sản phẩm, mà không cần thực hiện thủ tục xác nhận với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nội dung quảng cáo bắt buộc phải phù hợp với bản chất sản phẩm, đúng công dụng được công bố, không gây hiểu nhầm là thuốc hoặc có khả năng điều trị bệnh.
Bộ Y tế đề xuất cấm tuyệt đối các hành vi lợi dụng uy tín của ngành y tế như sử dụng hình ảnh, tên tuổi, bài viết, trang phục của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế hoặc cơ sở y tế để quảng cáo. Đồng thời, nghiêm cấm sử dụng ngôn từ gây hiểu nhầm, phóng đại công dụng hoặc khẳng định tuyệt đối.
Bên cạnh nội dung quảng cáo, Bộ Y tế quy định rõ về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Cơ sở sản xuất phải có đội ngũ nhân sự được đào tạo về CGMP (thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm ASEAN), có đủ kinh nghiệm; nhà xưởng, thiết bị và hệ thống quản lý chất lượng phù hợp. Người phụ trách sản xuất và chất lượng phải có bằng đại học chuyên ngành phù hợp, làm việc toàn thời gian và có ít nhất 2 năm kinh nghiệm.
Dự thảo Nghị định khi hoàn thiện và được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý minh bạch, hiện đại, tiệm cận các tiêu chuẩn khu vực, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, lành mạnh hóa hoạt động quảng cáo, nâng chất lượng thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam.