Cảnh bệnh viện chật kín nhưng ICU thì không ở Mỹ

Mặc dù số ca nhập viện trong làn sóng dịch do biến chủng Omicron gây ra tăng lên, các bệnh viện tại Mỹ đang chứng kiến ít trường hợp nặng so với các đợt dịch trước.

Tại nhiều bệnh viện trên khắp nước Mỹ, các bác sĩ đang nhận thấy một điều khác lạ. Làn sóng Covid-19 lần này dường như không giống so với những đợt dịch trước.

Đối mặt biến chủng Omicron, một lần nữa, các nhân viên y tế lại rơi vào tình trạng kiệt sức. Số ca nhiễm tăng nhanh đến mức đáng kinh ngạc, khiến cho các giường bệnh bị lấp đầy và tăng nguy cơ lây nhiễm cho những bệnh nhân khác trong bệnh viện.

Tuy nhiên, các bác sĩ đang chỉ ra một điều khác biệt. Tại các điểm nóng của Omicron - từ New York, Florida cho đến Texas - tỷ lệ bệnh nhân nằm trong khu chăm sóc tích cực (ICU) hoặc phải thở máy ít hơn so với những đợt dịch trước.

Từ 50% đến 65% trường hợp nhập viện tại một số cơ sở y tế ở New York là đến bệnh viện khám vì các bệnh khác và sau đó xét nghiệm dương tính với virus, New York Times đưa tin.

“Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng số ca nhập viện. Nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh có vẻ khác so với các đợt dịch trước”, tiến sĩ Rahul Sharma, trưởng khoa cấp cứu tại bệnh viện NewYork-Presbyterian/Weill Cornell cho biết.

“Chúng tôi không phải chuyển nhiều bệnh nhân đến ICU. Chúng tôi cũng không phải đặt nội khí quản cho nhiều bệnh nhân”, ông nói.

Người nhiễm nhiều, ít ca chuyển nặng

Mặc dù vẫn còn quá sớm để dự đoán chắc chắn, sự thay đổi trong mô hình điều trị ở bệnh viện tại Mỹ phù hợp với những dữ liệu gần đây về biến chủng mới. Theo đó, nhiều nghiên cứu cho thấy Omicron ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ít gây nhiễm trùng phổi hơn, so với các biến chủng trước đó.

Một số khác lại nhận định tỷ lệ ca bệnh nặng thấp hơn là bởi nhiều người đã có miễn dịch do từng mắc Covid-19 hoặc đã tiêm chủng. Các bác sĩ cho biết đa số bệnh nhân nhiễm Omicron phải nằm phòng ICU đều chưa tiêm vaccine, hoặc có hệ miễn dịch yếu.

 Trong làn sóng dịch Omicron, tỷ lệ bệnh nhân chuyển vào khu chăm sóc tích cực (ICU) hoặc phải thở máy ít hơn so với những đợt dịch trước. Ảnh: Lynda M. González.

Trong làn sóng dịch Omicron, tỷ lệ bệnh nhân chuyển vào khu chăm sóc tích cực (ICU) hoặc phải thở máy ít hơn so với những đợt dịch trước. Ảnh: Lynda M. González.

Khi báo cáo vào đầu tháng 12 chỉ ra rằng các bệnh viện ở Nam Phi đang điều trị cho ít ca nhiễm Omicron nghiêm trọng, một số chuyên gia lưu ý mọi thứ vẫn chưa chắc chắn. Nam Phi có dân số tương đối trẻ, và một phần lớn bị nhiễm bệnh từ các đợt dịch trước. Điều đó có nghĩa họ có khả năng miễn dịch một phần.

Nhưng giờ đây, virus đã lây lan trên toàn thế giới. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy người nhiễm Omicron trong những tuần gần đây ít nguy cơ mắc bệnh nặng hơn so với các biến chủng khác.

Tình đến ngày 20/12, biến chủng mới đã gây ra hơn 90% các ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận tại bệnh viện Houston Methodist. Trong phân tích mới, các nhà nghiên cứu đã so sánh 1.313 bệnh nhân bị nhiễm Omicron tại Houston Methodist vào thời điểm đó, với người nhiễm các chủng khác như Delta hoặc Alpha.

Kết quả cho thấy ít hơn 15% bệnh nhân nhiễm Omicron giai đoạn đầu phải nhập viện, so với 43% bệnh nhân nhiễm Delta và 55% bệnh nhân nhiễm Alpha.

Trong số những người nhập viện, bệnh nhân Omicron cũng ít phải thở máy hơn và thời gian nằm viện ngắn hơn so với người nhiễm các chủng khác.

“Trung bình các trường hợp Omicron ít nghiêm trọng hơn. Đó rõ ràng là tin tốt cho bệnh nhân của chúng tôi”, tiến sĩ James Musser, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết.

Tại trung tâm y tế NYU Langone, tỷ lệ phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt ở người mắc Covid-19 thấp hơn 58% so với hồi tháng 1/2021, phát ngôn viên Lisa Greiner cho biết. Ở bệnh nhân Mount Sinai South Nassau, các bác sĩ cũng nhận thấy ít bệnh nhân cần chăm sóc tích cực hơn so với những đợt cao điểm trước đó.

Natalie Dean, nhà thống kê sinh học tại Đại học Emory ở Atlanta, cho biết mặc dù các báo cáo rất đáng khích lệ, vẫn còn quá sớm và chưa có đủ dữ liệu chi tiết để đưa ra kết luận chắc chắn về mức độ nghiêm trọng của Omicron.

Tiến sĩ Dean nói thêm trước đó, nhiều nghiên cứu lớn về nguy cơ nhập viện khi nhiễm Delta phải mất hàng tháng trời mới được đưa ra.

 Một phòng chờ trống bên ngoài khu ICU chuyên điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Covenant Healthcare ở thành phố Saginaw, Michigan. Ảnh: New York Times.

Một phòng chờ trống bên ngoài khu ICU chuyên điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Covenant Healthcare ở thành phố Saginaw, Michigan. Ảnh: New York Times.

Dù vậy, các bệnh viện, đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên do lây nhiễm chéo, vẫn đang phải chịu áp lực rất lớn. Tuy tỷ lệ nằm phòng ICU thấp hơn, số ca mắc tăng đồng nghĩa với việc số người nhập viện cũng cao hơn so với những tháng gần đây.

Tại thành phố New York, số ca nhập viện đã vượt qua mức ghi nhận trong đỉnh dịch vào mùa đông năm ngoái. Thống đốc Maryland, Larry Hogan, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào hôm 5/1.

“Chúng tôi đang bị ‘nghiền nát’”, ông Gabe Kelen, Giám đốc khoa cấp cứu Đại học Y khoa Johns Hopkins, cho biết.

Các chuyên gia cảnh báo số lượng bệnh nhân nằm phòng ICU vẫn có thể sẽ tăng lên trong những tuần tới. Đặc biệt là khi một số bang vẫn đang vật lộn với cả biến chủng Delta nguy hiểm.

Thách thức mới

Một số báo cáo chỉ ra rằng Omicron sẽ trở thành “kẻ thù" của các biến chủng trước đó và thay thế những phiên bản virus cũ. Khi đó, những thách thức mà hệ thống y tế phải đối mặt không phải là dự trữ thiết bị y tế. Thay vào đó, với chủng mới có khả năng lây lan nhanh, các cơ sở cần tăng cường nhân lực và đối phó với vấn đề lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

“Ngay từ đầu khi đại dịch bùng phát, chúng tôi đã lo lắng về việc cạn kiệt mọi thứ, như máy thở”, tiến sĩ Ryan Maves tại Trường Y khoa Wake Forest ở Winston-Salem cho biết.

“Giờ đây, nỗi lo thực sự là thiếu không gian giường bệnh, và thậm chí hơn thế nữa là nhân viên y tế", ông nói.

Số lượng lớn bệnh nhân Covid-19 nhập viện không có triệu chứng cũng tạo ra một thách thức bổ sung cho việc kiểm soát lây nhiễm.

Tại bệnh viện Langone Health của Đại học New York, khoảng 65% bệnh nhân đang được điều trị Covid-19 vào viện để khám bệnh khác và “tình cờ” được phát hiện nhiễm virus.

Các ca nhiễm ngẫu nhiên như vậy có thể gây ra rủi ro đáng kể cho nhân viên y tế và những người nhập viện vì vấn đề sức khỏe khác.

“Bạn vẫn cần phải đưa họ vào khu cách ly. Bạn vẫn cần phải đối xử với họ như những bệnh nhân có khả năng lây truyền virus trong bệnh viện. Và khi bạn có ít nhân viên hơn thì điều này thực sự gây vấn đề”, tiến sĩ Carlos del Rio, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Emory cho biết.

 Các y tá trong khoa cấp cứu tại Covenant Healthcare ở thành phố Saginaw, Michigan. Ảnh: New York Times.

Các y tá trong khoa cấp cứu tại Covenant Healthcare ở thành phố Saginaw, Michigan. Ảnh: New York Times.

Việc gia tăng các ca nhập viện đã gây thêm căng thẳng cho các bệnh viện đang quá tải. Thậm chí, nhiều cơ sở y tế đã phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân sự trước khi Omicron xuất hiện.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Sharma cho biết số ca mắc Covid-19 tăng xảy ra cùng lúc với các trường hợp nhập viện vì những bệnh lý khác tăng.

“Mọi người không sợ hãi khi đến bệnh viện như hồi năm 2020. Khối lượng công việc trong phòng cấp cứu gần như đã quay trở lại như trước dịch bệnh, nếu không muốn nói là hơn thế”, tiến sĩ Sharma nói.

Việc thiếu hụt nhân sự khiến nhiều bệnh viện phải cân nhắc giảm các ca phẫu thuật đã lên lịch trước.

“Chúng tôi hy vọng sẽ không phải hủy bỏ các ca phẫu thuật xếp lịch trước, nhưng chúng tôi đang phải cân nhắc điều này”, tiến sĩ Carlos del Rio tại bệnh viện Grady ở Atlanta nói.

“Thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng một số bệnh nhân còn phải tự hủy lịch hẹn phẫu thuật sau khi đến và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus", ông nói.

Minh An

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-benh-vien-chat-kin-nhung-icu-thi-khong-o-my-post1287689.html