Cảnh éo le của thư viện nằm giữa biên giới Mỹ – Canada
Thư viện và nhà hát kịch Haskell Free nằm giữa biên giới Mỹ và Canada – từng là nhân chứng cho sự khăng khít của hai bên biên giới, nhưng giờ lại là nạn nhân của sự căng thẳng trong mối quan hệ hai nước.
Bà Sylvie Boudreau là chủ tịch Hội đồng Quản lý thư viện và nhà hát kịch Haskell Free. Trong 120 năm qua, thư viện này nằm giữa biên giới tỉnh bang Quebec (Canada) và khu dân cư Derby Line, bang Vermont (Mỹ). Tại thư viện, ranh giới hai quốc gia được phân định bằng dải đường kẻ đen dán trên sàn phòng đọc sách dành cho trẻ em. Cửa vào thư viện nằm bên phía Mỹ.
Vị trí của thư viện không phải là ngẫu nhiên. Những người sáng lập muốn thư viện nhỏ này là hiện thân vật lý của sự chung sống thân thiện giữa Mỹ và Canada.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump có các động thái làm căng thẳng quan hệ song phương, bà Boudreau hiện rất lo lắng và đã tưởng tượng ra nhiều viễn cảnh.
Vì vậy, khi các nhà chức trách Mỹ gặp bà Boudreau vào tháng 3 và nói rằng họ đã quyết định đơn phương hạn chế quyền tiếp cận của người Canada đối với thư viện, bà không hề ngạc nhiên.
"Tôi đã rất tức giận. Kiểu như, điều này có thực sự cần thiết không?" – bà Boudreau nói.

Thư viện và nhà hát kịch Haskell Free. Ảnh: REUTERS
Vị trí độc đáo
Thư viện và nhà hát kịch Haskell Free có nguồn gốc từ một mối tình xuyên biên giới đầy lãng mạn. Bà Martha Stewart Haskell – một nhà từ thiện người Canada – đã thành lập thư viện và nhà hát kịch Haskell Free để tưởng nhớ người chồng quá cố Carlos Freeman Haskell – một chủ xưởng cưa giàu có ở bang Vermont. Thư viện cũng do một kiến trúc sư người Canada và một kiến trúc sư người Mỹ thiết kế và được mở cửa vào năm 1904.
Thư viện hoạt động dựa vào nguồn lực ở cả hai quốc gia. Nguồn điện để chạy các hoạt động của thư viện là từ Quebec, dầu của thư viện là từ Vermont. Thư viện có sách bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, nộp thuế thu nhập cho cả Canada và Mỹ. Trong nhà hát kịch, sân khấu nằm ở phần đất Canada và phần lớn ghế ngồi nằm trên đất Mỹ.
Vị trí độc đáo của thư viện từ lâu đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi ông cấm công dân từ một số quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, thư viện trở thành nơi đoàn tụ của các gia đình có người thân không thể nhập cảnh vào Mỹ. Vào những năm 1980, đây là địa điểm diễn ra một phiên tòa xét xử đặc biệt. Trong phiên tòa, các bị cáo người Canada ngồi ở phần đất Canada và các công tố viên Mỹ thẩm vấn họ từ phía đất Mỹ.
Nhưng chính vị trí độc đáo của thư viện cũng là nguyên nhân khiến nhà chức trách Mỹ bận tâm.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho rằng những kẻ buôn bán ma túy và buôn lậu đã lợi dụng việc người Canada có thể đi bộ qua biên giới trên một con đường gần thư viện để vào bên phía nước Mỹ mà không cần phải làm thủ tục hải quan. Bộ này cho biết đã có 147 vụ bắt giữ, 1 vụ dùng xe xâm nhập trái phép và 4 vụ tịch thu xe liên quan hoạt động bất hợp pháp xung quanh thư viện trong năm tài chính 2024.
Tuy nhiên, một số người sống gần khu vực hai bên biên giới cho rằng động thái hạn chế quyền tiếp cận của người dân Canada đối với thư viện là không có cơ sở và sẽ không có tác dụng trong việc ngăn chặn những hành vi tội phạm như Bộ An ninh Nội địa Mỹ đề cập. Ngược lại, người dân cho rằng động thái này có thể xem như một đòn tấn công có thể làm suy yếu mục đích thực sự của thư viện và đảo lộn cuộc sống của người dân khu vực biên giới.
“Tôi thực sự đau lòng khi chứng kiến những điều này xảy ra” – bà Kim Prangley, người điều hành thư viện trong hai thập niên qua, cho biết.

Dải đường kẻ màu đen đánh dấu vị trí biên giới Mỹ – Canada bên trong thư viện Haskell Free. Ảnh: REUTERS
Cánh cửa khác sẽ mở?
Người dân sống tại khu dân cư Derby Linn có mối quan hệ rất khắng khích. Họ từng cùng nhau kỷ niệm lệnh ngừng bắn chấm dứt Thế chiến I bằng một cuộc diễu hành xuyên biên giới. Mọi người cũng thường đi qua biên giới hàng ngày để làm việc.
Nhiều người nước ngoài đến đây cảm thấy rất ngạc nhiên vì khu vực biên giới tại đây từng chỉ được ngăn cách bằng một trụ đá hoa cương. Tuy nhiên, ngăn cách biên giới tại khu vực này ngày càng trở nên cứng chắc hơn.
Giờ đây, các cột đèn ở khu vực biên giới thậm chí còn có gắn camera. Các quan chức Mỹ cũng yêu cầu thư viện không tổ chức các buổi đoàn tụ các gia đình bị chia cắt vì các biện pháp kiểm soát nhập cư. Bên ngoài thư viện, một biển báo ghi rõ “không được tụ tập” được dựng lên và ghi bằng 6 thứ tiếng.
Sau chuyến thăm của Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kristi L. Noem đến thư viện vào tháng 1, tình hình tại khu vực này thêm căng thẳng. Tại khu vực có đường kẻ đen phân định biên giới Mỹ – Canada, bà Noem đứng bên phía Mỹ và nói “Nước Mỹ là số 1”, sau đó bà di chuyển sang phần đất Canada và nói “tiểu bang thứ 51”. Điều này khiến nhiều người gắn bó với thư viện cảm thấy không hài lòng.

Bên trong thư viện Haskell Free. Ảnh: NEW YORK DAILY NEWS
Giữa lúc đó, khi phía Mỹ hạn chế quyền tiếp cận của người dân Canada đối với lối vào thư viện, bà Boudreau có kế hoạch chuyển đổi lối thoát hiểm ở phía Canada thành một lối vào khác cho thư viện. Tuy nhiên, cả hai bên Mỹ, Canada cần phải đồng ý với đề xuất này thì bà Boudreau mới có thể mở cánh cửa mới cho thư viện.
"Những gì đang xảy ra tại Haskell Free là loại bỏ các không gian xuyên biên giới đặc biệt. Chúng là biểu tượng của lòng tin sâu sắc và tình hữu nghị giữa Mỹ và Canada, nhưng đáng buồn là tình hữu nghị này đã bị xói mòn nghiêm trọng” – ông Edward Alden, nhà nghiên cứu tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết.
Nguồn PLO: https://plo.vn/canh-eo-le-cua-thu-vien-nam-giua-bien-gioi-my-canada-post843698.html