Cảnh giác 'sập bẫy' lừa đảo trong thương mại quốc tế
Trong thời gian qua, không ít vụ việc lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế với nhiều bài học đắt giá đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải cảnh giác về nguy cơ lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế.
'Bẫy' lừa đảo rất tinh vi
Vừa qua, 5 lô hàng hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi... trị giá hơn 500.000 USD xuất khẩu sang Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bị nghi lừa đảo.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, vụ việc xuất phát từ việc doanh nghiệp Việt đã ký với Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC, đơn vị mua hàng tại Dubai thanh toán lô hàng theo hình thức nhờ thu hộ D/P. Tức toàn bộ chứng từ gốc sẽ được chuyển từ ngân hàng bên bán của Việt Nam qua ngân hàng bên mua tại Dubai.
Sau khi xuất các container hàng, phía ngân hàng phía Dubai xác nhận đã nhận được bộ chứng từ phía Việt Nam, tuy nhiên không rõ lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng. Tiếp đó, các doanh nghiệp Việt Nam kiểm tra trên hệ thống hãng tàu phát hiện cả 4 container hàng đều biến mất khỏi cảng.
Được biết, đến nay 4 lô hàng hồ tiêu, quế và điều đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán. Còn 1 lô hàng hoa hồi, bộ chứng từ gốc đã bị mất, được giữ tại cảng ở Dubai.
Hiện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại UAE đang phối hợp các cơ quan nước sở tại lấy lại quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Vụ việc này một lần nữa cho thấy những rủi ro trong thương mại quốc tế. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp xuất khẩu đã phải đối diện với nguy cơ bị lừa gạt, chịu thiệt hại về tài sản, hàng hóa khi chủ quan và thiếu hiểu biết về đối tác của mình trong các giao dịch xuyên biên giới.
Trước đó, vụ việc lừa đảo xuất khẩu điều sang Italy vào đầu năm 2022 là bài học đắt giá. Theo đó, 5 doanh nghiệp Italy ký kết hợp đồng mua 100 container hạt điều tương đương 20 triệu USD với 6 doanh nghiệp hạt điều Việt Nam thông qua một công ty môi giới
Có 74 container đã được giao sang Italy, trong số 74 container có 35 container hạt điều chúng ta mất quyền kiểm soát bộ chứng từ gốc, mất quyền kiểm soát ở tất cả các cơ quan: ở cảng, hải quan, cảnh sát kinh tế, luật sư, các cơ quan hữu quan… 39 container còn lại có bộ chứng từ gốc là cơ sở xem xét nếu container chưa tới cảng Italy thì có thể chở ngược lại Việt Nam, còn nếu đã tới Italy chúng ta có thể xử lý được.
Từ nguy cơ mất trắng, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước và cơ quan công quyền của Italy, số container hạt điều này đã được lấy lại toàn bộ.
Nguyên nhân xảy ra vụ lừa đảo nêu trên, chủ yếu là do doanh nghiệp quá tin tưởng vào đối tác môi giới. Doanh nghiệp cũng không kiểm tra thông tin đối tác mua hàng, trong khi thị trường Italy lâu nay vốn rất ít mua mặt hàng này từ Việt Nam. Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo rất tinh vi, địa chỉ ghi trên chứng từ đều là địa chỉ giả, là nhà của dân thường, hoặc nhà bỏ hoang, ở thị trấn vùng biên.
Tội phạm đã đánh trúng vào tâm lý của doanh nghiệp là mong muốn bán được hàng trong thời gian dịch bệnh, thị trường ít giao dịch. Trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp không cảnh giác nên vô tình để lộ, lọt mã code vận đơn khi đối tác môi giới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp với lý do để giao hàng đi trước thời hạn…
Hạn chế rủi ro khi xuất khẩu sang các thị trường
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thống kê của Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu cho thấy, các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD.
Theo một khảo sát của PwC năm 2022 tại Việt Nam, 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế khác trong 2 năm trước thời điểm khảo sát. Đây là mức cao hơn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (46%).
Thực tế mấy năm gần đây, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công Thương và một số đơn vị liên quan cũng liên tục có cảnh báo về lừa đảo thương mại quốc tế với rất nhiều hình thức ngày càng tinh vi.
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp rơi vào tình huống tranh chấp, lừa đảo là do doanh nghiệp không kiểm tra thông tin đối tác môi giới, thị trường, ngân hàng, phương thức thanh toán. Mặt khác, đa số doanh nghiệp vẫn giấu giếm thông tin, không trao đổi, chia sẻ với đồng nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước… vì tâm lý sợ lộ thông tin, sợ mất đơn hàng.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, một điểm chung trong vụ 76 container hạt điều ở Italy năm ngoái và 5 container hồ tiêu, hạt điều, quế, hồi ở UAE năm nay là việc doanh nghiệp xuất khẩu đều dính lỗi chuyển phát chứng từ giao bộ chứng từ cho người không có thẩm quyền tại ngân hàng phía người mua. Đây là “lỗ hổng” của quy trình kinh doanh, dẫn đến bộ chứng từ bị lọt ra ngoài, trong khi người mua chưa thanh toán cho ngân hàng.
Để tránh rủi ro, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo, doanh nghiệp nên thông qua tổ chức đánh giá tín nhiệm hoặc các tổ chức tư vấn doanh nghiệp. Họ có sẵn một kho dữ liệu lớn, cập nhật thường xuyên để có thể đánh giá được tình trạng của các doanh nghiệp. Các tổ chức như vậy có rất nhiều, song doanh nghiệp phải chấp nhận trả phí. Cùng với đó, thông qua tổ chức, hiệp hội ngành hàng, VCCI, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, một phương thức để doanh nghiệp có thể hạn chế rủi ro là thông qua các doanh nghiệp dịch vụ logistics uy tín. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp phải luôn chủ động nâng cao nhận thức thông qua việc làm việc với các đơn vị tư vấn luật hoặc luật sư trong suốt quá trình kinh doanh chứ không phải chỉ khi tranh chấp xảy ra.
Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên chia sẻ, cập nhật thông tin, nâng cao ý thức cảnh giác với những dấu hiệu bất thường như người mua sử dụng địa chỉ email miễn phí để giao dịch; người mua đưa ra những yêu sách dồn dập, thường xuyên thay đổi; người mua lảng tránh việc gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp; người mua đặt mua những lô hàng đầu với số lượng nhỏ, thanh toán đầy đủ sau đó đột nhiên đặt hàng với số lượng lớn…
Tư vấn để tránh rủi ro cho doanh nghiệp, bà Dương Mai Hoa, Cố vấn cao cấp công ty Luật TNHH LNT& Partner cho rằng, không quá phụ thuộc vào thông tin do các công ty môi giới cung cấp, cần tự mình tiến hành xác minh thông tin khách hàng dự kiến giao dịch.
Trong khi đó, việc lựa chọn các bên môi giới có uy tín cao trên thị trường sẽ giúp công ty hạn chế rủi ro gặp phải các khách hàng kém chất lượng, lừa đảo; cần hiểu biết về các điều khoản trong hợp đồng và tham khảo thông tin từ các thương vụ để được hỗ trợ.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường thông tin dự báo, thường xuyên cập nhật, tập huấn về các phương thức lừa đảo cho doanh nghiệp, ngành hàng, quy trình xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố (cách thức phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan) cũng như kỹ năng phòng tránh lừa đảo, tranh chấp trong thương mại quốc tế…