Cảnh giác và đối mặt với Whitmore
Nữ bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch, hai cánh mũi đã bị vi khuẩn tấn công do nhiễm bệnh Whitmore nhưng ở tuyến dưới lại chẩn đoán nhầm thành nhiễm trùng huyết do tụ cầu.
Trong tháng 8, Trung tâm Bệnh nhiệt đới tiếp nhận 12 ca bệnh Whitmore thì có 4 ca tử vong. Sau đó, liên tiếp các ca bệnh Whitmore xuất hiện ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Nguyên do bệnh nhân tiếp xúc với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei có trong đất, bùn. Các bác sĩ cảnh báo đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể tử vong ngoài 48h và tỉ lệ tử vong lên tới 40%.
Phát hiện muộn - tử vong nhanh
Trường hợp nữ bệnh nhân bị vi khuẩn tấn công cánh mũi nếu không được chẩn đoán đúng bệnh, vẫn ở tuyến dưới điều trị, nguy cơ tử vong là rất cao. Theo các bác sĩ tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đây là trường hợp mắc bệnh Whitmore khá hy hữu khi vi khuẩn đã tấn công toàn bộ cánh mũi của bệnh nhân. Nhìn ảnh cánh mũi chị, ai cũng thấy rùng mình lo ngại.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước khi đến đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết do tụ cầu. Các bác sĩ ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới cấy máu và mủ ở vết thương của bệnh nhân cho kết quả dương tính với vi khuẩn Whitmore. Rất may bệnh nhân chỉ tổn thương da, phần mềm ở cánh mũi, chưa tổn thương đến xương.
Sau 2 tuần điều trị, vết thương đã hết mủ và đang lên da non. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tiếp tục giai đoạn duy trì bằng thuốc và điều trị trung bình ít nhất 3 tháng, được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, nếu không bệnh sẽ có khả năng tái phát, khi đó tỷ lệ tử vong rất cao.
Ngoài 20 ca bệnh Whitmore điều trị ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai từ đầu năm 2019 đến nay, liên tiếp trung tuần tháng 9 này, tại Hà Tĩnh, Nghệ An và Thái Nguyên xuất hiện các ca bệnh Whitmore. Ngày 9-9, ông Đặng Xuân Hà (61 tuổi, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh trong tình trạng sốt cao, ngón chân phải có khối áp-xe, sưng, chảy dịch mủ hôi. Sau khi lấy máu xét nghiệm, kết quả ông Hà bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei - bệnh Whitmore. Vi khuẩn đã tấn công ngón chân của ông Hà khiến ông bị nhiễm trùng nặng, phải chuyển tuyến trên điều trị.
Khai thác tiền sử của ông Hà được biết, ông bị bệnh đái tháo đường type II, biến chứng loét ngón 2 bàn chân phải mà vẫn làm việc đồng áng và tiếp xúc với bùn đất nhưng không có biện pháp bảo hộ nên đã bị vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tấn công qua vết loét.
Từ tháng 7 đến tháng 9, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận 3 bệnh nhi có biểu hiện sốt, sưng đau tuyến mang tai, gia đình tưởng các cháu bị quai bị nên không đưa đến cơ sở y tế thăm khám. Chỉ đến khi vết sưng khiến trẻ sốt cao, chảy mủ, đau đớn khó chịu, các cháu mới được gia đình đưa đến viện. Các bác sĩ lấy máu xét nghiệm, cấy mủ và phát hiện cả 3 bệnh nhi đều nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei - bệnh Whitmore. Sau khi điều rị kháng sinh liều cao 50 ngày, 1 bệnh nhi đã xuất viện, 2 bệnh nhi còn lại vẫn đang tiếp tục điều trị.
Nam bệnh nhân 45 tuổi được phát hiện gần đây nhất là vào ngày 15-9 tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Bệnh nhân này ở huyện Võ Nhai, trước đó đi làm đồng và bị bừa đâm vào mặt ngoài gối phải. Bệnh nhân mua kháng sinh về uống nhưng 10 ngày sau vết thương vẫn sưng đỏ, chảy dịch mủ, hình thành ổ áp-xe và sốt. Thấy nguy kịch, anh này được gia đình đưa tới viện. Sau khi phẫu thuật nạo tổ chức viêm, các bác sĩ cấy mủ và phát hiện vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Khi biết thông tin mình mắc bệnh Whitmore, bệnh nhân khá bàng hoàng, không nghĩ chỉ một vết thương nhẹ mà có thể mất mạng nếu không điều trị kịp thời. Theo các bác sĩ, bệnh nhân đang được điều trị kháng sinh liều cao theo phác đồ trị bệnh Whitmore và phải nằm viện thời gian dài.
Trực khuẩn Whitmore là một loại vi khuẩn gram âm, có thể tồn tại trong bùn, đất và lây nhiễm cho con người thông qua các vết xước, vết thương ngoài da, Ngoài ra có thể lây qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Vi khuẩn Whitmore khi xâm nhập vào cơ thể, có thể ủ bệnh kéo dài trung bình từ 2-21 ngày.
Nguy hiểm của bệnh là khi khởi phát bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48h nhập viện. GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Viện Bệnh nhiệt đới Trung ương giải thích cho chúng tôi như vậy. Hiểu rõ căn bệnh để phòng tránh là tốt nhưng cũng cần hết sức bình tĩnh. Vậy Whitmore có thực sự đáng sợ đến thế không?
Whitmore có phải là bệnh “ăn thịt người”?
Trong những ngày qua, dư luận lo ngại về bệnh Whitmore và nghĩ đó là bệnh “ăn thịt người”. Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết, đây không phải là bệnh “ăn thịt người” như thông tin trên một số báo. PGS.TS Bùi Vũ Huy, cố vấn Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khẳng định bệnh Whitmore không phải bệnh “ăn thịt người” như một số báo giật tít trong thời gian qua.
PGS.TS Bùi Vũ Huy giải thích với chúng tôi, bệnh nhiễm khuẩn Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Ở trẻ em thường có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng, nhiễm độc và biểu hiện sưng tuyến mang tai thường gặp hơn các triệu chứng khác. Ở người lớn bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm phổi, sau đó tới viêm da, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng huyết...
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có độc tính cao hơn một số vi khuẩn khác. Bệnh thường gặp ở người có miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, gan, thận nên diễn biến bệnh thường phức tạp, nặng nề hơn, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kháng sinh phù hợp...
TS Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội - người đã có 11 năm nghiên cứu về căn bệnh Whitmore cho biết, ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh vào năm 1925, sau đó bệnh cũng được ghi nhận ở Hà Nội và Huế vào năm 1926 và 1936. Trong chiến tranh, ghi nhận có hàng trăm binh lính Mỹ phơi nhiễm căn bệnh này. Do y tế nước ta ngày đó cũng như sau giải phóng còn rất khó khăn và thiếu thốn, chưa thể làm chủ kỹ thuật xét nghiệm bệnh.
Bên cạnh đó, chúng ta còn phải đối diện với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, lao, HIV, sốt xuất huyết... nên Whitmore chưa được quan tâm thực sự. Xét nghiệm vi sinh ở nhiều bệnh viện chưa được đầu tư đúng tầm, dẫn đến căn bệnh đã bị lãng quên. Thời gian gần đây, do nhiều bệnh viện đã chú trọng triển khai xét nghiệm vi sinh, dần làm chủ được kỹ thuật xét nghiệm và từ đó phát hiện ra các ca bệnh. Vì vậy, thực tế sự gia tăng về số lượng ca bệnh trong thời gian qua không phải là do sự bùng phát về dịch bệnh mà là do chúng ta đã xét nghiệm được đúng bệnh.
Còn theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bản chất của vi khuẩn này không gây ra dịch bệnh mà nó gây ra các ca bệnh tản phát nhưng dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề. Đơn cử như nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ và đặc biệt là tổn thương vào phổi - virus này gây ra tổn thương ở phổi giống như là tụ cầu, của bệnh lao nên làm cho các bác sĩ dễ nhầm lẫn về chẩn đoán.
Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, bệnh nhân được nhập viện từ chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ-xương-khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa... nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp-xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu... Vì một số trường hợp chẩn đoán nhầm, lên tuyến trên trong tình trạng muộn, bệnh tình trở nặng đã tử vong.
Nhưng theo các bác sĩ, bệnh này ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán đúng, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh tấn công liều cao truyền tĩnh mạch kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng.
Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong do Whitmore còn cao, lên tới 40%.
Bệnh không lây từ người sang người, không gây ra dịch
GS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định, bệnh Whitmore không lây từ người sang người, những ca bệnh này vẫn thường xuyên có mặt và không gây ra dịch. Những năm qua Việt Nam đã phát triển bộ kit xét nghiệm nên chẩn đoán Whitmore được tốt hơn, việc phát hiện các ca bệnh cũng được nhiều hơn. Nước ta là nước nhiệt đới, đông dân, người dân chân lấm tay bùn, trong khi vi khuẩn bệnh Whitmore luôn có trong bùn, đất, người nào không có miễn dịch đủ mạnh mới có thể nhiễm bệnh.
Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, trong những bệnh cảnh của bệnh này có nhiễm khuẩn huyết, cũng như nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác, có tình trạng bệnh nặng hơn, tiên lượng xấu và nguy cơ tử vong cao. Bệnh Whitmore nếu người khỏe mạnh không may mắc phải, được phát hiện điều trị hợp lý sẽ điều trị khỏi, không để lại di chứng. Nhưng nếu bệnh rơi vào những người già, yếu, miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính thì sẽ có nhiều nguy cơ hơn, diễn tiến phức tạp hơn, khó chữa hơn.
Whitmore là loại bệnh ít gặp, mà đã ít gặp thì việc phát hiện, định danh vi khuẩn cũng khó khăn hơn. Nhưng điều này cũng không ảnh hưởng nhiều tới việc điều trị. Chỉ cần bác sĩ xác định đúng đây là bệnh nhiễm khuẩn thì sẽ có chỉ định dùng kháng sinh. Theo nguyên tắc, sau khi dùng kháng sinh từ 48 đến 72 giờ mà không có dấu hiệu thuyên giảm, bác sĩ sẽ đổi kháng sinh.
Đồng thời bệnh nhân có các triệu chứng và yếu tố nguy cơ như đã nói ở trên, cần nghĩ tới bệnh Whitmore và chỉ định điều trị bằng ceftazidim. Đây là kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 rất phổ biến ở các bệnh viện, điều trị hiệu quả bệnh Whitmore.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, Whitmore là bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa. Do vậy, để phòng bệnh, người dân nên giữ gìn vệ sinh thân thể, chăm sóc sức khỏe. Nếu cơ thể bị trầy xước, cần xử lý cẩn thận vết thương. Ở những người già yếu, có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch cần tránh tiếp xúc với môi trường mất vệ sinh, hạn chế tiếp xúc bùn đất, nguồn nước bị ô nhiễm. Việc đến khám sớm là cần thiết trong tất cả các trường hợp mắc bệnh, không riêng gì bệnh Whitmore.
“Đến bác sĩ khám sớm để được tư vấn sớm, phù hợp, không để trễ mất thời điểm chữa bệnh hiệu quả nhất, nên tránh tình trạng để bệnh trở nên nặng hơn, khó chữa hơn. Và một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, bệnh Whitmore không lây từ người sang người, không đáng sợ như bạn tưởng” - PGS Bùi Vũ Huy.
Tháng 10-2019, hội thảo toàn cầu lần thứ 9 về bệnh Whitmore sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đây là sự kiện khoa học lớn của cộng đồng các nhà khoa học nghiên cứu về bệnh Whitmore trên toàn thế giới.
Đến thời điểm hiện tại đã có gần 170 đại biểu đăng ký trình bày tại hội thảo. Đây là cơ hội tuyệt vời để nhiều nhà nghiên cứu cũng như các bác sĩ của Việt Nam tiếp cận với các kiến thức khoa học mới nhất của thế giới về bệnh Whitmore.