Cảnh giác với 'bệnh' tự phụ, huyễn hoặc bản thân

Tự tin là một đức tính tốt mà ai cũng cần có. Tự tin giúp bản thân mỗi người dũng cảm đối mặt, vượt qua những thách thức, khó khăn trong công việc, cuộc sống. Nhưng nếu không khiêm tốn, chịu khó tu dưỡng rèn luyện thì tự tin rất dễ biến thành thói tự phụ, chủ quan, kiêu ngạo, mang lại những hệ lụy xấu... Trang 'Ý kiến chiến sĩ' ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.

Đại tá TRẦN HOÀI NAM, Chính ủy Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4:

Thói tự phụ dẫn đến kiêu căng, ảo tưởng

Thái độ sống của mỗi người sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người đó. Một trong những tính cách xấu, được ví như “căn bệnh nan y” là thói tự phụ. Nói theo một cách đơn giản thì tự phụ là mức độ tự tin quá cao dẫn đến chủ quan, kiêu ngạo.

Trong xã hội hiện đại, con người cần phải có được sự tự tin cần thiết, tuy nhiên, tự tin và tự phụ là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt. Người “mắc bệnh” tự phụ luôn kiêu căng, tự ảo tưởng về bản thân, xem mình là nhất, ý kiến, suy nghĩ của mình là đúng, có thái độ hống hách và coi thường ý kiến người khác.

Hiện nay, trong xã hội nói chung và Quân đội nói riêng, người “mắc bệnh” tự phụ không ít. Một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tự cao tự đại, coi mình là “trung tâm của vũ trụ”, thiếu liêm, chính, chí công vô tư, thủ đoạn, bè cánh gây mất đoàn kết nội bộ...

Để “chữa bệnh”, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không ngừng nghiên cứu, học tập, cầu tiến bộ, đề cao phê bình và tự phê bình để phát huy mặt tốt, khắc phục hạn chế của bản thân. Đối với đồng chí, đồng đội, cần luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết; đối với công việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”...

 Huấn luyện võ thuật ở Tiểu đoàn Trinh sát, Bộ Tham mưu Quân khu 9. Ảnh: HỮU TÀI

Huấn luyện võ thuật ở Tiểu đoàn Trinh sát, Bộ Tham mưu Quân khu 9. Ảnh: HỮU TÀI

Trung tá TRẦN TRUNG KIÊN, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 9, Sư đoàn 8, Quân khu 9:

“Càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn”

Tự phụ là sự ảo tưởng về bản thân, cho mình là nhất, là đúng nên coi thường bạn bè, đồng nghiệp. Biểu hiện khá phổ biến của những người mắc “căn bệnh” này là giải quyết không đúng mực mối quan hệ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, coi nhẹ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của tập thể, trong khi lại quá đề cao bản thân. Nguyên nhân dẫn tới tính tự phụ, huyễn hoặc bản thân là do thiếu khiêm tốn, không có tinh thần cầu tiến, đề cao cái tôi, luôn coi mình là trung tâm, là người dẫn đầu.

Thực tế hiện nay, có nhiều yếu tố dẫn đến bệnh tự phụ, trong đó có việc bản thân người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo thường được nhiều người "tâng bốc". Tính tự phụ, huyễn hoặc bản thân dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với xã hội và các mối quan hệ giữa con người.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ”. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần rèn luyện đức tính khiêm tốn; kịp thời nhận ra khuyết điểm của bản thân, thường xuyên lắng nghe góp ý trong tập thể. Đồng thời, tích cực xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất gắn với phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát; tạo môi trường lành mạnh, thu hút cán bộ, đảng viên và quần chúng phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, thiết thực phòng, chống và ngăn chặn, “triệt tiêu” các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

--------------

Thiếu tá HỒ CÔNG XUÂN, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 98, Binh đoàn 12:

Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân

"Căn bệnh" tự phụ nếu rơi vào những cán bộ có chức, có quyền, giữ cương vị chủ trì thì sẽ là mối nguy hại lớn vì dễ rơi vào chủ nghĩa cá nhân, coi thường tập thể, độc đoán, chuyên quyền. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.

Trong Quân đội, “căn bệnh” này sẽ làm cho đơn vị yếu kém, mất sức chiến đấu, làm xói mòn bản chất tốt đẹp và truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ. Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới chỉ rõ các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: Ganh ghét, đố kị, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; háo danh, tự cao, tự đại, thích được ca ngợi, sùng bái bản thân; thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi; sợ trách nhiệm; tranh công, đổ lỗi; độc đoán, gia trưởng, quân phiệt, coi thường tập thể...

Để tránh mắc phải “căn bệnh” tự phụ, huyễn hoặc bản thân, chống chủ nghĩa cá nhân thì cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, cấp ủy viên cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân, khẳng định năng lực, uy tín trong công việc. Đồng thời, cần thực hiện tốt và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên theo tinh thần “7 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.

Thiếu tá LÊ MẠNH CƯỜNG, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 382, Quân khu 1:

“Căn bệnh” nguy hiểm với cán bộ trẻ

Tự phụ, tự huyễn hoặc khiến bản thân tưởng mình là nhất, coi thường những người xung quanh. Điều này xuất phát từ nhận thức của một số người, chỉ mới được người khác khen ngợi đã huênh hoang, cao ngạo... Đối với cán bộ trẻ, việc đề cao cái tôi, tự tin một cách thái quá dẫn đến coi thường những bậc tiền bối đi trước, cho đó là lạc hậu; dễ đi nhầm đường, phủ nhận vai trò của tập thể, nhìn nhận vấn đề theo cảm quan một chiều...

Theo tôi, để tránh “căn bệnh” này thì mỗi người cần sống khiêm nhường, hòa đồng, biết lắng nghe và chia sẻ, không ngừng học hỏi, nhất là những kiến thức mới, những nội dung mới tại đơn vị mình công tác. Không nên kiêu căng, tự ảo tưởng vào bản thân, coi mình là nhất, đồng thời tích cực đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, lệch lạc...

Luôn khiêm tốn học hỏi

Thói tự cao, tự đại xuất phát từ việc đề cao cái tôi cá nhân, tự đánh giá mình quá cao và sự chủ quan trong tu dưỡng, rèn luyện bản thân, từ đó đánh mất sự khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến góp ý của những người xung quanh, dần dần tạo thành bức tường ngăn cách với bên ngoài, ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân.

Biểu hiện dễ thấy ở những người “mắc bệnh” tự cao, tự đại là sự ảo tưởng về bản thân. Có chút ít tài năng nhưng luôn cho mình là nhất, là thiên tài, chỉ có mình mới xứng đáng làm lãnh đạo, chỉ huy. Người có tính tự phụ thường không biết lắng nghe, không chịu học hỏi, thích nói nhiều về bản thân và hay lên mặt dạy đời. Họ cũng hay tỏ thái độ xem thường người khác, luôn cho ý kiến, việc làm của mình là đúng và bác bỏ các ý kiến khác.

 Các thành viên Câu lạc bộ “Sáng tạo trẻ” ở Trung đoàn 274, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không-Không quân trao đổi trong quá trình xây dựng phần mềm huấn luyện. Ảnh: XUÂN SANG

Các thành viên Câu lạc bộ “Sáng tạo trẻ” ở Trung đoàn 274, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không-Không quân trao đổi trong quá trình xây dựng phần mềm huấn luyện. Ảnh: XUÂN SANG

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiều thứ “bệnh” của cán bộ, đảng viên, trong đó có bệnh kiêu ngạo với những biểu hiện: “Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”. Cùng với đó là bệnh hiếu danh, tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại...

Thực hiện nhiệm vụ được giao là chức trách của người quân nhân. Người có tinh thần trách nhiệm, đạo đức là khi nhận nhiệm vụ luôn cố gắng hoàn thành nhanh chóng và chính xác nhất. Hôm nay làm tốt rồi thì ngày mai cần cố gắng làm tốt hơn nữa.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có vướng mắc, khó khăn cần mạnh dạn, chủ động nhờ cấp trên, đồng đội hướng dẫn thêm. Muốn thế, quân nhân cần biết “giữ chân mình ở mặt đất”, không tự mãn với những gì mình đã làm được và không ngừng "rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản”. Đồng thời, ra sức học tập nâng cao trình độ về mọi mặt; cầu thị lắng nghe ý kiến phê bình, góp ý của đồng đội; khiêm nhường học hỏi; không khoe khoang, hợm hĩnh hay lên mặt sĩ diện...

Thực tiễn cho thấy, kết quả nỗ lực phấn đấu kiên trì, bền bỉ của quân nhân luôn được tổ chức ghi nhận đầy đủ, công bằng mà không cần phải tự đề cao vai trò, "lăng xê" bản thân và thành tích cá nhân. Hơn nữa, khiêm tốn sẽ giúp mỗi người có được sự tỉnh táo để nhận thức chân lý một cách đúng đắn, khách quan và nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của mọi người.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/canh-giac-voi-benh-tu-phu-huyen-hoac-ban-than-743169