Cảnh giác với loại vi khuẩn nguy hiểm từ thịt lợn
Thịt lợn là loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở Việt Nam, song lại có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Salmonella tương đối cao. Ước tính, mỗi năm, cứ 10 người tiêu dùng lại có 1-2 trường hợp có nguy cơ nhiễm khuẩn này.
Gần đây, tôi thấy nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra làm một số người tử vong, đều liên quan các món ăn quen thuộc như thịt, cá. Như gia đình tôi, thịt lợn là thực phẩm thường xuyên dùng, hầu như tuần nào cũng dùng trong 4-5 bữa tối. Làm cách nào người tiêu dùng như chúng tôi có thể tự bảo vệ bản thân tốt hơn, giảm nguy cơ ngộ độc? (Minh Chuyên, Hà Nội).
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Đức Phúc, Trường Đại học Y tế công cộng (Hà Nội), tư vấn:
Tại Việt Nam, vi khuẩn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm, như vi khuẩn E. coli, Salmonella, Campylobacter, Clostridium hay Staphylococcus aureus. Triệu chứng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn (như tiêu chảy, đau bụng, nôn, sốt, mệt mỏi…) thường xuất hiện từ 12-72 giờ sau khi ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm.
Thịt lợn là loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở Việt Nam, song lại có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Salmonella tương đối cao. Một nghiên cứu ước tính mỗi năm cứ 10 người tiêu dùng Việt Nam lại có 1-2 người có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Vi khuẩn này thường lây nhiễm qua việc tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ, nhất là các sản phẩm động vật, thường liên quan đến quá trình thực hành và vệ sinh chăn nuôi, giết mổ, bày bán tại chợ và chế biến tại hộ gia đình.
Mới đây, để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ bản thân tốt hơn khỏi tác nhân gây bệnh từ thực phẩm, nhóm nghiên cứu “Các phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường nhằm cải thiện an toàn thịt lợn tại Việt Nam” (SafePORK) đã triển khai một số nội dung can thiệp. Trong đó, biện pháp can thiệp đơn giản tại các quầy bán thịt lợn và lò mổ truyền thống đã giúp giảm tỷ lệ nhiễm Salmonella trên thịt lợn tại chợ từ 52% giảm xuống còn 24%.
Những biện pháp can thiệp tại hộ gia đình cũng là một trong những khâu quan trọng. Các bước đơn giản giúp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm như:
- Rửa tay, dụng cụ và bề mặt bếp thường xuyên khi nấu ăn, đặc biệt là khi xử lý thịt sống giúp ngăn ngừa lây nhiễm chéo vi khuẩn tại nhà.
- Để riêng trái cây và rau tươi, thịt sống, hải sản và trứng trong quá trình bảo quản và chuẩn bị bữa ăn.
- Sử dụng dụng cụ, thớt và bát đĩa riêng cho thịt và rau sống.
- Nấu thực phẩm đến nhiệt độ thích hợp (tùy theo sản phẩm) để tiêu diệt vi khuẩn; sử dụng nhiệt kế thực phẩm để kiểm tra nhiệt độ.
- Bảo quản lạnh các loại thực phẩm dễ hỏng và thức ăn thừa trong vòng hai giờ để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.