Cảnh giác với trứng gia cầm gắn mác 'giải cứu'
Bên cạnh việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu vào Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng không tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, kể cả trứng gia cầm được bày bán tràn lan trên các hè phố dưới danh nghĩa 'giải cứu' của các tư thương.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) vừa có Công văn số 02/VIPA gửi các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam về việc phòng chống dịch cúm gia cầm.
Công văn nêu rõ, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian gần đây, tại Campuchia đã phát hiện ca tử vong trên người do vi rút cúm gia cầm A/H5N1. Nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh trên người và gia cầm do vận chuyển, buôn bán tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe của cộng đồng, ngày 26/3/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện số 1030/CĐ-BNN-TY gửi các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước tình hình đó, VIPA đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân hội viên thuộc VIPA chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công điện nêu trên và văn bản hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm của chính quyền các địa phương.
Không vận chuyển, buôn bán tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Không tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kể cả trứng gia cầm được bày bán tràn lan trên các hè phố dưới danh nghĩa “giải cứu” của các tư thương.
Chủ động triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh bao gồm tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong và xung quanh trại, phương tiện vận chuyển ra vào trại chăn nuôi, đặc biệt những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khác. Giám sát chặt chẽ các phương tiện, khách ra vào trại, thực hiện tốt việc cách ly, bảo hộ lao động trước khi ra vào trại.
Thực hiện tiêm phòng đầy đủ, kịp thời vắc xin cúm gia cầm và các loại vắc xin khác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Thông báo kịp thời với cơ quan chức năng và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của Luật Thú y khi có hiện tượng gia cầm ốm chết bất thường tại cơ sở chăn nuôi của doanh nghiệp, trang trại.
Thời gian qua, trên vỉa hè nhiều tuyến phố tại Hà Nội như phố như Tố Hữu, Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh... (Hà Nội) và trên mạng xã hội xuất hiện nhiều điểm bán, bài đăng trứng gà cùng tấm băng rôn "Chung tay giải cứu trứng gà, vịt cho bà con nông dân". Trứng được bày đầy vỉa hè, quảng cáo giá rẻ hơn bình thường. Theo đó, người mua chỉ cần bỏ ra 65.000 đồng đã có 30 quả.
Theo thông tin từ người bán, trứng này có nguồn gốc từ các trang trại ở quê. Để tiện cho khách hàng mua, những người bán hàng bán theo túi, mỗi túi 30 quả có giá 65.000 đồng, tính ra chỉ hơn 2.000 đồng/quả.
Những biển “giải cứu” cũng thu hút một lượng không nhỏ khách hàng tới mua. Có người thì vì thấy rẻ mà mua, cũng có người vì muốn hỗ trợ bà con nông dân nên mua. Trước đây, nếu họ chỉ mua mỗi lần 10 quả thì nay họ đương nhiên là phải mua cả túi 30 quả. Thậm chí, vì thấy rẻ, họ còn mua cho họ hàng, người thân.
Nhiều tiểu thương cho biết, bình thường, hàng tiêu thụ đều đều, mỗi ngày bán 5.000 quả, lấy ngày nào tiêu thụ hết ngày đó. Thế nhưng sau đợt Tết, trứng tiêu thụ chậm, trong khi mỗi ngày trang trại cho ra hàng nghìn quả. Đợt vừa rồi thời tiết Hà Nội nồm ẩm, khiến trứng không bảo quản được lâu, buộc phải giảm giá bán để giải phóng hàng.