Cảnh níu giữ loài cá sấu khỏi đà tuyệt chủng
Tại Venezuela, một nhóm nhà khoa học đang nỗ lực bảo tồn loài cá sấu Orinoco với số lượng cá thể ngoài tự nhiên hiện còn chưa đến 100 con.

Tại miền tây Venezuela, gần biên giới Colombia, một nhóm nhà bảo tồn lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ đầy áp lực: thả cá sấu Orinoco non đang trên bờ vực tuyệt chủng trở lại tự nhiên. Trong ảnh, nhà bảo tồn Carlos Alvarado (thứ hai từ phải sang, 34 tuổi) và các chuyên gia đang đo kích thước một con cá sấu Orinoco con được nuôi nhốt trước khi thả về sông Capanaparo thuộc vườn thú Leslie Pantin ở Turmero, bang Aragua, Venezuela ngày 21/4.

Theo tổ chức bảo tồn FUDECI (Venezuela), hiện còn chưa đến 100 cá thể cá sấu Orinoco – một trong những loài bò sát lớn nhất còn tồn tại – sống ngoài tự nhiên. Loài này phân bố chủ yếu ở lưu vực sông Orinoco, khu vực trải dài phần lớn lãnh thổ Venezuela và chảy sang Colombia. Trong ảnh, cảnh một nhóm cá sấu Orinoco con được nuôi nhốt ở trang trại Terepaima trước khi thả về sông Capanaparo ngày 24/4.

Trong nhiều thập kỷ, nhóm chuyên gia nuôi dưỡng cá sấu Orinoco non trong điều kiện nuôi nhốt với hy vọng cứu loài động vật cực kỳ nguy cấp này khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, chính họ thừa nhận đang dần thất bại. Việc săn bắt lấy da trong quá khứ đã khiến số lượng cá thể sụt giảm nghiêm trọng. Ngày nay, tình trạng người dân tiếp tục săn cá sấu để lấy thịt và trứng làm thực phẩm càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong khi đó, lực lượng bảo tồn ngày càng già đi, còn thế hệ các nhà sinh vật học trẻ phần lớn đã rời khỏi Venezuela do bất ổn kinh tế và chính trị. Cảnh ghi lại từ trên cao, những chiếc xe chở cá sấu con Orinoco được nuôi trong chương trình bảo tồn, đang chờ thuyền đáy bằng để băng qua sông và thả về tự nhiên tại sông Capanaparo hôm 23/4.

Nhóm chuyên gia và tình nguyện viên mang theo những con cá sấu Orinoco non được nuôi nhốt để thả về tự nhiên tại sông Capanaparo.

Những chú cá sấu Orinoco mới sinh trong một chiếc xô tại vườn thú Leslie Pantin ở Turmero, bang Aragua, Venezuela, ngày 21/4.

Nhà bảo tồn Omar Hernandez, 63 tuổi và giám đốc tổ chức FUDECI, gắn thẻ một con cá sấu Orinoco con được nuôi nhốt trước khi thả về tự nhiên.

Federico Pantin (59 tuổi), Giám đốc Vườn thú Leslie Pantin ở Turmero, không mấy lạc quan về tương lai của cá sấu Orinoco. Vườn thú do ông điều hành là một trong số ít nơi chuyên nuôi các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có cá sấu Orinoco non. “Chúng ta chỉ đang trì hoãn sự tuyệt chủng của loài này mà thôi”, ông nói. Dù vậy, Pantin và các cộng sự vẫn kiên trì tiếp tục công việc: theo dõi, đo đạc và vận chuyển cá thể cá sấu đến nơi thả. Họ ghi lại các địa điểm cá sấu Orinoco làm tổ, thu thập trứng và cá con, đồng thời nhân giống những cá thể trưởng thành trong điều kiện nuôi nhốt tại các vườn thú và tại trang trại Masaguaral – một trung tâm đa dạng sinh học kiêm trại chăn nuôi gần Tamarindito, miền trung Venezuela.

Các nhà khoa học nuôi cá sấu Orinoco non bằng chế độ ăn gồm thịt gà, thịt bò, vitamin cho đến khi chúng đạt khoảng một tuổi và nặng khoảng 6 kg.

Khi trưởng thành, cá sấu Orinoco có thể dài hơn 5 m và sống hàng chục năm. Những con trưởng thành có lớp giáp xương dày, hàm khỏe và răng sắc nhọn. Chúng là loài không thể xem nhẹ.

Cận cảnh con cá sấu Orinoco 70 tuổi tại Masaguaral Ranch, trung tâm nhân giống nuôi nhốt gần Tamarindito, bang Guarico, Venezuela, ngày 22/4.

Cá sấu sở hữu đôi mắt thích nghi cao với việc săn mồi, cho góc nhìn rộng, có màng bảo vệ khi ở dưới nước và khả năng nhìn rõ vào ban đêm. Tuy nhiên, vào ban đêm, khi ánh sáng chiếu vào, mắt chúng phản chiếu ánh đỏ, khiến chúng dễ bị phát hiện và trở thành mục tiêu săn bắt của con người.

Cá sấu Orinoco sống chủ yếu ở lưu vực sông Orinoco. Trước đây, chúng bị săn để lấy da, còn hiện nay bị bắt để lấy thịt, khiến loài này rơi vào tình trạng cực kỳ nguy cấp.

Da cá sấu có cấu trúc đặc biệt với các vảy lưng gồ lên, giúp bảo vệ chúng trong các cuộc chiến với đồng loại. Trong khi đó, phần da bụng phẳng và mịn hơn, thường được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất đồ da.

Cá sấu Orinoco đực trưởng thành có thể nặng tới 380 kg và dài hơn 5 m. Phần đuôi khỏe và nhiều cơ giúp chúng bơi nhanh và tấn công con mồi một cách bất ngờ.

Loài cá sấu này nằm ở đỉnh chuỗi thức ăn và được xếp vào nhóm những loài bò sát lớn nhất còn tồn tại trên Trái Đất. Trong hình, một con cá sấu Orinoco tại trang trại Masaguaral gần Tamarindito, Bang Guarico, Venezuela, ngày 22/4.

Omar Hernandez cho biết việc cứu loài cá sấu Orinoco cần nhiều yếu tố kết hợp: từ nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường sống, giáo dục cộng đồng đến công tác quản lý. "Chúng tôi đang thu thập cá thể non, nuôi trong vòng một năm rồi thả về tự nhiên. Nhưng thực tế, đó gần như là việc duy nhất đang được triển khai và quy mô thì còn rất hạn chế", ông nói và cho biết thêm mỗi năm, nhóm chỉ có thể thả khoảng 200 cá sấu non trở lại tự nhiên.

Ông Hernandez cho biết các nhà sinh vật học thường đợi đến khi cá sấu được một tuổi mới thả về tự nhiên, vì đây là giai đoạn sống sót quan trọng nhất trong vòng đời của chúng. “Khi còn quá nhỏ, hầu hết đều bị săn bắt,” ông nói.

Reuters theo chân các nhà khoa học trong chuyến thả cá sấu Orinoco non về tự nhiên. Những con vật được đặt trong các thùng, hàm được buộc lại để tránh gây nguy hiểm, sau đó di chuyển từ sở thú đến sông Capanaparo - một khu vực hẻo lánh ở miền tây Venezuela, gần biên giới Colombia. Đoạn sông này nằm trên đất tư nhân, giúp hạn chế nguy cơ cá sấu bị săn bắt ngay sau khi thả.

Nhóm chuyên gia và tình nguyện viên mang theo những chiếc thùng vận chuyển cá sấu Orinoco con để đảm bảo an toàn trước khi thả về tự nhiên tại sông Capanaparo, ngày 24/4.

Alvaro Velasco, 66 tuổi, chủ tịch nhóm Chuyên gia Cá sấu, cẩn thận dùng băng dính che mắt một con cá sấu Orinoco con để giúp nó bớt căng thẳng trong suốt hành trình di chuyển. Trên vai phải của ông là hình xăm một con cá sấu Orinoco – loài mà ông dành nhiều năm gắn bó.

Con cá sấu Orinoco non, vốn nuôi trong chương trình bảo tồn, được thả về tự nhiên tại sông Capanaparo, ở trang trại Terepaima gần thị trấn Elorza, bang Apure, Venezuela, ngày 24/4.

Cảnh từ trên cao cho thấy những con cá sấu Orinoco non, sau khi được thả về tự nhiên, đang bơi trên sông Capanaparo, ngày 24/4.