Cảnh sắc Phú Lộc hút hồn dân ký họa
Từ cánh rừng nguyên sinh với hệ thống suối thác tuyệt đẹp cho đến đầm phá mênh mông nối liền ra biển lớn, cùng nhiều danh thắng kỳ vĩ khác của Phú Lộc đã hút hồn dân ký họa. Đứng trước cảnh sắc ấy, người ký họa đã không khỏi rung động rồi đưa lên tranh những nét vẽ lung linh, huyền ảo.
Hành trình ký họa sau nhiều năm đi qua các vùng đất Cố đô Huế đã dừng chân với Phú Lộc trong những ngày cuối tháng 3, khi tiết trời xuân tươi mát vẫn còn ẩn hiện ở mỗi danh thắng đoàn đi qua. Hơn 40 họa sĩ đến từ Nhóm ký họa Hà Nội kết hợp với các họa sĩ Huế đã tham gia hành trình ký họa do Bảo tàng Mỹ thuật Huế tổ chức.
Gần một tuần rong ruổi khắp các cảnh đẹp ở Phú Lộc đã cho các họa sĩ rất nhiều trải nghiệm, cảm xúc. Mỗi nơi dừng chân lại đã hút hồn họ không chỉ bằng cảm xúc thật trước thiên nhiên tươi đẹp, mà còn đưa lên tranh với góc nhìn riêng độc đáo.
Những ngọn thác, cánh rừng nguyên sinh, biệt thự cổ ở Vườn Quốc gia Bạch Mã, Hải Vân Quan, chùa Thánh Duyên, biển Cảnh Dương, đầm Cầu Hai… qua những góc nhìn và nét vẽ tài hoa của các họa sĩ như trở nên lung linh, huyền diệu hơn bao giờ hết. Với rất nhiều chất liệu, các họa sĩ đã chuyển tải được những hình ảnh thật lên tác phẩm một cách chân thật, đưa người xem đắm chìm trong không gian thơ mộng với nét đẹp của sông, suối, biển, hồ, núi non trùng điệp. Cùng với thiên nhiên, người dân nơi này đã tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc về hệ sinh thái, phong tục tập quán, sinh hoạt hằng ngày của người dân qua nhiều thế hệ.
Nhiều họa sĩ tham gia chương trình, đặc biệt là các họa sĩ đến từ Hà Nội đã không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất phía nam Thừa Thiên Huế. Vì thế họ tận dụng gần như toàn bộ thời gian để vừa trải nghiệm, vừa sáng tác. Những tác phẩm với rất nhiều góc nhìn, ở nhiều chiều kích khác nhau, như một lời cảm ơn khi được đặt chân đến nơi này. Còn với họa sĩ Huế, Phú Lộc dù đã quen thuộc nhưng mỗi lần đi là một lần mới lạ. Vùng đất hội tụ cảnh sắc “lên rừng xuống biển” này là chất liệu vô cùng cảm xúc để họ đưa vào tác phẩm của mình, không bao giờ trùng lặp. Tùy thời gian, không gian ở những địa danh khác nhau đã vô tình tạo nên cảm hứng sáng tác với người họa sĩ.
Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế kiêm trưởng ban tổ chức chương trình ký họa nói rằng, những cảnh sắc tuyệt đẹp của Phú Lộc được các họa sĩ đưa vào trong tác phẩm đã tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc về mảnh đất và con người nơi này. Chính những tác phẩm ký họa của thành viên tham gia chương trình lần này đã góp phần bảo tồn và gìn giữ, quảng bá và tôn vinh giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên của Phú Lộc đến du khách trong nước và quốc tế qua góc nhìn của nghệ thuật ký họa.
“Những tác phẩm của các họa sĩ được vẽ bằng tất cả niềm đam mê, nhiệt huyết. Họ đã gửi gắm vào chính tác phẩm của mình để dành tặng cho Huế và những tác phẩm này sẽ được Bảo tàng Mỹ thuật Huế giữ gìn, trưng bày, quảng bá một cách có hiệu quả nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Huế nói chung, nét đẹp mảnh đất và con người Phú Lộc nói riêng đến với công chúng”, bà Trai chia sẻ.
Hành trình ký họa đi xuyên Huế
Bắt đầu từ năm 2020, Hành trình ký họa đã đi qua nhiều vùng đất của Cố đô Huế, từ trung tâm đô thị Huế, về các huyện miền xuôi cho đến các huyện vùng cao, đến với các địa danh nổi tiếng để ký họa trực tiếp các công trình kiến trúc, công trình văn hóa, cảnh quan, con người, ẩm thực… Sau mỗi dịp sáng tác, các tác phẩm đều được trưng bày giới thiệu đến công chúng, cũng như in thành sách ảnh. Việc duy trì chương trình này góp phần giữ gìn, quảng bá và tôn vinh giá trị văn hóa di sản Cố đô Huế đến du khách trong nước và bạn bè quốc tế qua góc nhìn của nghệ thuật ký họa.