Canh tác bền vững - chìa khóa cho ngành nông nghiệp Malaysia

Do biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đang ngày càng dễ bị ảnh hưởng và các quốc gia mới nổi như Malaysia chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng.

Nông dân canh tác ở bang Pahang, Malaysia. Ảnh: AFP

Nông dân canh tác ở bang Pahang, Malaysia. Ảnh: AFP

Theo Tiến sỹ Rulia Akhtar thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển Ungku Aziz (UAC), Đại học Malaya (Malaysia), phần lớn nền kinh tế của các quốc gia mới nổi dựa vào ngành nông nghiệp vốn nuôi sống và hỗ trợ một số lượng lớn dân số. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đang ngày càng dễ bị ảnh hưởng và các quốc gia mới nổi như Malaysia chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng.

Do tác động của biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán và sóng nhiệt ngày càng gia tăng và tàn phá các vùng canh tác. Ngành nông nghiệp của Malaysia cũng đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng. Tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia đã giảm từ 43,7% xuống 7,1% trong giai đoạn 1960-2021. Điều này trái ngược với việc diện tích đất trồng trọt của Malaysia đã tăng từ 9,4% trên tổng diện tích đất năm 1961 lên 26,3% năm 2015 theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2021.

Mặt khác, điều này có thể chỉ ra những vấn đề quan trọng chưa được giải quyết, cũng như chứng minh rằng ngành nông nghiệp của Malaysia đã hoạt động kém hiệu quả. Kết quả là quốc gia này đang trải qua tình trạng thiếu lương thực và phải phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.

Malaysia đã mua lượng gạo trị giá 583 triệu USD năm 2021, trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 12 trên thế giới. Malaysia cũng phải nhập khẩu ngô, cà phê và chè. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực có thể gây nguy hiểm cho quốc gia, đặc biệt nếu nguồn cung lương thực trên toàn thế giới đột ngột giảm do thiên tai hoặc dịch bệnh.

Nông nghiệp là ngành kinh tế chính ở Malaysia và chịu ảnh hưởng của môi trường nhiệt đới. Cọ dầu và ca cao là những cây trồng điển hình có lợi nhuận chiếm ưu thế. Trong khi đó, việc trồng trọt các sản phẩm nhiều dinh dưỡng như trái cây và rau lại không hiệu quả. Ngành sản xuất lúa gạo của Malaysia mới tự chủ được khoảng 65%, trong khi nước này luôn phụ thuộc vào rau củ quả nước ngoài do sản lượng trong nước không đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa.

Malaysia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó cấp bách nhất là sự gia tăng chi phí lương thực trên toàn thế giới. Khi nguồn cung thực phẩm không đủ và không đáng tin cậy, những người có thu nhập thấp chắc chắn sẽ phải chịu gánh nặng.

Tầm quan trọng của nông nghiệp bền vững

Tiến sỹ Rulia Akhtar nhận định nông nghiệp bền vững là rất quan trọng vì nhiều lý do. Thứ nhất, thực hành nông nghiệp bền vững hướng tới giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Nông nghiệp bền vững bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên thông qua việc khuyến khích bảo tồn chất lượng của đất và nguồn nước, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu độc hại. Các biện pháp bao gồm canh tác hữu cơ, nông lâm kết hợp, luân canh cây trồng và kiểm soát dịch hại tổng hợp, giúp bảo tồn đất, chất lượng nước và sức khỏe môi trường nói chung.

Thứ hai, với dân số thế giới ngày càng gia tăng, việc đảm bảo an ninh lương thực là một thách thức lớn. Nông nghiệp bền vững ưu tiên năng suất dài hạn bằng cách bảo tồn độ màu mỡ của đất, giảm xói mòn và khuyến khích đa dạng cây trồng. Nông dân có thể tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu, các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và các vấn đề có thể xảy ra khác bằng cách áp dụng các biện pháp bền vững, cung cấp nguồn lương thực ổn định cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Thứ ba, bằng cách giảm phát thải khí nhà kính, các hoạt động nông nghiệp bền vững giúp chống lại biến đổi khí hậu. Canh tác nông lâm kết hợp và canh tác bảo tồn giúp thu giữ CO2, giảm lượng khí thải carbon của ngành nông nghiệp. Hơn nữa, nông nghiệp bền vững thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các hoạt động canh tác, hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Thứ tư, nông dân và cộng đồng nông ở thôn có thể hưởng lợi kinh tế từ nông nghiệp bền vững. Nông dân có thể giảm chi phí đầu vào, tăng cường sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách thực hiện các phương pháp bền vững. Hơn nữa, nông nghiệp bền vững thường xuyên khuyến khích các cơ chế nông nghiệp hữu cơ và địa phương, có thể tạo việc làm và giúp ích cho nền kinh tế địa phương.

Thứ năm, bảo tồn và sử dụng nước hiệu quả là những khía cạnh quan trọng của nông nghiệp bền vững. Điều này làm giảm lãng phí nước và bảo vệ tài nguyên nước bằng cách sử dụng các biện pháp như tưới nhỏ giọt, thu gom nước mưa và lựa chọn cây trồng tiết kiệm nước. Đây là điều đặc biệt quan trọng ở những khu vực khan hiếm nước hoặc ở những nơi mà các hoạt động canh tác không bền vững đã dẫn đến ô nhiễm và thất thoát nước.

Cuối cùng là nông nghiệp bền vững nhằm giảm sử dụng phân bón tổng hợp, hóa chất và kháng sinh, vốn đều có thể gây hại cho sức khỏe con người. Cách này sẽ làm giảm dư lượng hóa chất trong thực phẩm, bảo vệ nông dân tránh khỏi các chất độc hại và thúc đẩy các lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn cho người tiêu dùng thông qua thúc đẩy canh tác hữu cơ và bền vững.

Phương thức thích ứng với biến đổi khí hậu

Chính phủ Malaysia nên phát triển các biện pháp gắn kết để giải quyết tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp. Trước tiên, các nhà dự báo thời tiết, nhà lập pháp và học giả phải đưa ra các chiến thuật hiệu quả và phát triển kế hoạch rộng lớn để giải quyết mối lo ngại về biến đổi khí hậu. Điều này sẽ thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp và an toàn thực phẩm của một quốc gia.

Malaysia cũng nên tập trung cải thiện khả năng thích ứng của người trồng trọt với những tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động canh tác của họ. Với kết quả nghiên cứu về nông nghiệp, chính phủ nên thực hiện các sửa đổi dựa trên chính sách. Malaysia hiện vẫn chưa xây dựng chiến lược quốc gia riêng về nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhìn chung, canh tác thân thiện với môi trường là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề liên quan đến suy thoái môi trường, dinh dưỡng, biến đổi khí hậu và sức khỏe của người dân. Đây là cách tiếp cận toàn diện để canh tác, cân bằng tính bền vững tài chính, bình đẳng xã hội và bảo vệ môi trường./.

An Nguyễn (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/canh-tac-ben-vung-chia-khoa-cho-nganh-nong-nghiep-malaysia/295946.html