Canh tác lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính
Cùng với đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hỗ trợ giống lúa chất lượng cao, vụ Xuân năm 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai quy trình canh tác lúa bền vững với phương pháp tưới ướt khô xen kẽ, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Toàn tỉnh có hơn 35 nghìn ha diện tích canh tác lúa mỗi năm, trong đó, cây lúa đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập và bảo vệ môi trường sinh thái.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (Bình Xuyên) trồng lúa theo hướng hữu cơ giúp giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Thế Hùng
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và đời sống con người. Canh tác lúa truyền thống cần một lượng nước lớn để duy trì tưới ngập và thải ra môi trường một lượng lớn khí Metan (CH4) làm gia tăng vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo nghiên cứu, cây lúa nước tiêu thụ từ 30 - 40% lượng nước tưới trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp đến 48% lượng khí nhà kính và 75% khí Metan (CH4) phát thải trong nông nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả canh tác lúa, tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 59 thực hiện chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm sản xuất trồng trọt theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, phát thải thấp, phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Góp phần hiện thực hóa quan điểm trên, vụ Xuân năm 2025, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai quy trình canh tác lúa bền vững với phương pháp tưới ướt khô xen kẽ, quy mô 1.000 ha tại địa bàn 5 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Vĩnh Tường (Thượng Trưng, Vũ Di) và Yên Lạc (Liên Châu, Yên Phương và thị trấn Tam Hồng).
Công nghệ tưới tiết kiệm nước như tưới ướt khô xen kẽ (AWD) đã được Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) phát triển và áp dụng ở Việt Nam từ năm 2003. Phương pháp này tương tự nguyên lý tưới nông - lộ - phơi.
Theo nguyên tắc của AWD, chỉ nên tưới nước cho lúa khi mực nước trên ruộng giảm xuống khoảng -15 cm so với mặt đất. Cùng với đó, phải duy trì lớp nước khoảng 5 cm từ một tuần trước đến một tuần sau khi trỗ để đảm bảo năng suất lúa.
Có mặt tại cánh đồng Nhật Chiêu, xã Liên Châu (Yên Lạc), sau hơn 1 tháng triển khai quy trình canh tác lúa bền vững với phương pháp tưới ướt khô xen kẽ, chúng tôi nhận thấy, cả cánh đồng lúa xanh mướt đang bắt đầu làm đòng, vươn lên như những cô con gái đang thì xuân sắc.

Áp dụng quy trình canh tác lúa bền vững, công nghệ tưới ướt khô xen kẽ, cánh đồng lúa xã Liên Châu (Yên Lạc) sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn vụ Xuân bội thu. Ảnh: Hồng Tính
Rảo bước trên những thửa ruộng của gia đình, bà Ngô Thị Minh phấn khởi cho biết: Vụ đầu tiên và cũng là lần đầu tiên thực hiện cấy lúa theo phương pháp tưới ướt khô xen kẽ, tôi nhận thấy cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, giảm bớt công lấy nước, đẻ nhánh nhiều, cứng cây và ít sâu bệnh, hứa hẹn vụ Xuân bội thu.
Vụ Xuân 2025, xã Liên Châu có 150/200 ha diện tích cấy lúa của địa phương triển khai theo quy trình canh tác lúa bền vững áp dụng công nghệ tưới ướt khô xen kẽ, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến thời điểm này cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Chị Bùi Thị Tuyết, công chức nông nghiệp môi trường xã cho biết: Trước ảnh hưởng ngày càng rõ của biến đổi khí hậu thì việc áp dụng biện pháp canh tác lúa tưới ướt khô xen kẽ sẽ giúp cây lúa thích ứng tốt hơn với thời tiết.
Ưu điểm của tưới ướt khô xen kẽ, cây lúa vẫn đảm bảo hút đủ nước và sinh trưởng phát triển tốt, cây cứng nên chống đổ tốt hơn. Đặc biệt, lúa ít sâu bệnh hơn do ruộng thông thoáng hơn, giảm nước tưới, công và chi phí tưới, tiết kiệm nguồn nước, từ đó góp phần giảm phát thải khí CH4.
Để bảo đảm cho việc triển khai mô hình đạt hiệu quả, người dân hiểu rõ và tiếp cận về phương pháp, quy trình canh tác lúa tưới ướt khô xen kẽ, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các hội nghị tập huấn cho hơn 1.000 cán bộ, nông dân của 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Lạc nhằm nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức về phương pháp tưới ướt khô xen kẽ; những ưu điểm, lợi ích của phương pháp canh tác trên đem lại.
Trước ảnh hưởng ngày càng rõ của biến đổi khí hậu, kỹ thuật canh tác lúa bền vững, tiết kiệm nước và giảm phát thải đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn.
Để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trồng lúa, tiến tới phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, phát thải thấp, thời gian tới, ngành nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới trong sản xuất, áp dụng quy trình canh tác lúa tưới ướt khô xen kẽ, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ, giảm phát thải nhà kính.
Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn…